Một nhà đầu tư ngồi trước bảng điện tử tại một công ty môi giới chứng khoán ở Thượng Hải - Ảnh: Reuters |
Giới chuyên gia cho rằng có ba yếu tố đang ảnh hưởng đến hiện tượng lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc, đó là do mối quan ngại kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm hơn những dự đoán trước đây, việc không chắc chắn khi nào Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất và ảnh hưởng của việc giá dầu quá rẻ, đang dưới mức 40 USD/thùng - mức thấp nhất trong sáu năm qua.
Dưới mốc an toàn
Báo Chứng Khoán Trung Quốc cho biết chỉ số chứng khoán lớn nhất nước này là Shanghai Composite đã giảm 7,63% trong phiên đóng cửa cuối ngày. Chỉ số này mất thêm 244,94 điểm, đứng ở mức 2.964,97 điểm. Shanghai Composite đã giảm tổng cộng 8,16% chỉ trong hôm qua và 42% tính từ ngày 12-6 đến nay.
Theo giới chuyên gia, mốc 3.000 điểm là mốc rất quan trọng đối với nhà đầu tư. Nếu chứng khoán rớt xuống dưới mức này sẽ gây hoảng loạn, dẫn đến hiện tượng bán tống bán tháo cổ phiếu. “Chưa rõ chất xúc tác nào làm tan chảy thị trường chứng khoán toàn cầu.
Song những tin tức kinh tế tốt hơn có thể giúp xoa dịu những lo lắng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang xấu đi” - chuyên gia Bernard Aw của IG Markets bình luận.
Cùng ngày, chỉ số chứng khoán quan trọng thứ hai của Trung Quốc là Shenzhen Composite cũng mất đến 133,39 điểm, giảm 7,09%. Giới chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân khác khiến nhà đầu tư lo ngại và bán tống cổ phiếu là tỉ giá đồng nhân dân tệ (CNY) không ổn định. Tỉ giá CNY trong ngày 25-8 cũng đã giảm so với USD, đứng ở mức 6,3987 CNY/USD.
Ông Lý Giang Cách, chủ tịch Công ty chứng khoán Thân Ngân Vạn Quốc, cho rằng các vấn đề của thị trường nên để cho chính thị trường giải quyết. Càng nguy hiểm hơn nếu Chính phủ Trung Quốc lỏng lẻo trong giám sát việc duy trì thị trường theo hướng tăng giá.
“Thật đáng thất vọng khi một số đối tượng giao dịch đen thoát sự trừng phạt của luật pháp và đó là điều bất công với rất nhiều nhà đầu tư khác. Hãy để cho các lực lượng thị trường quyết định thị trường sẽ đi như thế nào. Mọi việc chỉ sẽ tồi tệ hơn nếu chúng ta giám sát lỏng lẻo việc chống đỡ cho chứng khoán” - ông Lý nói.
Giới đầu tư mất hết lòng tin
Dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm qua đã bơm 150 tỉ nhân dân tệ (khoảng 23,4 tỉ USD) vào thị trường tiền tệ nhằm giảm căng thẳng tính thanh khoản trong thị trường nhưng giới chuyên gia cho rằng vẫn không có tín hiệu lạc quan.
Nhà phân tích của Công ty chứng khoán Hoa Tây - Vị Vị nhấn mạnh giới đầu tư Trung Quốc có vẻ đã hoàn toàn mất lòng tin vào thị trường nên thị trường chứng khoán vẫn còn nguy cơ tiếp tục lao dốc. “Đó là sự bán đổ bán tháo cổ phiếu và đó là vấn đề của lòng tin” - chuyên gia Vị Vị nhận định.
Trang web PBOC khẳng định đây là gói hỗ trợ lớn nhất từ tháng 1-2014 đến nay mà cơ quan này rót vào thị trường. Song, các nhà đầu tư Trung Quốc đang quan ngại gói cứu trợ của chính phủ bắt đầu “co lại”, họ đang chờ xem liệu chính phủ sẽ có thêm động thái can thiệp nào, hoặc giả PBOC sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hay không.
“Chi hàng trăm tỉ USD để chống đỡ cho thị trường cổ phiếu quả thật là cái giá quá lớn, ngay cả với một quốc gia có nhiều tiền như Trung Quốc” - nhà phân tích Angus Nicholson của Công ty IG Markets cho biết.
Nhà phân tích của Công ty tài chính chứng khoán Trung Tín (CITIC) Trương Quần cho biết các nhà đầu tư hiện đang có hội chứng “sợ mua chứng khoán”, ngay cả với những loại chứng khoán có giá và lý lịch cực tốt. “Bởi giới đầu tư đang không biết đâu là giới hạn cuối cùng của thị trường” - báo Chứng Khoán Trung Quốc dẫn lời ông Trương cho biết.
Cũng trong ngày 25-8, chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật giảm 4%, đánh dấu ngày giảm thứ sáu liên tục của chỉ số này. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Hong Kong, Seoul (Hàn Quốc) và châu Âu đã tăng nhẹ vào cuối ngày nhưng vẫn chưa thể bù lỗ những khoản giảm trong ngày 24-8. Cụ thể, chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hong Kong đã hồi phục nhẹ 0,72% trong khi chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 0,92%. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận