Chúng ta cùng thu gom và tái chế rác

TÂM LÊ 08/08/2024 10:01 GMT+7

TTCT - Tagom là tên của một nhóm bạn trẻ làm công việc thu gom và tái chế chất thải nguy hại ở Hà Nội. Cái tên, viết tắt của chữ tái chế và thu gom, cũng là lời mời gọi mọi người cùng thu gom và tái chế rác.

Chúng ta cùng thu gom và tái chế rác- Ảnh 1.

Trẻ em tham gia chương trình đổi rác nhận quà. Ảnh: TAGOM cung cấp

Ý tưởng thu gom rác khó xử lý của nhóm Tagom bắt đầu từ quan sát của người sáng lập nhóm: rất nhiều người yêu môi trường lúng túng khi nhà mình có mấy viên pin, mảnh sành, chai thủy tinh, bóng đèn vỡ mà không biết bỏ đi đâu. Bỏ chung với rác hằng ngày thì gây ô nhiễm môi trường và gây tai nạn cho người lấy rác, người mua ve chai không lấy…

Đổi rác nhận quà

Tháng 6-2022, nhóm Tagom ra đời với ý tưởng thu gom và xử lý các loại rác vô cơ, độc hại như bóng đèn, nhựa, xốp, nhôm, chì, mảnh sành, thủy tinh, pin, thủy ngân... Sau đó phân loại, đưa đến nơi xử lý tập trung hoặc tái chế.

Ban đầu, hoạt động của nhóm thông qua các tình nguyện viên. Người dân phân loại, làm sạch các loại rác tại nhà, các tình nguyện viên thu gom và đem đến kho ở số 59, ngõ 33 Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội). 

Để có thêm nhiều người biết đến hoạt động thu gom rác độc hại, Tagom lập fanpage để thông tin về hoạt động của nhóm đến cộng đồng, đồng thời đưa những thông tin về các rác độc hại, cách xử lý, phân loại. Nhóm còn khởi động chương trình thu rác đổi quà…

Nhờ vậy, người Hà Nội biết đến hoạt động của nhóm ngày càng nhiều, lượng rác nguy hại đưa đến kho ngày một lớn, các tình nguyện viên thay phiên nhau trực nhận rác và phân loại tại kho. Có những ngày cuối tuần phải nhờ đến 4-5 tình nguyện viên trực ở kho để hướng dẫn người đem rác đến phân loại, làm vệ sinh, nhận rác, đóng kiện…

Năm 2023, Tagom tổ chức ngày hội thu gom rác thải ở sáu siêu thị AEON tại Hà Nội TP.HCM và Bình Dương. Mỗi điểm siêu thị, Tagom hướng dẫn cách phân loại, xử lý, tổ chức đổi rác nhận quà. 

Mỗi điểm, ngày hội thu gom rác diễn ra 12 ngày đêm, thu được gần 2 tấn rác thải nguy hại. Quà đổi lại cho người dân "nộp" rác là những sản phẩm gia dụng như túi vải, bình nước, sổ tay, cây xanh, giấy vệ sinh…

Năm 2024, Tagom hướng đến các doanh nghiệp, phối hợp tổ chức ngày hội thu gom rác, mời người lao động và gia đình tham dự. Tại ngày hội, nhóm sẽ trao đổi kiến thức về tác hại, cách xử lý, thu gom, vệ sinh rác thải nguy hại và địa điểm nhận rác hằng ngày kèm theo chương trình đổi rác nhận quà.

Không chỉ là gom được nhiều rác…

Nhưng trong hành trình hơn hai năm qua của Tagom họ trải qua rất nhiều trúc trắc. Kho chứa rác là vấn đề đau đầu nhất. Kinh phí của nhóm không nhiều, thuê kho ở xa thì không tiện cho người dân đem rác đến, thuê ở nội thành thì giá cao. 

Sau nhiều ngày tìm kiếm, một người quen cho Tagom mượn nhà kho cũ rộng 100m2 trong ngõ nhỏ đường Nguyễn An Ninh. Nhưng hiện họ vẫn phải dùng xe đẩy tay đẩy từng thùng hàng ra đường Nguyễn An Ninh để chất lên xe tải chở đi xử lý, tái chế vì ngõ nhỏ, xe tải không đến được tận kho.

Họ chọn từng chủ đề thích hợp cho từng khu vực để truyền thông. Ngày hội thu gom tái chế ở công ty sản xuất bao bì cho các sản phẩm sữa, Tagom thông tin về hành trình hộp sữa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng và vòng tái chế. Ở một sự kiện diễn ra vào mùa mưa, nhóm hướng dẫn kinh nghiệm ngăn rác trôi nổi theo dòng nước làm tắc nghẽn cống, như cách người Nhật Bản dùng lưới bao các túi rác rồi neo ở một nơi cố định, người Hà Lan treo túi rác lên các trụ có gắn sẵn móc chắc chắn, người Brazil treo rác lên các cột cao bằng sắt mỗi góc phố.

Từ vài thành viên sáng lập ban đầu, đến nay Tagom có chín thành viên thường trực và đội ngũ đông đảo tình nguyện viên là sinh viên ở các trường đại học, bạn trẻ ở các câu lạc bộ môi trường… 

Các thành viên thường trực chia thành ba ban: ban đối ngoại có nhiệm vụ kết nối với mở rộng điểm thu gom, ban chuyên môn vận hành kho, quản lý đầu ra, đầu vào của rác tái chế và ban truyền thông xây dựng hình ảnh cho dự án.

Tagom hiện có 10 khách hàng là doanh nghiệp, khoảng 1.000 tình nguyện viên, gia đình thường xuyên mang rác tới kho. Trung bình mỗi tháng nhóm xử lý hơn 1 tấn rác thải nguy hại.

Với Tagom, mục tiêu lớn hơn của họ là để tất cả mọi người đều hiểu biết và tham gia thu gom, xử lý rác thải nguy hại. "Phải là cả xã hội tái chế - thu gom chứ không chỉ có một nhóm người, một vài người làm", Thùy Linh nói.

Thảo Yến, một thành viên của Tagom, kể lúc tổ chức sự kiện ở AEON Bình Dương, có hai học sinh nhỏ mang rác đến đổi quà lúc trời đang mưa vì sợ chờ mưa tạnh thì các anh chị đi mất. Túi pin cũ hai em nhỏ đã lượm và tích lũy trong một thời gian dài nhưng không biết phải đi nộp ở đâu để được tái chế đúng quy định, không gây ô nhiễm môi trường. 

Một người phụ nữ ở Bình Dương thu gom khoảng 5.000 vỏ hộp sữa, rửa sạch, phơi khô đem đến giao cho nhóm. Chị chia sẻ rằng mình biết vỏ hộp sữa có thể tái chế nhưng các vựa ve chai không mua, không lấy. Chị đã thu gom và tích lũy trong vòng sáu tháng mới gặp được nhóm Tagom đưa đi xử lý. 

Trang fanpage chính của Tagom cùng tên với tên nhóm là Tagom. Tagom thu nhận trực tiếp các loại rác thải nguy hại tại kho số 59, ngõ 33 Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội vào các buổi chiều trong tuần, từ 14h đến 20h, thứ bảy, chủ nhật nhận từ 9h đến 20h.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận