Thị trường chứng khoán đỏ rực như "tắm máu" từ Mỹ sang châu Á, châu Âu - Ảnh minh họa: Reuters
Tại Mỹ, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones kết thúc phiên giao dịch ngày 5-2 với 24.345,68 điểm (giảm 1,175 điểm, tức 4.6%).
Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 4-1 Dow Jones tuột xuống dưới mức 25.000 điểm, và sự tuột dốc nói trên là mức giảm trong ngày lớn nhất trong lịch sử chỉ số này.
Biến động của thị trường Bắc Mỹ ngay lập tức lan sang các sàn giao dịch từ châu Á đến châu Âu khi các thị trường này bước sang ngày 6-2.
Sụt giảm khắp nơi
Thị trường chứng khoán tại London (Anh) chứng kiến giá cổ phiếu giảm ngay khi bắt đầu giao dịch, với FTSE 100 - chỉ số cổ phiếu của 100 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London - giảm 255 điểm (3,5%) xuống còn 7.079,41 điểm, theo Guardian.
Các nhà đầu tư ở khắp châu Âu cũng bắt đầu hoảng loạn khi thị trường tại Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha đều sụt giảm hơn 3%.
Guardian dẫn lời ông Jasper Lawler, trưởng bộ phận nghiên cứu công ty giao dịch chứng khoán London Capital Group, cho biết thị trường ở Anh và châu Âu đã mở màn cực kỳ tồi tệ. "Cuộc tắm máu ở Phố Wall, vốn đã lặp lại ở châu Á, đã làm niềm tin bốc hơi ở châu Âu" ông Lawler bình luận.
Trước đó, tại châu Á, chỉ số Nikkei của 225 công ty niêm yết lớn nhất Tokyo cũng mở đầu phiên giao dịch ngày 6-2 với việc sụt giảm gần 5%.
Trong các phiên giao dịch tiếp theo cùng ngày, chỉ số Nikkei 225 có lúc giảm đến 7% và kết thúc ngày giao dịch đen tối ở mức 21.610,24 điểm, giảm 1.071,84 điểm, mức lớn nhất kể từ năm 2016.
Chuyên gia Maki Sawada thuộc hãng chứng khoán Nomura Securities (Nhật) cho biết các nhà đầu tư đang bán tháo cổ phiếu trong hoảng loạn sau sụt giảm ở Phố Wall. "Xu hướng bán ròng ngày càng tăng theo phản ứng dây chuyền" bà Sawada nói với Hãng tin Kyodo News.
Các thị trường châu Á khác cũng "điên đảo" theo.
Chẳng hạn, chỉ số ASX200 của Úc giảm 3,3%, KOSPI (Hàn Quốc) giảm gần 3% trong phiên giao dịch sáng 6-2, còn chỉ số Hang Seng (Hong Kong) và SSE (Thượng Hải) cũng lần lượt mất 4,9% và 2,2%.
Washington Post dẫn lời Chris Weston, trưởng chiến lược gia công ty tài chính IG (Úc), cho biết việc các thị trường chứng khoán đồng loạt chao đảo thể hiện "sự khủng hoảng thực sự". "Tất cả mọi người đều tháo chạy vì không ai thực sự biết điều gì đã dẫn đến tình trạng này" ông nói.
Trước đó thị trường chứng khoán toàn cầu đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục trước triển vọng về kinh tế thế giới ổn định và các doanh nghiệp ăn nên làm ra.
Song, xu hướng bán tháo bắt đầu diễn ra khi các nhà đầu tư lo ngại lạm phát tăng và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận