19/10/2018 16:16 GMT+7

Chung sống, sinh con mà không cần hôn thú đã trở thành xu hướng

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Chung sống, sinh con mà không kết hôn, chuyện không phổ biến và bị kỳ thị ở nhiều thập kỷ trước, giờ đang trở thành “điều bình thường mới” tại nhiều quốc gia Âu Mỹ.

Chung sống, sinh con mà không cần hôn thú đã trở thành xu hướng - Ảnh 1.

Nhiều cặp vợ chồng chung sống và có con cái mà không cần giấy kết hôn - Ảnh: AFP

Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) vừa công bố báo cáo về xu hướng sinh con tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Theo đó, điểm nổi bật nhất rút ra từ đây là số trẻ sinh ngoài giá thú tiếp tục tăng đều và ổn định. Báo cáo chỉ ra 40% trẻ sinh tại Mỹ là con của những cặp đôi chưa kết hôn, tỉ lệ này thậm chí còn cao hơn tại Liên minh châu Âu (EU), nơi mà tỉ lệ này thậm chí đã tăng lên 60% ở một số quốc gia thành viên.

Thay đổi về văn hóa, kinh tế

Báo cáo của UNFPA cho thấy tỉ lệ trẻ sinh ngoài giá thú tăng vọt tại các nước phát triển, phản ánh thực tế của xã hội đương đại với những biến chuyển rõ rệt về văn hóa và kinh tế. Theo ông Michael Hermann - cố vấn cấp cao về kinh tế học và nhân khẩu của UNFPA: tại EU, số trẻ sinh ngoài giá thú có xu hướng tăng cao hơn vì hệ thống phúc lợi xã hội tại đây hỗ trợ việc chăm sóc trẻ trên cơ sở bình đẳng giới. 

Vì thế, hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chế độ trong thời gian nghỉ nuôi con, các chương trình giáo dục đầu đời và các ưu đãi về thuế tại khu vực này đều giúp các cặp đôi chưa kết hôn nếu có con sẽ được hỗ trợ nhiều hơn so với mức hỗ trợ dành cho người đơn thân nuôi con.

Dữ liệu của UNFPA cũng cho thấy số trẻ sinh ngoài giá thú ở Mỹ và EU tăng chủ yếu ở các trường hợp cặp đôi sống chung chưa kết hôn, chứ không phải những bà mẹ đơn thân.

Ngoài ra, theo bà Kelly Jones - giám đốc Trung tâm kinh tế học sức khỏe sinh sản tại Viện Nghiên cứu chính sách phụ nữ, các dữ liệu nghiên cứu cũng cho thấy các định kiến về xã hội hay tôn giáo đối với vấn đề hôn nhân, sinh con và phụ nữ đi làm cũng đã thay đổi.

Khi việc sinh con ngoài giá thú trở thành bình thường, nó sẽ giúp ổn định tỉ lệ sinh con đang có xu hướng giảm dần và tránh được tình trạng dân số già tại nhiều quốc gia phát triển. 

Tuy nhiên, theo ông Michael Hermann, xu thế mới này cũng sẽ dẫn tới tình trạng xung đột văn hóa vì vẫn luôn có những người theo quan điểm bảo thủ, không muốn việc sinh con ngoài giá thú trở thành một thông lệ của xã hội.

Mỹ: gần 40% trẻ sinh ngoài giá thú

Độ tuổi trung bình của một phụ nữ Mỹ khi sinh đứa con đầu hiện nay là 27 tuổi, cao hơn so với 22 tuổi vào năm 1970. 

Cùng với tỉ lệ kết hôn giảm dần ở Mỹ, số người chọn giải pháp "góp gạo thổi cơm chung" nhưng không đăng ký kết hôn cũng tăng ổn định. 

Xu thế này thay đổi đặc biệt rõ ở nhóm dưới 35 tuổi, họ chiếm tới một nửa trong số các cặp đôi chọn sống chung không kết hôn. 

Dù vậy, tỉ lệ sống chung gia tăng là hiện tượng ghi nhận ở mọi độ tuổi tại Mỹ theo nhân khẩu học.

Ông John Santelli - giáo sư về dân số, sức khỏe gia đình và nhi khoa tại Trường Y tế cộng đồng Mailman thuộc Đại học Columbia - cho rằng tiến trình chuyển giao các giai đoạn trong đời sống của người phương Tây "đã và đang đảo ngược". 

"Các cặp đôi sống chung sẽ có con trước khi kết hôn. Và đó sẽ là xu hướng về lâu dài tại nhiều quốc gia đang phát triển" - ông Santelli nhận định.

Bất kể tình trạng hôn nhân, ngày càng nhiều cặp đôi chọn không có con. Tỉ lệ sinh con ở Mỹ trong năm 2017 đã rơi xuống mức thấp kỷ lục trong 30 năm, theo Trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh dịch. 

Theo ông Hermann, việc tăng số trẻ sinh ngoài giá thú thực sự góp phần giảm bớt tỉ lệ giảm sinh, một tỉ lệ mà theo ông sẽ còn lao dốc nhanh hơn nữa nếu nhiều phụ nữ không sinh con ngoài giá thú. 

"Xu hướng này (sinh con ngoài giá thú) sẽ tiếp tục, điều đó là chắc chắn... Chúng ta không thể quay về thời của những năm 1950" - ông nói.

Tuy nhiên, cũng ở Mỹ có một xu hướng khác bảo vệ quan điểm cho rằng những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ có đăng ký kết hôn "nghiêm chỉnh" sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn. 

Ông Peter Sprigg, chuyên viên nghiên cứu cao cấp về chính sách tại Hội đồng nghiên cứu gia đình, là một trong những người theo quan điểm này. Ông cho rằng việc tăng số trẻ sinh ngoài giá thú "là điềm báo trước về tình trạng kém ổn định hơn với trẻ em".

Nga: một ngoại lệ đáng chú ý

Tại Nga, theo trang Axios, tỉ lệ sinh con ngoài giá thú gia tăng những năm 1980 và 1990. Tuy nhiên, kể từ đầu những năm 2000, khi ông Vladimir Putin lên nắm quyền, tỉ lệ này bắt đầu giảm. Các chuyên gia nhân khẩu học cho rằng một phần lý do của điều này là vì Tổng thống Putin đặc biệt nhấn mạnh tới các giá trị truyền thống của gia đình, chính phủ của ông cũng chủ trương thực thi những chính sách mới khuyến khích các cặp vợ chồng đã kết hôn có thêm con.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên