Thị trường chứng khoán Mỹ thiết lập kỷ lục mới đầy lạc quan nhờ các chỉ số tốt của tăng trưởng kinh tế và cải cách thuế - Ảnh: REUTERS
Sự sôi động của thị trường chứng khoán Mỹ phần nào phản ánh tâm lý hào hứng của nhà đầu tư trong bối cảnh kế hoạch cắt giảm thuế được mong chờ từ lâu đã bước vào giai đoạn cuối cùng chuẩn bị được thông qua.
Chốt phiên giao dịch ngày 18-12 tại thị trường New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,6%, lên 24.792,20 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 0,5%, đạt 2.690,16 điểm.
Lập kỷ lục mới
Chỉ số Nasdaq chốt phiên ở mức 6.994,76 điểm, với mức tăng tổng cộng 0,8% sau khi chạm mức kỷ lục 7.000,89 điểm giao dịch trong ngày. Đây là kỷ lục tiệm cận mức tăng vào tháng 4-2015 – tức thời điểm ghi nhận sự tăng trưởng bùng nổ đỉnh điểm của trị giá các công ty công nghệ Internet phất lên từ những năm 2000. Sau đó, "quả bóng công nghệ" vỡ và các chỉ số giảm đến phân nửa chỉ trong vài tháng để rồi leo lại từ từ đến mức trên dưới 5.000 điểm.
Như vậy, sáng nay 19-12 (theo giờ VN), cả 3 chỉ số chủ lực của thị trường chứng khoán Mỹ đều thiết lập kỷ lục mới sau kỷ lục được thiết lập trong phiên giao dịch cuối tuần trước.
Ông Adam Sarhan, nhà phân tích của 50 Park Investment, ghi nhận: "Các nhà đầu tư, từ cấp độ cá nhân đến công ty lớn, đang tiếp tục cuộc phiêu lưu trên thị trường cổ phiếu" do cảm thấy tin tưởng vào sự phát triển ổn định của kinh tế Mỹ sau 6-8 năm phát triển èo uột.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã liên tục tăng điểm trong tháng 12 này sau khi giới lập pháp Mỹ thu hẹp các bất đồng và vượt những trở ngại cản trở kế hoạch cắt giảm thuế do Tổng thống Donald Trump thúc đẩy.
Nếu kế hoạch cải cách thuế được thông qua như dự kiến thì điều đó sẽ rất tích cực cho lợi nhuận của các công ty và tức là cho thị trường chứng khoán"
Ông Adam Sarhan - nhà phân tích của 50 Park Investment
Diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ ngay lập tức đã tác động đến thị trường chứng khoán châu Á. Mở phiên giao dịch sáng 19-12, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã tăng 0,29%, lên 22.969,02 điểm, chỉ số Topix tăng 0,19 lên 1.821,27 điểm.
Các nhà buôn chứng khoán trên sàn New York hôm 14-12 khi gã khổng lồ giải trí Mỹ Walt Disney tuyên bố mua lại mảng kinh doanh giải trí của công ty truyền thông đa quốc gia 21st Century Fox với giá 52,4 tỉ USD - Ảnh: REUTERS
Kế hoạch cải cách thuế của Tổng thống Donald Trump, vốn được Thượng viện Mỹ phê chuẩn trước đó, sẽ giúp chính quyền Washington tiết kiệm được khoản tiền lên tới 1.800 tỉ USD trong vòng 1 thập kỷ tới khi nhịp độ tăng trưởng được đẩy mạnh.
Đây là đánh giá bước đầu của Bộ Tài chính Mỹ về dự luật cải cách thuế do phe Cộng hòa bảo trợ trong bối cảnh xuất hiện nhiều dấu hỏi về tác động của những điều chỉnh này đối với nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Trong văn bản đánh giá công bố ngày 11-12 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ cho biết những sửa đổi về thuế đối với doanh nghiệp và cá nhân mà Tổng thống Trump đề xuất sẽ giúp tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đạt 2,9% trong 10 năm tới, cao hơn 0,7% so với mức dự báo hiện tại. Không chỉ vậy, ngân sách chính phủ cũng có thêm 1.800 tỉ USD, trong khi thâm hụt ngân sách sẽ được "khoanh vùng".
Bộ trưởng Tài chính Steven T. Mnuchin đánh giá rằng những chính sách cải cách thuế và kinh tế của chính quyền là nhắm tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm nguồn thu lâu dài cho ngân quỹ quốc gia.
Đánh giá trái chiều
Tuy nhiên, Ủy ban Hỗn hợp về thuế cho rằng những lợi ích có được từ kế hoạch cải cách thuế của Tổng thống Trump thực sự không lớn như vậy. Theo cơ quan trung lập của Quốc hội Mỹ này, những điều chỉnh về thuế doanh nghiệp và cá nhân sẽ khiến ngân sách thâm hụt thêm 1.000 tỉ USD trong 10 năm tới dù kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn.
Các nghị sĩ Dân chủ là những người phản đối kế hoạch cải cách thuế mạnh mẽ nhất. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer mô tả bản đánh giá của Bộ Tài chính trên là "phép tính giả mạo".
Một số chuyên gia ước tính việc thực thi kế hoạch cải cách thuế của đảng Cộng hòa sẽ khiến nợ công của nước này "cõng" thêm từ 1.500 tỉ USD đến 20.000 tỉ USD trong 10 năm tới trong khi nền kinh tế chưa kịp nhận được tác động tích cực từ chủ trương này.
Nợ công rất lớn là một thách thức với bao đời lãnh đạo ở Mỹ - Ảnh: AFP
Hôm nay bỏ phiếu dự luật cải cách thuế
Dự kiến, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật cải cách thuế đã được hai viện Quốc hội Mỹ thống nhất các nội dung trong một văn bản duy nhất trong ngày hôm nay 19-12 (giờ Mỹ) và văn kiện này sẽ được trình lên Tổng thống Trump ký thông qua vào cuối tháng này.
Trước khi được Thượng viện thông qua, dự luật dài 479 trang này đã có những thay đổi nội dung vào phút chót. Một trong những thay đổi đó là mức chiết khấu thuế đối với tài sản của nhà nước và địa phương có thể lên tới 10.000 USD, tương tự như nội dung trong dự luật của Hạ viện.
Với tỷ lệ sít sao 51 phiếu ủng hộ và 49 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua chương trình cải cách thuế được đánh giá là tham vọng nhất trong 31 năm qua của nền kinh tế số một thế giới. Tiến trình tiếp theo để luật hóa gói cải cách thuế này là hợp nhất văn kiện này với dự luật tương tự đã được Hạ viện thông qua trước đó.
Trước đó, Thượng viện đề xuất xóa bỏ hoàn toàn mức chiếu khấu thuế. Một thay đổi khác đó là thuế tối thiểu thay thế (AMT - alternative minimum tax) - một loại thuế thu nhập - cho cả cá nhân và công ty sẽ không được xóa bỏ hoàn toàn. Thay vào đó, thuế AMT cá nhân có thể được điều chỉnh trong khi mức thuế này đối với các doanh nghiệp vẫn duy trì mức hiện tại. Ngoài ra, thuế thu nhập doanh nghiệp có thể giảm từ mức 35% hiện nay xuống mức 20% và lợi nhuận sau này của các công ty Mỹ thu được từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài phần lớn sẽ không bị đánh thuế.
Với kế hoạch cải cách này, các nghị sĩ đảng Cộng hòa muốn trong 10 năm tới nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, nợ công hiện đã lên tới 20.000 tỉ USD sẽ phải tăng thêm 1.400 tỉ USD.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng tỏ ra lo ngại với dự luật giảm thuế của Mỹ. Trong trong bức thư gửi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin vào ngày 12-12, EC khẳng định kế hoạch cải cách thuế ở Mỹ có thể gây hại "nghiêm trọng" đến dòng chảy thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương.
EC cho rằng dự luật thuế này nếu được thông qua sẽ vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì một số điều khoản có sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Mỹ.
EC cũng chỉ ra các nguy cơ đối với các công ty tài chính châu Âu tại Mỹ, khi họ sẽ bị đánh thuế gấp đôi và phải đối mặt nhiều vấn đề trong việc tiếp cận các nguồn vốn toàn cầu. Theo EC, kế hoạch cải cách của Mỹ có thể vi phạm các cam kết toàn cầu về đánh thuế sở hữu trí tuệ, đã được Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) nhất trí.
Giới chuyên gia cho rằng động thái cải cách thuế của Mỹ nằm trong xu hướng rộng hơn trên thế giới nhằm sử dụng các hệ thống thuế quốc gia để tạo lợi thế cho các doanh nghiệp địa phương khi xuất khẩu ra nước ngoài và gây bất lợi cho các nguồn lực nước ngoài.
Cùng ngày 12-12, các ngân hàng của châu Âu cho biết những thay đổi về thuế của Mỹ sẽ làm rối loạn "mạnh mẽ" thị trường tài chính. Còn vào ngày 11-12, các Bộ trưởng Tài chính Đức, Pháp, Anh, Ý và Tây Ban Nha cũng đã gửi bức thư bày tỏ quan điểm tương tự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận