Thành phố New York (Mỹ) rực rỡ ánh đèn về đêm - Ảnh: AFP |
Những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của ánh sáng nhân tạo gồm Singapore, Kuwait và Qatar. Các nước như Chad, Cộng hòa Trung Phi và Madagascar ít chịu ảnh hưởng của ô nhiễm ánh sáng nhất.
Các nhà khoa học của nhiều quốc gia gồm Ý, Đức, Mỹ và Israel đã tạo nên bản đồ thế giới về ô nhiễm ánh sáng bằng cách sử dụng các phương pháp tiên tiến để đo độ sáng của bầu trời và hình ảnh vệ tinh chất lượng cao.
Tiến sĩ Christopher Kyba thuộc Trung tâm Nghiên cứu địa chất của Đức giải thích: “Ánh sáng nhân tạo ngày nay đến từ rất nhiều nguồn. Trong đó, ánh sáng từ đèn đường chiếm phần lớn. Chúng ta cũng chịu ảnh hưởng từ ánh sáng trong nhà và văn phòng, từ đèn xe và các bảng hiệu quảng cáo”.
“Khoảng 14% dân số thế giới gần như không phải điều tiết thị giác cho phù hợp với ban đêm. Bầu trời và môi trường nơi họ sống được chiếu sáng nhân tạo nên họ chỉ sử dụng thị giác cho ban ngày vào ban đêm” - tiến sĩ Kyba cho biết thêm.
Kết quả của nghiên cứu này cho thấy 20% dân số châu Âu và 37% người Mỹ không sử dụng thị giác ban đêm của họ. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng ánh sáng nhân tạo ảnh hưởng lớn đến các động vật sống về đêm như dơi, khỉ “ai-ai”, hải ly...
Đối với con người, việc tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm dễ dẫn đến rối loạn về giấc ngủ và gây nhiều hệ lụy sức khỏe khác.
Các nhà khoa học khuyến cáo chúng ta nên giảm cường độ hoặc tắt bớt các thiết bị chiếu sáng về đêm, nếu chúng không được sử dụng hoặc không cần thiết. Điều này góp phần tiết kiệm năng lượng đồng thời giảm thiểu tình trạng ô nhiễm ánh sáng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận