VN-Index đóng cửa tháng 4-2024 tại vùng 1.209,52 điểm trước khi cả nước bước vào kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5.
Khối ngoại miệt mài bán ròng
Sau một tháng giao dịch, điểm số chung thị trường giảm gần 75 điểm (-5,81%) so với cuối tháng 3-2024, thanh khoản giảm mạnh.
Dữ liệu từ Fiintrade, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn tháng này đạt 24.405 tỉ đồng, giảm 18% so với tháng 3 nhưng vẫn tăng hơn 11% so với mức bình quân 3 tháng đầu năm.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng gần 5.000 tỉ đồng. Mua ròng khớp lệnh chính của khối này là nhóm bán lẻ, xây dựng và vật liệu. Bán ròng nhiều nhất nhóm bất động sản.
Nhóm nhà đầu tư cá nhân mua ròng 6.500 tỉ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, mua ròng 9/18 ngành, chủ yếu bất động sản; bán ròng nhóm ngành bán lẻ, tài nguyên cơ bản.
Trong khi nhóm nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ròng khớp lệnh 316 tỉ đồng, tự doanh cũng cùng xu hướng với hơn 1.200 tỉ đồng.
Xét theo khung thời gian tháng, tỉ trọng phân bổ dòng tiền duy trì hồi phục từ đáy ở bất động sản; chạm đỉnh ở dầu khí, bán lẻ, công nghệ thông tin, hàng không, viễn thông. Trong khi giảm về đáy ở thép, xây dựng, vật liệu xây dựng.
Nếu tính theo quy mô vốn hóa, tỉ trọng phân bổ dòng tiền tăng lên ở nhóm vốn hóa lớn, đạt 42,5% trong tháng 4. Ngược lại, tỉ trọng phân bổ dòng tiền giảm về mức 42,6% ở nhóm vốn hóa vừa và 8,5% ở nhóm vốn hóa nhỏ.
Về biến động giá, chỉ số nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa chịu áp lực điều chỉnh mạnh, giảm lần lượt -8,61% và -6,72% trong khi đó chỉ số của nhóm vốn hóa lớn VN30 giảm -4,35%, ít hơn so với mức giảm chung.
"N" lần lỡ hẹn của KRX
Trong ngắn hạn, với việc đã lấy lại được vùng hỗ trợ 1.200 điểm, VN-Index được dự báo sẽ diễn biến theo kịch bản tích cực là hoàn thành mô hình "w" nhỏ.
Sau nghỉ lễ, một số chuyên gia chứng khoán cho rằng thị trường sẽ tiếp tục nhịp hồi phục ngắn hạn với ngưỡng kháng cự gần quanh vùng 1.225 điểm và xa hơn là 1.250 điểm, tương ứng cạnh trên của vùng tích lũy trung hạn.
Tuy nhiên, thị trường vẫn còn những ẩn số khi số liệu kinh tế và lạm phát tại Mỹ cho những tín hiệu trái chiều và khiến việc dự báo chính sách lãi suất của FED thời gian tới khó đoán và khả năng lãi suất chưa sớm giảm như kỳ vọng.
Điều này, theo đội ngũ phân tích Chứng khoán SHS, có thể tiếp tục tạo ra áp lực đối với tỉ giá trong nước, vốn đã căng thẳng thời gian gần đây. Trong bối cảnh này việc thị trường tích lũy cũng phù hợp.
Ngoài ra, trong phiên cuối tuần trước kỳ nghĩ lễ, VN-Index chịu áp lực rung lắc trước thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa chấp thuận đề nghị của HoSE đưa hệ thống KRX vào vận hành chính thức vào ngày 2-5-2024.
Nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ thất vọng với thông tin nêu trên khi đây là lần thứ "n" hệ thống này trễ hẹn.
Trên một số diễn đàn, các nhà đầu tư gọi KRX như chiếc "bánh vẽ" và cảm thấy "khó hiểu" trước sự phối hợp "chưa ăn ý" giữa cơ quan quản lý nhà nước cũng như chủ đầu tư hệ thống KRX là HoSE trong dự án này.
Ngoài ra, Tổng cục Thống kê cũng vừa công bố số liệu kinh tế xã hội tháng 4-2024 với nhiều chỉ số chưa tích cực. Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng "khá may" là thị trường đóng cửa nghỉ lễ, nếu không có thể sẽ có một "cú" rung lắc nhẹ.
Theo vị này, sức khỏe nền kinh tế thông qua khu vực sản xuất và tiêu dùng đều khá yếu so với những gì chúng ta mong đợi. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP ghi nhận tăng trưởng tháng 4 đạt 6,33%, tổng cả 4 tháng đầu năm tăng 5,99%, con số này thấp so với kỳ vọng ở mức 7,5-8%.
Ngoài ra, khu vực dịch vụ tiêu dùng, động lực lớn nhất duy trì tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm qua cũng chỉ "lình xình" tăng trưởng quanh 9%, thấp hơn nhiều mức nền trung bình 12% của giai đoạn trước COVID-19...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận