Kết tuần qua, VN-Index tăng hơn 18 điểm lên 1.276,6 điểm. Sang tuần mới, chứng khoán liệu có duy trì hồi phục trong bối cảnh cuộc căng thẳng Israel - Iran gây áp lực lên thị trường tài chính toàn cầu?
Thanh khoản thấp, dòng tiền lớn đang lo ngại rủi ro
Ông Đỗ Bảo Ngọc - phó tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết:
- Diễn biến của thị trường tài chính thế giới trong đó có Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào động thái các bên trong cuộc xung đột Israel - Iran.
Giá dầu vẫn ở trong xu hướng tăng từ trước đó do nhóm OPEC đã tiếp tục gia hạn cắt giảm sản lượng trong quý 2-2024, nguồn cung thâm hụt.
Trong khi Iran là nước có sản lượng dầu lớn thứ 3 trong nhóm OPEC, chiếm khoảng 3% nguồn cung toàn thế giới, dấy lên lo ngại giá mặt hàng này sẽ tăng cao hơn.
Cuối tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ đã bị bán mạnh khi thông tin mới công bố cho thấy lạm phát gia tăng cũng như các lo ngại về địa chính trị.
Việc tác động tới một số thị trường thế giới đã rõ, với Việt Nam, cần có thêm theo dõi. Nhìn chung, căng thẳng giá dầu, áp lực lạm phát… sẽ kéo chậm lại kỳ vọng giảm lãi suất từ Fed.
Từ đó, tăng áp lực tỉ giá trong nước. Vừa qua, thị trường ghi nhận thanh khoản thấp, giảm sâu, dòng tiền lớn đang lo ngại rủi ro căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Cần theo dõi thêm tác động liên quan xung đột, giá dầu, diễn biến thị trường tài sản khác
Ông Bùi Văn Huy - giám đốc chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC:
- Cuộc xung đột Israel - Iran sẽ có tác động phần nào tới kinh tế Việt Nam, qua đó ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
Giới đầu tư lo ngại cuộc căng thẳng sẽ đẩy giá dầu vọt lên trong khi mặt hàng này vẫn đang nằm trong xu hướng tăng giá.
Ngoài giá dầu, phí logistics tăng sẽ kéo theo giá cả hàng hóa khác cũng cao lên. Tất cả tạo áp lực lên lạm phát. Trong khi, CPI của Mỹ cao hơn dự đoán tháng thứ 3 liên tiếp cũng khiến lộ trình hạ lãi suất của Fed có thể chậm lại.
Cuối tuần qua, chỉ số Dollar Index nhảy lên ngưỡng 106 điểm, gây áp lực tỉ giá tiền đồng Việt Nam. Chưa kể, áp lực lạm phát trong nước cũng hiện hữu, có thể sẽ trên 4% trong các tháng tiếp theo.
Một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động trở lại.
Lãi suất huy động toàn hệ thống có thể được xem là vùng "đáy" rồi. Việt Nam ưu tiên lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng cũng không thể duy trì mãi việc lãi suất chính sách thực âm.
Dù vậy, trong bối cảnh hiện tại, vẫn có kỳ vọng từ 3 trụ cột chính của thị trường, thứ nhất là môi trường lãi suất thấp và nới lỏng tiền tệ; thứ hai là sự phục hồi kinh tế trong nước và thứ ba là kỳ vọng nâng hạng thị trường và KRX.
Tuy nhiên vẫn cần thời gian để quan sát thêm những tác động liên quan xung đột Israel - Iran. Xem thị trường hàng hóa, giá dầu, tài sản khác phản ứng như thế nào.
Tỉ giá là một rủi ro cần lưu ý của thị trường
Ông Đinh Quang Hinh - trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường khối phân tích VNDirect:
- Thị trường chứng khoán đang chịu tác động từ 2 luồng thông tin trái chiều. Cụ thể, lạm phát tháng 3 tại Mỹ tăng vượt dự báo đã làm thị trường lo ngại về kịch bản Fed sẽ duy trì lãi suất điều hành lâu hơn nữa.
Hiện tại, thị trường cho rằng đợt cắt giảm lãi suất điều hành sớm nhất của Fed sẽ rời sang quý 3 thay vì kỳ vọng trước đó là vào tháng 6.
Đồng thời, thị trường cũng giảm kỳ vọng số đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Fed trong năm 2024 về 1-2 lần thay vì kỳ vọng 3 lần trước đó.
Có thể thấy rằng xác suất một số ngân hàng trung ương lớn (tiêu biểu là ECB) cắt giảm lãi suất sớm hơn Fed đang tăng lên.
Điều này sẽ khiến chỉ số đồng USD tiếp tục duy trì sức mạnh trong những tháng tới, qua đó tiếp tục gây áp lực lên tỉ giá trong nước.
Ở thời điểm hiện tại, vấn đề tỉ giá là một rủi ro cần lưu ý của thị trường.
Tuy vậy, ở chiều ngược lại thị trường chứng khoán đang được hỗ trợ khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 bắt đầu.
Nhiều dự báo cho thấy tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết sẽ khá tích cực.
Các nhà giao dịch có thể mua vào khi các chỉ số chứng khoán về vùng hỗ trợ và bán ra khi tiến sát vùng kháng cự. Hiện hỗ trợ của VN-Index nằm trong vùng 1.230-1.250 điểm và vùng kháng cự sẽ trong khoảng 1.290-1.310 điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận