13/03/2014 04:45 GMT+7

Chúng ta đang làm gì với trẻ em?

HOÀNG DUẨN
HOÀNG DUẨN

TT - Những ngày qua liên tục các thông tin gây chấn động dư luận về những cái chết thương tâm của trẻ em được đưa lên các trang báo. Em Quách Gia Phú, học sinh lớp 6 (TP.HCM), chết đuối ngay ngày đầu tiên đi học bơi.

Rồi tại một công trình xây dựng Trường mẫu giáo ở Giồng Riềng, Kiên Giang, những người thi công đã chỉ san lấp một nửa và một nửa còn lại để cho đọng nước và một em bé 10 tuổi đã chết đuối. Cả hai tin buồn này đều được đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 8-3.

Trước đó là những tin đau đớn: em Nguyễn Đức Bảo Trác, học sinh lớp 6/2 Trường Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TP.HCM), đã chết thảm dưới bánh xe buýt vào buổi sáng 6-3. Ngày 4-3, độc giả lại nhận được tin em Chung Thị Kim Vân, 13 tuổi, lớp 6A Trường THCS Lương Sơn (Bắc Bình, Bình Thuận), khi cứu một em nhỏ (Tiến Đạt) bị rơi xuống hố nước của một công trình thi công hệ thống nước tưới tiêu, kết quả em bé được cứu sống còn Vân đã ra đi vĩnh viễn...

Đau xót, thương tâm, phẫn nộ để rồi... tuyệt vọng là cảm giác của nhiều độc giả suốt những ngày qua với những gì đã diễn ra đối với trẻ em. Người ta có thể truy tặng danh hiệu, có thể chia buồn với các em và gia đình, nhưng dường như trong một thời gian dài trong các tai nạn thương tâm trên, ta chưa thấy những lời răn đe, cảnh báo, thậm chí là những mức án đích đáng dành cho những kẻ đã vô tâm gây ra những cái chết thương tâm đối với các em.

Chúng ta đang làm gì với trẻ em thế này?

Mỗi ngày các em ra khỏi nhà là biết bao nhiêu cái bẫy nguy hiểm đang rình rập, không riêng gì ở các thành phố mà tại tất cả mọi miền của đất nước. Những cái bẫy từ những chuyến đò ngang thiếu an toàn, những cây cầu treo kém chất lượng, những con đường thiếu ánh sáng ở các vùng thôn quê đến những hố công trình, những hung thần xe buýt, những con đường chật như nêm cối mỗi khi được cha mẹ đưa đi đón về tại các thành phố lớn. Một số thống kê cho thấy hằng năm nước ta có trung bình 3.500 trẻ em bị chết đuối. Hằng năm có gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, tuy chưa ai thống kê nhưng chắc trong số đó có nhiều trẻ em, và cũng có nhiều trẻ còn sống nhưng cuộc đời gắn liền với đôi nạng hoặc chiếc xe lăn, thậm chí nằm liệt giường hay những căn bệnh không bao giờ chữa được do tai nạn để lại.

Chúng ta có khẩu hiệu nghe rất hay “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, và là một trong những nước đầu tiên ký “Công ước về quyền trẻ em”, chúng ta luôn nói rằng sẽ dành cho trẻ em một cuộc sống tốt đẹp nhất. Ta có nhiều cơ quan, tổ chức xã hội, đoàn thể... tham gia bảo vệ trẻ em, thế nhưng chỉ lập ra thôi là chưa đủ. Chưa cần nghĩ đến việc phải có đầy đủ công viên - khu vui chơi cho trẻ em, nhà hát cho trẻ em (mặc dù bây giờ làm là cũng đã trễ lắm rồi)... nhưng chúng ta cần cái tối thiểu là: trẻ em được sinh ra và lớn lên trong một xã hội an toàn, ở đó các em được sự bao bọc chở che của người lớn có trách nhiệm, có lương tâm và hành lang pháp lý để bảo vệ các em được thực thi một cách nghiêm minh!

HOÀNG DUẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên