
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng mạnh với thanh khoản lớn
Chứng khoán châu Á giảm điểm, VN-Index tiếp tục tỏa sáng
Khép phiên, VN30 tăng mạnh hơn VN-Index với 60 điểm, ở vùng 1.309. Trong khi chỉ số đại diện sàn HoSE tăng 54 điểm, lên vùng 1.222 điểm. Mức tăng này tương đương hơn 4,6%, cao nhất trong khu vực châu Á.
Thị trường chứng khoán phiên sáng nay vẫn giữ được đà tăng (26 điểm) nhưng không còn hiện tượng la liệt cổ phiếu kịch trần như hôm qua. Đã có sự phân hóa rõ rệt giữa các ngành, nhóm cổ phiếu.
Sau giờ nghỉ trưa, độ rộng toàn thị trường khá cân bằng khi so sánh các mã tăng - giảm. Tuy nhiên nhờ sự bứt lên mạnh mẽ của một số cổ phiếu vốn hóa lớn, VN-Index nhanh chóng vượt mốc 1.200 điểm.
Đa số thị trường trong khu vực đều giảm điểm. Ngoại trừ Shanghai (Trung Quốc) tăng 0,45%, TWSE (+2,78%), NIFTY 50 (+2,04%), còn Nikkei của Nhật Bản giảm gần 3%, Kospi (Hàn Quốc) cũng mất 0,5%. Tương tự chỉ số chính của Malaysia cũng giảm 0,39%...
Nhà đầu tư không còn tâm lý giữ "khư khư" cổ phiếu, thanh khoản nhờ vậy trở nên sôi nổi hơn rất nhiều. Tổng giá trị giao dịch cả ba sàn đạt hơn 41.700 tỉ đồng. Trong đó riêng sàn HoSE hơn 38.000 tỉ đồng.
Đà tăng cùng thanh khoản phiên này có "công" lớn từ nhóm cổ phiếu trụ. Trong nhóm VN30, nhiều mã tiếp tục tăng hết biên độ như VIC của Vingroup, HPG của Hòa Phát, STB của Sacombank, MWG của Thế Giới Di Động, GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam. Chưa kể một loạt cổ phiếu tăng sát trần.
Trong bối cảnh "tưng bừng" của thị trường chứng khoán trong nước, vẫn có một số nhóm ngành chịu áp lực bán lớn nên quay lại đà giảm mạnh.
Đặc điểm chung của nhóm này đều có ảnh hưởng trực tiếp nếu thuế quan của Mỹ được áp dụng, như bất động sản khu công nghiệp, cao su, kho bãi - vận tải, dệt may, gỗ, thủy sản…
Giới phân tích lưu ý rằng, chúng ta vẫn còn 90 ngày để thương lượng. Tức là mức thuế đối với từng ngành xuất khẩu cụ thể là như thế nào thì chúng ta chưa rõ - chứ không phải không áp thuế. Với nhiều ngành xuất khẩu triển vọng được quyết định bởi kết quả đàm phán sắp tới.
Tuy nhiên vẫn nhiều nhà đầu tư nhìn thấy "trong nguy có cơ", dòng tiền "bắt đáy" tốt hơn vào phiên chiều. Nhiều mã thoát khỏi tình trạng "nằm sàn".
Thay vì bị "bán sàn", BCM của Becamex mất 1,7% thị giá, SZC của Sonadezi Châu Đức (-1,8%), SIP (-5,07%)… Riêng GVR của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam còn đảo chiều từ giảm hết biên độ sang tăng 1,56%.
Khối ngoại mua ròng trở lại
Cũng trong phiên này, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng gần 670 tỉ đồng, sau khi bán ròng rất quyết liệt phiên hôm qua.
Cổ phiếu được nhà đầu tư "gom" mạnh nhất là HPG (416 tỉ đồng), MBB (246 tỉ đồng), ACB (151 tỉ đồng), VIC (159 tỉ đồng), FPT (120 tỉ đồng), MWG (112 tỉ đồng)…
Ngược lại, SSI (-127 tỉ đồng), IDC (-120 tỉ đồng), KBC (-94 tỉ đồng), SIP (-76 tỉ đồng), GMD (-70 tỉ đồng)… nằm top những cổ phiếu bị khối ngoại "xả" mạnh nhất hôm nay.
Dù khối ngoại đã mua ròng trở lại nhưng theo đánh giá của chuyên gia VNDirect, áp lực rút vốn trong ngắn hạn vẫn còn. Từ đầu năm đến nay khối ngoại đã bán ròng 1,3 tỉ USD.
"Chênh lệch lãi suất lớn, áp lực tỉ giá tăng, rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ sẽ là những yếu tố khiến dòng tiền ngoại trong ngắn hạn chưa thể quay về Việt Nam", bà Cao Thị Ngọc Quỳnh - giám đốc khối khách hàng tổ chức Chứng khoán VNDirect nhìn nhận.
Dù vậy về dài hạn, bà Quỳnh cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng so với các nước trong khu vực, thanh khoản duy trì ở mức tốt, định giá ở mức thấp…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận