Chiến lược nhằm giúp thị trường trở thành kênh đầu tư an toàn, lành mạnh, hiệu quả. Đồng thời phát huy tốt vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, giúp doanh nghiệp giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng...
11 triệu tài khoản chứng khoán vào năm 2030
Theo chiến lược đề ra, mục tiêu quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và 120% GDP vào năm 2030.
Bên cạnh đó, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu lần lượt 47% GDP và 58% GDP ở hai năm kể trên. Thị trường chứng khoán phái sinh cũng tăng trưởng trung bình 20 - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào 2030. Trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tăng tỉ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.
Ngoài ra, chiến lược cũng đề cập việc phấn đấu đến năm 2025, chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạn từ thị trường cận biên lên nổi, theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế.
Để thu hút dòng vốn đầu tư, nhiều giải pháp được đưa ra, bao gồm: tăng cung hàng hóa cho thị trường chứng khoán bằng cách khuyến khích doanh nghiệp chào bán cổ phiếu ra công chúng, tích cực cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ đa dạng, thúc đẩy việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng gắn với niêm yết, phát triển thị trường trái phiếu xanh..., đồng thời cải thiện chất lượng nguồn cung.
Tăng thanh tra, xử phạt
Trong năm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt 5 vụ lớn về thao túng chứng khoán ở nhiều doanh nghiệp, trong đó có cá nhân dùng tới 76 tài khoản để tạo cung cầu giả.
Ngoài phạt tiền, có người còn bị buộc nộp lại số lợi bất chính, bị cấm giao dịch chứng khoán hai năm liền...
Hiện nay, nhiều cá nhân khác như ông Trịnh Văn Quyết - cựu chủ tịch Tập đoàn FLC, ông Đỗ Nhân - cựu chủ tịch Louis Holdings, ông Đỗ Anh Dũng - cựu chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh... cũng đang bị giam giữ vì vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Để bảo vệ nhà đầu tư, tăng tính minh bạch, "Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030" cũng nêu ra các giải pháp: xây dựng hệ thống giám sát kết nối giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và các thành viên thị trường.
Đồng thời, tăng cường triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm - tập trung vụ việc có ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán, tăng cường giám sát liên thông giữa các cấu phần của thị trường...
Ngoài ra, xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài chính và bộ, ngành có liên quan để tuyên truyền, giám sát thực thi quy định pháp luật, giám sát liên ngành nhằm kịp thời phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.
Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin, có cơ sở dữ liệu phục vụ tốt công tác quản lý và giám sát thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận