Nhà đầu tư bị bào mòn về tài sản lẫn tâm lý khi thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm - Ảnh: BÔNG MAI
Ngay khi mở phiên hôm nay 26-4, sắc đỏ tiếp tục bủa vây các sàn giao dịch chứng khoán chính. Chỉ trong vòng 40 phút đầu tiên, chỉ số VN-Index đã bị giảm hơn 45 điểm, nhưng sau đó tiếp tục dùng dằng, xuất hiện dòng tiền đổ vào mua cổ phiếu rớt giá.
Mới vào phiên hôm qua, thị trường chứng khoán đã phải chứng kiến thứ hai "đen tối", VN-Index có lúc giảm hơn 80 điểm, vốn hóa sàn HoSE bị "bốc hơi" xấp xỉ 11,8 tỉ USD.
Hiện tại áp lực vẫn cao, khi hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn bị bán ra, trong đó có VCB (Vietcombank), VHM (Vinhomes), MSN (Masan), VIC (Vingroup), GAS (PetroVietnam Gas), SAB (Sabeco), FPT (FPT), MWG (Thế giới di động), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), DGC (Hóa chất Đức Giang)...
Đối lập, cổ phiếu MBB (MBBank), ACB (ACB), VCF (Vinacafé Biên Hòa), HVN (Vietnam Airlines), BID (BIDV), BCM (Becamex)... tạm thời giữ vai trò chống đỡ thị trường, nhờ dòng tiền đổ vào mua tương đối tốt.
Bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI cho biết vẫn còn khả năng chỉ số VN-Index lùi lại kiểm định mốc tâm lý 1.300 điểm một lần nữa, do lượng cổ phiếu “bắt đáy” từ ngày 21-4 sẵn sàng để bán nhiều khả năng sẽ cản trở nhịp hồi phục của chỉ số.
Đội ngũ phân tích của Chứng khoán Yuanta nhận định, rủi ro thị trường vẫn ở mức cao và thị trường có thể chỉ xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật ngắn hạn. Chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm mạnh vào vùng bi quan quá mức cho thấy thị trường có khả năng xác lập vùng đáy ngắn hạn.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và hạn chế bán tháo tại các nhịp giảm hoặc ưu tiên đưa tỉ lệ margin (vay ký quỹ) về mức thấp để tránh bị tình trạng giải chấp.
Chuyên gia Nguyễn Thế Minh cho biết, hiện tại P/E (thị giá trên thu nhập của một cổ phiếu) của chỉ số VN-Index đang ở mức 14,7 lần, tương đương mức thấp nhất kể từ năm 2020 đến nay. Điều này cho thấy giá của nhiều cổ phiếu đã không còn quá đắt như trước, mức hấp dẫn tăng lên, cũng là lý do vì sao khối ngoại tăng mua ròng, phù hợp với nhà đầu tư dài hạn.
Trong trường hợp VN-Index lấy lại được mốc 1.400 điểm sau nhiều phiên tăng trở lại, kèm theo thanh khoản tăng dần, thì xu hướng ngắn hạn được xác lập, lúc này những nhà đầu tư đã kịp thời cắt lỗ hoặc bán chốt lời từ trước, hoặc những người có tiền mặt rủng rỉnh có thể mua dần, vì lúc này điểm mua an toàn hơn, tâm lý nhà đầu tư cũng ổn định hơn.
"Mặc dù không có cú khủng hoảng nào như chiến tranh, dịch bệnh... nhưng thị trường giảm mạnh như khủng hoảng xảy ra. Nhà đầu tư cần đưa ra quyết định một cách bình tĩnh để hạn chế rủi ro không đáng có", ông Minh cho hay.
Ngoài ra, mặc dù không ai muốn bán khi lỗ, nhưng nhà đầu tư cũng phải học cách bán ra đúng thời điểm để tối thiểu phần lỗ và tăng phần lãi của tổng danh mục.
Về chiến lược đầu tư, chuyên gia phân tích của Chứng khoán MB (MBS) cho biết, diễn biến giảm điểm mạnh gần đây trở nên khốc liệt vì thị trường đã giảm 3 tuần liên tiếp. Vì khối ngoại vẫn duy trì mạch mua ròng trong 4/5 tuần vừa qua, nên các nhịp giảm vẫn là cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn như các tổ chức. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư ngắn hạn không nên trung bình giá, hạn chế sử dụng margin.
Chuyên gia của MBS cũng khuyến nghị, thông thường sau các phiên giảm sâu thị trường sẽ có nhịp hồi kỹ thuật, nhà đầu tư có thể tận dụng để cơ cấu danh mục hoặc giảm tỉ trọng.
"Sau mỗi đợt giảm, thị trường sẽ thanh lọc, một số nhà đầu tư và cả môi giới sẽ rời thị trường. Nhưng cơ hội vẫn còn nhiều người khác khi thị trường bình ổn trở lại", giám đốc của một công ty chứng khoán lớn chia sẻ.
Những lần chứng khoán giảm sốc và tăng trở lại gần đây
Trong vòng ba năm trở lại đây, từ lúc dịch COVID-19 bùng phát, thị trường chứng khoán đã liên tục biến động giảm rồi tăng mạnh trở lại.
Đầu tiên phải kể đến phiên giao dịch ngày 9-3-2020, chỉ số VN-Index bị giảm gần 56 điểm (-6,28%) vùng 835 điểm, khi đại dịch COVID-19 lần đầu ập đến. Sau đó chỉ số này giảm dần, rồi xuống đáy 659 điểm (24-3). Dù vậy, thị trường tiếp tục biến động, khép lại năm 2020 với trên 1.103 điểm.
Ở phiên giao dịch 19-1-2021, thị trường chứng khoán cũng từng chứng kiến chỉ số VN-Index có lúc giảm hơn 75 điểm. Nhưng rồi chốt phiên ở việc giảm gần 61 điểm (-5,11%) xuống còn 1.131 điểm. Trải qua biến động, chứng khoán vẫn chốt năm 2021 với mốc trên 1.498 điểm.
So với những đợt giảm mạnh nổi bật ở hai năm qua, đợt giảm trong phiên 25-4 vẫn chưa khốc liệt nếu tính theo tỉ lệ phần trăm giảm điểm. Nhưng chính việc thị trường đã giảm trong 3 tuần liền đã bào mòn tài sản và tâm lý của nhà đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận