Chứng khoán trồi sụt mạnh trong thời gian gần đây. Trong ảnh là nhà đầu tư đang theo dõi thị trường - Ảnh: BÔNG MAI
"Khi nền kinh tế thực khó khăn, ốm yếu, tôi cho rằng rất nhanh chóng truyền dẫn vào khu vực tài chính, ngân hàng. Bên cạnh rủi ro nợ xấu, lạm phát, bất cập về chính sách tín dụng, tôi xin nhấn mạnh chứng khoán tăng trưởng rất nóng, bộc lộ rõ nguy hại đầu cơ và thao túng giá", PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), chia sẻ tại Tọa đàm công bố "Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 2-2021" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức, với sự hỗ trợ của Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) Việt Nam, diễn ra vào chiều 21-7.
Sau khi VN-Index lập đỉnh mới (1.420,27 điểm vào ngày 2-7), thị trường chứng khoán bắt đầu lao dốc, đến nay đã giảm hơn 149 điểm.
Ông Bảo nhìn nhận chứng khoán tăng giảm không có lý do rõ rệt. Bởi nếu nói chứng khoán giảm mạnh những ngày qua là do dịch COVID-19 tác động, vậy tại sao từ giữa năm 2020 khi nền kinh tế đối diện với dịch bệnh gia tăng mạnh, thì chứng khoán cũng tăng.
Về vấn đề thao túng giá, TS Quốc Bảo chia sẻ: "Lượng vốn khổng lồ kích thích kinh tế được bơm ra trong suốt năm 2020. Vậy dòng tiền đổ vào đâu khi nền kinh tế đang ốm yếu, không thể nào hấp thụ được lượng vốn khổng lồ, chắc chắn sẽ chảy vào chứng khoán và bất động sản".
Theo đó, hằng năm GPD tăng trưởng bình quân 6%, tăng trưởng tín dụng đạt 12%. Có thể nói 1% tăng trưởng GDP được tài trợ bằng 2% tăng trưởng tín dụng. Nhưng năm 2020, tăng trưởng GDP gần 3%, tín dụng cũng 12%. Có nghĩa tiền vẫn được bơm ra, nhưng tạo mức tăng trưởng kinh tế được tạo ra thấp hơn hẳn.
"Sự tăng trưởng mạnh của chứng khoán liệu có bổ sung vốn cho doanh nghiệp, hay chỉ mua đi bán lại, khiến chứng khoán như một cục than hồng truyền từ người trước sang người sau", ông Bảo chia sẻ.
"Khi mức cầu không đủ để đỡ nguồn cung nữa thì bắt đầu rơi xuống", TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính Ngân hàng, chia sẻ về rủi ro khi thị trường chứng khoán liên tục biến động mạnh.
Theo TS. Cấn Văn Lực, giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, trong nửa đầu năm nay chỉ số chứng khoán của Việt Nam đã tăng 28%, trong khi nhiều quốc gia khác có mức tăng 10-14%, mặc dù mức độ hồi phục kinh tế của họ tốt hơn chúng ta.
Bên cạnh đó, việc ngân sách vẫn thu tốt trong bối cảnh dịch bệnh là có vấn đề, không bền vững, vì chủ yếu từ các giao dịch chứng khoán và bất động sản,
Trong nửa đầu năm 2021, thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản tăng 61,7% so với cùng kì. Thu từ kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần cùng kì, tương ứng tăng 2.600 tỉ đồng.
Dữ liệu từ VEPR cho thấy kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,61% (yoy - so với cùng kì năm trước) trong quý 2-2021.
Ngoài tác động bởi COVID-19, doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh thêm chi phí sản xuất do giá nguyên vật liệu, chi phí vận tải và giá thuê đất tăng.
Lạm phát bình quân quý 2-2021 tăng 2,67% (yoy), trong nửa đầu năm tăng 1,47% - thấp nhất kể từ 2016, nhưng có nhiều sức ép do chi phí sản xuất tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng do các biện pháp phòng dịch.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 được dự báo tăng 4,5% – 5,1%, thấp hơn 1,2 – 1,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021, PGS.TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế vĩ mô (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), chia sẻ 3 kịch bản tăng trưởng GDP cả năm 2021.
-Kịch bản cơ sở (GDP 4,5-5,1%): Dịch bệnh trong nước được kiểm soát vào cuối quý 3-2021, tiêm chủng đẩy nhanh, hoạt động kinh tế gần như bình thường và trở lại vào đầu quý 4.
-Kịch bản xấu (GDP 3,5-4%): Các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt kéo dài đến quý 4, hoạt động kinh tế ngưng trệ.
-Kịch bản tốt (GDP 5,4-6,1%): Các biện pháp giãn cách được gỡ bỏ và hoạt động kinh tế trở lại bình thường ngay tháng 8.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận