Trong một phiên giao dịch chứng khoán tại TP.HCM - Ảnh: BÔNG MAI
Lúc 10h57 hôm qua 25-11, chỉ số VN-Index bứt phá vượt mốc 1.000 điểm. Tuy nhiên áp lực chốt lời tăng mạnh, đóng cửa ở 999,94 điểm. Với cột mốc này, VN-Index không chỉ lấy lại những gì đã mất kể từ đầu năm mà còn đạt mốc điểm cao nhất trong vòng 1 năm nay.
Xét cho cùng, nền tảng cơ bản sẽ vẫn luôn là nhân tố quyết định đến xu hướng. Tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp về dài hạn sẽ luôn phải đi cùng tăng trưởng kinh tế và giá của cổ phiếu sẽ phụ thuộc chủ yếu vào lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh
Sinh viên cũng kiếm lời rủng rỉnh
Còn hơn nửa năm nữa mới tốt nghiệp nhưng Bùi Ngọc Trung (sinh viên Trường ĐH Tài chính - marketing) đã có được khoản lời đáng kể từ chứng khoán. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Trung dành toàn bộ số tiền 50 triệu đồng tích góp nhiều năm từ công việc gia sư, tư vấn bán hàng online để đổ vào giao dịch và kiếm được một khoản lợi nhuận.
Khi cả nước kết thúc đợt giãn cách thứ hai, thị trường chứng khoán (TTCK) bắt đầu hồi phục, Trung nắm bắt cơ hội, nâng vốn đầu tư lên 100 triệu đồng.
"Trong 5 tháng gần đây, mỗi tháng tôi có tỉ suất lợi nhuận trung bình 10-15%", Trung rạng rỡ khoe và cho biết ở trường có Câu lạc bộ Nhà đầu tư với 60 sinh viên, trong đó có khoảng 20% tham gia chứng khoán, đợt này nhiều bạn có lời.
Huỳnh Thị Mai Thy (sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM) chỉ mới chính thức đầu tư chứng khoán từ tháng 6-2020. Ban đầu Thy dành 10 triệu đồng tiền tiết kiệm nhờ đi làm thêm để bỏ vào tài khoản chứng khoán, sau nâng dần vốn lên 30 triệu, có lúc trong 2 tuần cô gái này kiếm lời 4 triệu đồng.
Theo tìm hiểu từ nhiều người môi giới chứng khoán, F0 (người không có kinh nghiệm tham gia lần đầu - PV) nhảy vào thị trường với vốn vài chục triệu đến vài trăm triệu, nhưng phổ biến nhất là 100 triệu đồng. Ngoài sinh viên còn có nhân viên văn phòng, thợ chụp ảnh...
"Đợt này F0 lời nhiều hơn Fn (nhà đầu tư lâu năm). Ví dụ khi lên tới vùng kháng cự thì Fn sẽ bán, nhưng F0 không biết kháng cự, không biết sợ là gì. Tôi chứng kiến nhiều F0 lời gấp đôi, gấp ba lần Fn" - ông Huỳnh Minh Tuấn, giám đốc môi giới hội sở, Công ty chứng khoán Mirae Asset, chia sẻ. Ông Tuấn cũng cho biết gần đây rất nhiều người chuyên kinh doanh bất động sản cũng đầu tư thêm vào chứng khoán. "Họ thường có vốn 30-40 tỉ đồng hoặc cả trăm tỉ đồng nên cần chúng tôi tư vấn chuyên nghiệp" - ông Tuấn thông tin.
Thanh khoản chứng khoán tháng 10 đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay, theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Doanh nghiệp, ngân hàng cũng kiếm bộn tiền
Dù trải qua dịch COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiệp đang niêm yết vẫn có kết quả kinh doanh khả quan, trong đó Tập đoàn Hòa Phát, CTCP Vinhomes, Tập đoàn Novaland, Vinamilk... có mức lãi từ vài ngàn đến hàng chục ngàn tỉ đồng lũy kế 3 quý đầu năm.
Với các đơn vị khác, điển hình như CTCP Vĩnh Hoàn, do xuất khẩu cá tra bị giảm mạnh nên lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ thời gian qua liên tục suy giảm.
Tuy nhiên, nhờ dành gần 200 tỉ đồng mua - bán chứng khoán kinh doanh từ hồi quý 2 nên sang quý 3 công ty lãi được 36,6 tỉ đồng, rút ngắn mức sụt giảm lãi thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý từ 38% xuống 27%, tương đương 208 tỉ đồng.
CTCP Sách giáo dục tại Hà Nội cũng mạnh tay chi 17,8 tỉ đồng, tức gần 11% tổng tài sản, để mua cổ phiếu trong quý 2. Đến quý 3, trong khi doanh thu thuần từ mảng chính là bán sách, văn phòng phẩm... giảm tới 51%, lợi nhuận gộp giảm 82,5% so với cùng kỳ năm trước thì công ty sách này vẫn lãi 528 triệu đồng từ cổ tức, cao gấp 2,1 lần so với lãi tiền gửi, tiền cho vay.
Sở hữu dòng tiền lớn, nhiều ngân hàng cũng "chơi" lớn với chứng khoán và thu lãi đậm. Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) ghi nhận lũy kế 3 quý đầu năm lãi 72,6 tỉ từ chứng khoán đầu tư, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ 2019. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có thu nhập từ lãi tiền gửi giảm hơn 53% thì lãi từ chứng khoán tăng gấp 191 lần so với cùng kỳ 2019, lên 699,7 tỉ đồng.
Nổi bật hơn, tính đến cuối quý 3, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) dành hẳn gần 40.455 tỉ đồng cho chứng khoán đầu tư và kinh doanh. Đến cuối quý 3, riêng vốn chứng khoán đầu tư của OCB tăng 1,6 lần so với hồi đầu năm, cao gấp 23 lần tiền ngân hàng này gửi tại Ngân hàng Nhà nước, gấp 60 lần khoản tiền mặt, vàng bạc, đá quý nắm giữ và lãi 874,6 tỉ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư, tăng 17% so với cùng kỳ 2019, cao hơn cả lãi từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối. Ngoài ra, đơn vị còn lãi thêm 53,4 tỉ đồng từ chứng khoán kinh doanh.
Nguồn: Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam - Đồ họa: TUẤN ANH
Cần thêm vốn ngoại
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, sức hút chứng khoán thời gian gần đây đến từ việc các kênh đầu tư khác không mấy hấp dẫn. Trong đó lãi tiền tiết kiệm ngân hàng liên tục giảm, kênh đầu tư vàng đang biến động theo chiều đi xuống.
Bất động sản tăng liên tục trong 5 năm qua, đến năm 2020 cùng với COVID-19 đã bước vào chu kỳ điều chỉnh, nhiều người chờ giảm giá, tạo tâm lý đóng băng. "Chứng khoán đang là kênh kiếm lời nhanh, đáp ứng nhu cầu "lướt sóng". Chứng khoán thường luôn đi trước, cho thấy nhà đầu tư lạc quan với nền kinh tế Việt Nam năm 2021", ông Hiển nhận định.
Cũng theo ông Hiển, chính sự tăng trưởng giá trong giai đoạn này không chỉ giúp nhà đầu tư kiếm lời mà còn tạo động lực, thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để huy động vốn trong thời gian tới. Tuy nhiên, chứng khoán VN chưa ở vị thế bền vững vì nền kinh tế vẫn còn phải vượt qua COVID-19, sức đỡ tương đối, không bảo đảm cho chứng khoán tăng mạnh.
Theo ông Hiển, nếu như 5 năm trước khối ngoại luôn dẫn dắt thị trường, nhà đầu tư cá nhân chỉ theo sau thì hiện nay nhiều phiên nhà đầu tư cá nhân đối đầu khối ngoại, nâng đỡ thị trường khá tốt. Nhưng rõ ràng về trung, dài hạn, nguồn tiền ngoại vẫn là nền tảng quan trọng để thị trường tăng bền vững. Tuy nhiên, rào cản hiện nay là sàn chứng khoán ít hàng hóa chất lượng, quanh đi quẩn lại chỉ vài gương mặt cũ. Do đó, nhanh chóng cổ phần hóa là bước đi thiết yếu để hút vốn ngoại.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khối khách hàng cá nhân Công ty CP chứng khoán SSI, cho rằng sự tham gia của nhóm F0 phần nhiều vì cơ hội mua chứng khoán giá rẻ. Đến khi các chỉ số chứng khoán tăng liên tục sau đó thì vai trò của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong nước mới rõ ràng hơn. Cũng theo ông Linh, phải thừa nhận rằng trong một vài tháng qua, TTCK đã gần như đứt mạch với nền tảng vĩ mô ở Việt Nam cũng như nhiều TTCK khác. Tâm lý đám đông sẽ luôn tạo ra những thời điểm bi quan quá hoặc hưng phấn quá.
Dòng tiền đổ vào chứng khoán tăng kỷ lục
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết thanh khoản chứng khoán tháng 10 đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay với hơn 8.230 tỉ đồng/phiên, cao hơn 49% so với giá trị giao dịch bình quân 10 tháng đầu năm và gấp 2,1 lần so với thanh khoản tháng 1. Bước vào tháng 11, sàn HOSE liên tục chứng kiến nhiều phiên có trên 10.000 tỉ đồng "sang tay", gấp 3 lần thanh khoản bình quân của nhiều tháng hồi năm ngoái.
Tính đến cuối tháng 10, tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết trên HOSE đạt hơn 91,78 tỉ cổ phiếu, giá trị vốn hóa niêm yết gần 3,28 triệu tỉ đồng, tăng 2,33% so với tháng trước và đạt khoảng 46% GDP năm 2019.
Dòng tiền ào ạt đổ vào chứng khoán phiên 25-11. Trong ảnh: giao dịch tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chứng khoán khởi sắc vì sao?
Nguyên nhân trực tiếp là mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh trong khi các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, trái phiếu chưa thật sự hấp dẫn ở thời điểm này.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng chứng khoán Việt phục hồi mạnh mẽ còn bởi những kỳ vọng.
Tiền "chảy" vào chứng khoán vì lãi suất huy động giảm
Cụ thể, theo ThS Trần Kim Long - Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, tính đến đầu tháng 11 nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng về mức 6-7%/năm và lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng về mức dưới 4%/năm.
Trong khi đó giá vàng trong nước duy trì mức chênh trên dưới 4 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới và nhà đầu tư khó có cơ hội "lướt sóng" kiếm lời lúc này. Đối với kênh bất động sản, thanh khoản tiếp tục suy yếu do dịch COVID-19, lượng giao dịch thành công giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019.
Với kênh trái phiếu doanh nghiệp, nghị định 81 được ban hành có hiệu lực từ 1-9-2020 đã siết chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, khiến các doanh nghiệp không còn phát hành trái phiếu dễ dàng như trước.
"Đây là nguyên nhân chính giúp dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán dồi dào và việc này thể hiện qua gia tăng thanh khoản và số lượng tài khoản được mở mới thời gian vừa qua", ông Long phân tích.
Tăng nhờ sớm khôi phục kinh tế
Ông Andy Ho - giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận đầu tư Tập đoàn VinaCapital - cho rằng thị trường chứng khoán VN không nằm ngoài xu hướng chung của các thị trường chứng khoán thế giới, đã tăng trưởng mạnh mẽ sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo đánh giá của VinaCapital, một phần nguyên nhân của sự tăng trưởng này là nhờ việc Chính phủ đã kiểm soát thành công đại dịch trong nước, giúp VN nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế và bắt đầu phục hồi từ quý 3-2020. Trong khi nhiều quốc gia đối mặt với mức sụt giảm kinh tế nghiêm trọng, kinh tế VN vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 3%/năm.
Đặc biệt, sự tăng trưởng đó được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại kỷ lục trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm.
Bên cạnh đó, theo VinaCapital, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng giảm đã làm dịch chuyển một phần dòng tiền từ tiền gửi tiết kiệm sang kênh đầu tư chứng khoán, điều này thể hiện thông qua số tài khoản các nhà đầu tư cá nhân mở mới đã đạt kỷ lục trong năm nay. Lũy kế tới hết tháng 10-2020, số lượng tài khoản chứng khoán tại VN đạt 2,67 triệu tài khoản, tương đương 2,8% dân số VN.
Theo đánh giá của VinaCapital, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên nhất và thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong trung và dài hạn. Với dự báo tăng trưởng GDP VN năm 2021 sẽ đạt 6,7% của IMF, thị trường chứng khoán VN vẫn sẽ tiếp tục lạc quan.
Tăng nhờ những kỳ vọng
Ông Nguyễn Đình Tùng - tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) - cũng cho rằng lãi suất là một trong những yếu tố khiến thị trường chứng khoán khởi sắc thời gian qua. Bên cạnh đó, VN là một trong số ít quốc gia hồi phục nhanh sau COVID-19, nhiều nhà đầu tư lớn chuyển dịch chuỗi cung ứng sang VN, các hiệp định thương mại tự do được ký kết...
Tất cả những yếu tố chính đã tạo ra kỳ vọng của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán. Thêm nữa, các công bố tích cực gần đây về sự ra đời sớm của vắcxin COVID-19 cũng giúp thúc đẩy tâm lý tích cực trên thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và VN nói riêng, đồng thời hình thành kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế toàn cầu sớm hơn dự kiến.
Theo ThS Trần Kim Long, chính sách tiền tệ nới lỏng được đẩy mạnh như hạ lãi suất điều hành, cung cấp các gói tín dụng ưu đãi, cho phép giãn, hoãn trả nợ, giảm lãi vay, cho vay mới với lãi suất thấp hơn... cũng giúp giảm bớt áp lực cho nền kinh tế và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, gia tăng niềm tin cho các nhà đầu tư.
"Kỳ vọng của nhà đầu tư về hiệu quả chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ như đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, giảm thuế. Trong 9 tháng đầu năm, chi đầu tư phát triển đạt 235,2 nghìn tỉ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ 2019. Năm 2020 cũng là năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, nhiều dự án cơ bản đã hoàn thiện về mặt thủ tục, pháp lý và giải phóng mặt bằng để sẵn sàng triển khai. Hiệp định thương mại tự do EVFTA được thông qua và có hiệu lực từ 1-8-2020 tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của VN vào Liên minh châu Âu", ông Long phân tích.
Lãi suất huy động giảm như thế nào?
Sau khi có ngân hàng thương mại cổ phần đã đưa lãi suất kỳ hạn 1, 2 tháng về mức thấp chưa từng có: 2,55%/năm trong tháng 10, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trong tháng 11 lãi suất huy động tiếp tục xu hướng đi xuống ở nhiều kỳ hạn, trong đó tập trung hơn vào kỳ hạn dài.
Tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi đã giảm thêm 0,2-0,4%/năm so với biểu lãi suất hồi tháng 10: kỳ hạn 6-9 tháng lãi suất chỉ còn 4%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 6%/năm, kỳ hạn 24 tháng giảm về 5,7%/năm và kỳ hạn 36 tháng chỉ còn 5,4%/năm. Hàng loạt ngân hàng khác như ACB, VIB, Nam A Bank, LienVietPostBank, ABBank, SCB, Bản Việt, MB... cũng giảm lãi suất huy động trong tháng 11.
Ngân hàng Quân đội (MB) giảm lãi suất hàng loạt ở các kỳ hạn, với mức giảm 0,1-0,2%/năm so với trước đó. ACB giảm thêm 0,2-0,3%/năm so với biểu lãi suất hồi tháng 10. Kỳ hạn huy động 3 tháng lãi suất còn 3,6%/năm; 9 tháng còn 5%/năm; từ 15-36 tháng giảm còn 6,3%/năm...
Ở nhóm ngân hàng nhỏ cũng giảm lãi suất đầu vào để giảm chi phí vốn, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Trong biểu lãi suất mới nhất từ đầu tháng 11, Ngân hàng Nam Á đã giảm ở kỳ hạn dài từ 14 tháng trở lên. Hiện lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 14-17 tháng còn 6,9%/năm. Các kỳ hạn từ 18-29 tháng còn 7%/năm; kỳ hạn 30-36 tháng lãi suất về 6,6%/năm.
So với tháng 10, mức lãi suất của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) giảm 0,2-1%/năm. Ngân hàng An Bình (ABBank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng giảm lãi suất huy động ở mức 0,2-1%/năm với các kỳ hạn ngắn và trung hạn.
Chiếc nón kỷ niệm của Phố Wall, chỉ số Dow Jones Industrial Average lần đầu tiên vượt mốc 30.000 điểm hôm 24-11 - Ảnh: Reuters
Mỹ đang trên đà hồi phục kinh tế?
Phố Wall đã lập kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 24-11 với chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng hơn 400 điểm và lần đầu tiên vượt mốc 30.000 điểm. Thị trường chứng khoán Mỹ đã khởi sắc nhờ thông tin tích cực từ 3 loại vắcxin đang có kết quả thử nghiệm tốt.
Thông tin chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump “bật đèn xanh” cho quá trình chuyển giao quyền lực cũng góp phần trong diễn biến này. Bên cạnh đó, việc ông Biden đề cử bà Janet Yellen - cựu chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), gương mặt quen thuộc với Phố Wall - vào vị trí bộ trưởng tài chính cũng là một yếu tố quan trọng cho phản ứng tích cực từ thị trường.
Dù vậy, bối cảnh kinh tế chính quyền mới phải đối mặt không ít thách thức. Theo chuyên trang kinh tế Marketplace, chính quyền của ông Biden sẽ bước vào một môi trường kinh tế với lãi suất thấp do tình hình bất ổn đến từ đại dịch. Nếu Thượng viện rơi vào tay Đảng Cộng hòa và dẫn đến nguy cơ chia rẽ ở Quốc hội thì bà Yellen được kỳ vọng có thể trở thành cầu nối giữa hai đảng của Mỹ trong tương lai.
Bên cạnh đó, ông Biden sẽ bước vào Nhà Trắng khi Mỹ nằm ngoài cả hai hiệp định thương mại lớn nhất đến nay của thế giới là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trong khi Trung Quốc đã có mặt trong RCEP và đang ngỏ ý tham gia CPTPP.
Theo Hãng tin Reuters, cổ phiếu năng lượng của Mỹ đã tăng 38% trong tháng 11. Tại thị trường tiền tệ, các đồng tiền nhạy cảm với rủi ro bắt đầu được chuộng hơn các đồng tiền có giá trị dự trữ an toàn như USD. Tiền ảo bitcoin giữ giá 18.999 USD, gần mức đỉnh 19.666 USD của gần ba năm trước. Trong khi đó, vàng cũng mất dần sức hấp dẫn, chạm mốc thấp nhất 4 tháng qua vào ngày 24-11 với 1.800,80 USD/ounce.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận