Phóng to |
NSƯT Tạ Minh Tâm (phải), dẫn chương trình Chung sức, kể: "Ngay từ buổi ban đầu khi lên đài để thử vào vai trò người dẫn chương trình, tôi cảm thấy rất khó. Ở một số trò chơi khác người dẫn chỉ phải đứng một chỗ, còn ở Chung sức thì không được. Phương châm của trò chơi được nêu ra trong chương trình gốc là "run and talk", phải luôn luôn di chuyển để trò chuyện, tạo ra một sân khấu động" - Ảnh: N.C. |
Chương trình gốc của Chung sức là trò chơi mang tên “Family Feud” thuộc bản quyền của Công ty sản xuất chương trình truyền hình Fremantle Media (Anh). Ở Mỹ chương trình này đã tổ chức được 25 năm và hiện nay vẫn lôi cuốn. Ở Thái Lan là ba năm.
Tính chung trên toàn cầu có khoảng 40 nước phát sóng chương trình Family Feud với nhiều phiên bản. Ở VN, Công ty quảng cáo Đông Tây là đơn vị giới thiệu và cùng với HTV phối hợp thực hiện một phiên bản mang tên Chung sức, phát sóng vào 20g thứ ba hằng tuần trên HTV7.
Qui trình thực hiện ra sao?
Ông Phạm Lê Hiếu, giám đốc Công ty Đông Tây, cho biết: "Trước tiên chúng tôi thành lập ngân hàng câu hỏi từ nguồn của chương trình gốc kết hợp với bộ câu hỏi do người trong nước soạn thảo, tổng cộng 700 câu cho năm 2004. Sau đó hợp đồng với Công ty Trương Đoàn thực hiện bảy đợt khảo sát, mỗi đợt đưa ra 100 câu hỏi cho mẫu nghiên cứu gồm 120 người để lấy hàng loạt câu trả lời. Trước sau có tổng cộng 840 người được lấy ý kiến, gồm giới sinh viên, nhân viên văn phòng, buôn bán, chủ sản xuất kinh doanh, nội trợ. Từ đấy thống kê những câu trả lời được nhiều người chọn nhất cho mỗi tình huống (mỗi câu hỏi). Như vậy các đáp án trong chương trình, chúng tôi muốn nhấn mạnh, là hoàn toàn VN".
Một bạn đọc (Hạ Quyên, Q.Gò Vấp) thắc mắc là có đến đài truyền hình để hỏi thể lệ dự thi Chung sức nhưng không nhận được câu trả lời cụ thể, ông Xuân Quang (trưởng tiểu ban trò chơi truyền hình HTV) trả lời: - Đây là cuộc chơi dành cho độ tuổi từ 18 - 40. Chương trình thu hút đến mức lượng thí sinh đăng ký và được chọn tham dự đã kín hết năm 2004. Với 52 kỳ trong năm, mỗi kỳ hai đội, mỗi đội bốn người, tổng cộng 416 thí sinh. Khoảng quí 4-2004 chúng tôi sẽ thông báo nhận tiếp thí sinh đăng ký cho năm tới. |
Chung sức hiện nay là trò chơi duy nhất tại VN không thuộc loại thi đố kiến thức, mà thuộc về ứng xử tình huống, trắc nghiệm tình huống, nhấn mạnh đến sự quan sát cuộc sống hằng ngày. Có không ít thí sinh đưa ra câu trả lời rất hay nhưng lại... nhận điểm thấp chỉ vì sự chọn lựa cá nhân ấy không trùng với đáp án được số đông đồng tình. Rất vui.
Nhiều thí sinh không được điểm mà vẫn hào hứng! Bởi đây là trò chơi mà thí sinh... không bị mất mặt, không bị “quê” nếu trả lời ra ngoài đáp án. Từ một số đáp án (không phải tất cả), trò chơi thú vị này đem lại sự điều chỉnh - một cách vô thức - thái độ, hành vi ứng xử cá nhân cho phù hợp cộng đồng.
Khán giả vẫn tiếp tục đòi hỏi
Bạn Trương Văn Thanh (P.1, TP Vũng Tàu) nói: “Phải công nhận về mặt hình thức trò chơi thật thú vị và hấp dẫn đối với người tham gia và khán giả. Tiếc rằng có vài kỳ phát sóng lại có đôi điều chưa hay làm tôi và gia đình phải khó chịu và bức xúc”. Anh Thanh dẫn chứng: “Ví dụ, trước câu hỏi: “Bị quấy rầy liên tục bằng điện thoại, anh chị xử lý như thế nào?”, thì câu trả lời là: “Em quăng cái điện thoại”(!?). Mong đài cẩn trọng và chắt lọc người tham gia hơn”.
Riêng với chương trình phát ngày 17-2 thì Chung sức đã làm nhiều bạn xem đài thất vọng. Như một trong những bức thư mà bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ đã viết: “Xem chương trình Chung sức tối 17-2, tôi cảm thấy sốc trước phong cách của hai đội dự thi 93A và Phấn Vàng (đều là nhà giáo).
Trước hết là màn tự giới thiệu “cực kỳ ấn tượng” của vị đội trưởng đội Phấn Vàng: “Có hai con nhưng không có chồng” (?!). Rồi kiểu “ăn mừng chiến thắng” thái quá của hai đội: vỗ bàn ầm ầm khi người dẫn chương trình chưa dứt lời, nhảy la toáng mỗi khi trả lời đúng một câu hỏi nào đấy” (Cao Như, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Về lời than phiền trước các “sự cố” trên, ông Xuân Quang - trưởng tiểu ban trò chơi truyền hình HTV - nói: “Chúng tôi không nhìn vấn đề quá nặng nề nhưng đúng là sẽ cần rút kinh nghiệm để kỹ lưỡng hơn. Chung sức ngoài những đề tài về cuộc sống, sắp tới sẽ còn tổ chức trò chơi gắn với chủ đề, như kỷ niệm Điện Biên chẳng hạn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận