09/11/2019 09:39 GMT+7

Chúng ta có thể tự làm cho tương lai mình tươi sáng hơn

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Cuộc sống mỗi chúng ta là một câu chuyện dài giống như những bản nhạc lúc thăng lúc trầm, lúc vui lúc buồn. Tôi luôn nghĩ trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả.

Chúng ta có thể tự làm cho tương lai mình tươi sáng hơn - Ảnh 1.

Tôi phải tự lo cho bản thân mình, không để mọi người lo lắng thì mới có thể lo cho mọi người xung quanh.

NGỌC HÀ

Vì vậy, thay vì chìm đắm trong u buồn hay ân hận, nuối tiếc, ta phải mạnh mẽ phấn đấu thay đổi để thành công.

1. Tôi sinh ra và lớn lên đã gắn bó với cánh đồng thẳng cánh cò bay ở huyện Hải Hậu, Nam Định. Những năm tháng học sinh của tôi rất vui vẻ, chứa đầy ký ức tuổi thơ nơi thôn quê. Ba chữ "học đại học" ở quê tôi hồi đó cũng chưa phổ biến. Các anh chị hàng xóm xung quanh nhà tôi đa số học hết cấp 2 hoặc cấp 3 là đi làm.

Gia đình tôi lúc đó thuộc hộ nghèo. Bố mẹ dù rất thương tôi nhưng khuyên tôi học đại học xa gia đình rất tốn tiền (tiền học, tiền ăn ở, đi lại) và quá khó khăn để lo cho tôi. Tôi rất buồn, nhưng vẫn nói: "Con có thể đi làm thêm để đỡ đần gánh nặng cho gia đình. Con muốn vô Sài Gòn học, nghe nói ở đó dễ xin việc hơn, cuộc sống cũng tốt hơn".

Cả nhà phản đối, con gái một mình từ Bắc vô Nam học không gia đình, không người thân lỡ xảy ra chuyện gì thì ai lo. Nhưng tôi vẫn quyết tâm làm hồ sơ thi 2 trường đại học ở Hà Nội và Sài Gòn. Và tôi tin rằng sẽ thuyết phục được gia đình.

Thời gian thi đại học đã đến gần, tôi nhận được 2 giấy báo dự thi, nhưng gia đình vẫn rất lo cho tôi nên khuyên tôi học ngoài Bắc cho gần. 

Có lẽ một sự may mắn lớn đến với tôi, khi chỉ còn 10 ngày nữa đến ngày thi thì mẹ hỏi tôi có muốn vô Sài Gòn học nữa không. Bà Vui (hàng xóm) 2 ngày nữa vô Sài Gòn ở nhà con trai chơi, tôi có thể đi cùng với bà, rồi nhờ con trai bà dẫn đi thi.

Tôi vui mừng thu xếp sách vở mang đi ôn trước ngày thi. Ngày lên xe rất nhiều cảm xúc, tôi quyết tâm cố gắng thi thật tốt để không phụ lòng gia đình. Đây là lần thứ 3 tôi đi ôtô, tôi bị say xe, cảm giác mọi thứ quay cuồng. Tôi lúc nóng lúc lạnh, đã thế do tôi đi bất ngờ nên xe hết ghế, để tôi phải nằm ở dọc lối đi lại trên xe.

Tôi tưởng không thể chịu đựng được, muốn bỏ cuộc, xuống xe về nhà. Nhưng bà hàng xóm nói xe đi xa rồi, giờ xuống sao bố mẹ đón được. Cố lên, không sao, nằm một lúc sẽ quen. Nghĩ đến tương lai và hi vọng của mọi người dành cho, tôi không thể bỏ cuộc.

Sau 38 tiếng đồng hồ vật vã, rồi tôi cũng vô đến Sài Gòn. Nhờ sự giúp đỡ, động viên của mọi người nơi đất khách, tôi đã thi đậu vào trường đại học mà tôi mơ ước. Tôi cùng gia đình vui mừng và hạnh phúc biết bao.

Bước vào thành phố mới, cuộc sống cũng khác rất nhiều so với ở quê, nhưng tôi là một người mạnh mẽ, vui vẻ, dễ thích nghi nên đã vượt qua. Tôi ở trọ với một người bạn chung trường. Bạn ấy là dân miền Nam, đã giúp tôi rất nhiều. Bạn giúp tôi tìm việc làm thêm.

Ngay năm 1, năm 2 đại học, tôi không biết thứ bảy, chủ nhật là gì. Ngoài thời gian đi học và tham gia hoạt động trên trường, tôi dành cả hai ngày cuối tuần đi làm thêm. Công việc không vất vả, nhưng phải làm từ 9 giờ sáng tới 9-10 giờ tối. Tôi muốn bản thân giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ vì nhà làm nông rất vất vả, còn phải nuôi hai đứa em tôi.

2. Đi làm thêm, tôi học được rất nhiều kinh nghiệm sống, quen được nhiều anh chị, được mọi người yêu thương giúp đỡ... Tuy nhiên, cuộc sống không bình lặng, tôi cũng biết sức khỏe bản thân không được tốt, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có một ngày như vậy.

Tôi sững sờ, vô vọng trước một tờ giấy nhập viện và câu nói của bác sĩ: "Em đóng tạm ứng 30 triệu đồng, rồi thu xếp nhập viện mổ". Tôi nghẹn ngào: "Em có thể mua thuốc uống đỡ được không?". "Được, nhưng mổ sớm vẫn tốt hơn cho sau này".

Tôi kìm nén không khóc, nhưng nước mắt cứ rơi. Tự dưng tôi thấy mình bơ vơ và lạc lõng biết bao nhiêu. Trời đổ mưa, tôi ngồi một góc khóc. Tôi sợ và rất sợ. Tôi gọi cho mẹ, nhưng không dám khóc, cũng không dám nói thật.

Nghe giọng tôi khang khác, mẹ gặng hỏi. Tôi òa khóc. Mẹ nói: "Không sao, mẹ sẽ vào, có bệnh thì phải chữa, tiền có thể vay mượn, đừng khóc". Nhưng bình tâm lại, tôi không muốn mọi người lo lắng cho mình. Tôi đáp lời mẹ: "Con sẽ uống thuốc, rồi tái khám, mẹ đừng lo".

Trong lòng tôi đau đớn, lo lắng biết bao nhiêu, nhưng tôi không được gục ngã. Tôi đã đi mua thuốc uống, rồi uống cả thuốc bắc. 

Tôi cảm thấy bệnh đỡ hơn, không còn những dấu hiệu bất thường như trước, cũng không cảm thấy đau như trước. Dù bệnh chưa thể khỏi ngay, nhưng thay vì đau buồn không dám đối mặt hay bi lụy khiến gia đình lo lắng, tôi đã chọn cách vui vẻ, cố gắng vượt qua tất cả.

3. Hiện tại tôi đã ra trường, tìm được việc phù hợp với những gì tôi học, và điều quan trọng tôi đã không làm gia đình thất vọng hay lo lắng. Mỗi hoàn cảnh đều cho tôi một kinh nghiệm, một bài học. Tôi cũng từng tuyệt vọng về cuộc sống xung quanh đầy bất công, nhưng khi nhìn lại tôi lại thấy còn rất nhiều người khổ hơn mình mà họ vẫn lạc quan, nên tôi tự thấy bản thân còn may mắn hơn rất nhiều.

Khi bản thân chưa cố gắng thì đừng nên so sánh bản thân mình với ai đó. Hãy mạnh mẽ, tự tin và cố gắng làm điều mình thích và có ích, giống như những bông hoa hướng dương luôn vươn mình hướng về phía mặt trời.

Chúng ta hãy tự làm cho tương lai mình tươi sáng hơn...

Chúng ta có thể tự làm cho tương lai mình tươi sáng hơn - Ảnh 3.

Đồng hành cùng cuộc thi này

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Cảm ơn bố mẹ đã buông tay con! Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Cảm ơn bố mẹ đã buông tay con!

TTO - Một chuyện đời nhẹ nhàng mà đi vào lòng người, gợi lên bao điều phải suy nghĩ. Tác giả bài viết bị bệnh mắt bẩm sinh, rồi mù hoàn toàn từ khi vào học lớp 8. Cuộc sống của cậu được sự bảo bọc của cha mẹ, nhưng rồi một ngày...

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên