Sau khi thị trường liên tục bất ổn, tài khoản của nhiều nhà đầu tư chứng khoán bị âm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Hồ Quốc Tuấn (giảng viên Đại học Bristol, Anh) đánh giá những "lỗ hổng" và "khác lạ" của thị trường chứng khoán VN và đề nghị nhiều giải pháp. Ông khẳng định: Các điều kiện niêm yết trên các sàn chứng khoán chính của VN hiện nay như HNX (Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội), HoSE (Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM) theo tôi có nhiều điểm hạn chế.
Để ngăn chặn những vụ việc thao túng, lừa đảo chứng khoán, phải tăng mạnh các khung hình phạt, cũng như quy trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan quản lý thị trường có liên quan.
TS Hồ Quốc Tuấn
Chỗ cần lỏng thì quá chặt
* Chứng khoán VN chưa nhiều "hàng tốt" nhưng lại khá nhiều kẻ làm giá cổ phiếu. Vậy theo ông, bất cập này xuất phát từ đâu?
- Dù điều kiện không nhiều ràng buộc như sàn HoSE, nhưng ở sàn HNX doanh nghiệp start-up hay công nghệ khó có thể vào "vòng gửi xe". Bởi các quy định như tỉ lệ ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) năm liền trước năm đăng ký niêm yết bằng hoặc lớn hơn 5%, đồng thời doanh nghiệp cũng không lỗ lũy kế tính đến thời điểm đăng ký niêm yết.
Như vậy, hơn một nửa cổ phiếu trong danh sách 100 công ty phi tài chính hàng đầu niêm yết trên sàn Nasdaq Mỹ sẽ không đáp ứng được để niêm yết.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ở Mỹ có rất nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ vẫn được niêm yết, vì nhà đầu tư kỳ vọng vào tiềm năng tương lai.
Chẳng hạn, vào thời điểm giữa năm 2010, Hãng xe điện Tesla phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn Nasdaq, CEO Elon Musk chia sẻ: "Rất nhiều người đặt dấu hỏi: Tại sao chúng tôi đã IPO dù không có lãi?". 10 năm sau doanh nghiệp này vẫn không có lãi, có năm khoản lỗ lên gần 2 tỉ USD.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2022, Tesla đã công bố kết quả kinh doanh của cả năm 2021 với doanh thu 53,8 tỉ USD và lợi nhuận ròng lên mức kỷ lục 5,5 tỉ USD. Cùng Hãng xe điện Tesla, sản xuất tên lửa Space X, Elon Musk đã trở thành tỉ phú giàu nhất thế giới.
* Nhưng tại VN, nếu lỗ mà vẫn IPO và phát hành trái phiếu thì rủi ro sẽ rất lớn?
- Theo số liệu từ Statista, gần 27% số doanh nghiệp phát hành lần đầu trên một sàn chứng khoán Mỹ trong năm 2020 là đang có lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) âm trong ngày giao dịch đầu tiên.
Chính như trường hợp của Hãng dược phẩm Mỹ Moderna - đơn vị nghiên cứu vắc xin đã cứu được hàng triệu người trong đại dịch COVID-19, nếu không có COVID-19 thì họ vẫn đang đốt tiền. Trên sàn chứng khoán Mỹ hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp như vậy, trong đó dự kiến sẽ có một vài doanh nghiệp tạo ra đột phá trong chữa trị khớp gối, ung thư, tim mạch...
Như vậy, nếu doanh nghiệp làm ăn lỗ, không có doanh thu tốt, nhưng giá cổ phiếu tăng bằng lần và bị thanh tra liên tục thì chưa chắc thế giới đã có vắc xin Moderna, vì doanh nghiệp đã phải sống nhờ đốt tiền nhiều năm liền.
Như vậy, việc quá chặt chỗ cần lỏng đã khiến doanh nghiệp start-up, công nghệ... của VN bị "bít cửa" trên sàn chứng khoán, khó tìm được những doanh nghiệp đột phá. Vấn đề phải là khâu hậu kiểm.
Chỗ cần chặt lại buông lỏng
* Nhìn quy trình quản lý, xét duyệt lên sàn còn chặt hơn cả những thị trường phát triển trên thế giới, vậy theo ông, tại sao tình trạng thao túng, gian lận trên thị trường chứng khoán tại VN vẫn diễn ra?
- Vì nhiều "con voi" lại chui lọt lỗ kim một cách dễ dàng. Điển hình như việc công ty lên sàn chứng khoán nhưng vốn hóa thấp, dễ dàng bị thâu tóm, sau đó bị biến thành công cụ bơm thổi giá cổ phiếu. Hoặc một ai đó chỉ cần "bùa phép" số liệu kế toán, miễn làm theo đúng chuẩn mực kế toán thì kiểm toán có thể đồng ý cho qua, cơ quan chức năng có thể duyệt cho phát hành thêm cổ phiếu để "bán giấy lấy tiền".
Dù thị trường chứng khoán ở nhiều nước trên thế giới không buộc doanh nghiệp phải có lời mới được niêm yết, nhưng nhiều điều kiện khác lại không hề đơn giản, bao gồm: quản trị công ty, công bố thông tin, chuẩn mực kế toán...
Ví dụ, không phải qua bước kiểm toán là xong, hằng năm Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) đều có một đội ngũ đi sâu vào doanh nghiệp, để làm các thư nhận xét, khiến người đọc phải "đổ mồ hôi hột" về độ chuyên sâu liên quan kế toán, công bố thông tin, câu chữ trong báo cáo thường niên... Họ hậu kiểm rất chặt chẽ.
Cuộc đua giữa các "ông ma giáo" với các ông chạy theo phạt/bắt ở tù của thị trường chứng khoán Mỹ và nhiều nước thật sự rất gây cấn. Sẽ rất khó để thoải mái như ở VN, có lãnh đạo thị trường chứng khoán đi đánh golf vui vẻ với lãnh đạo doanh nghiệp, sau đó chính lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt để điều tra hành vi thao túng chứng khoán.
* Từ những đại gia bị bắt gần đây vì vi phạm trên thị trường chứng khoán, theo ông, vấn đề cần đặt ra là gì để quản lý thị trường tốt hơn?
- Thay vì đặt câu hỏi doanh nghiệp thua lỗ mà vì sao giá cổ phiếu tăng, tôi nghĩ rằng có nhiều cách tiếp cận đúng hơn, nhiều câu hỏi sau đây cần được đặt ra:
Vì sao vị chủ tịch doanh nghiệp niêm yết như FLC đã "bán chui" trước đây, bị bắt quả tang, bị phạt nhưng vẫn yên vị ở ghế chủ tịch lâu dài cho đến nay? Lấy ví dụ, từ tháng 11-2017 ông Trịnh Văn Quyết bán 57 triệu cổ phiếu nhưng không báo cáo thông tin giao dịch với Ủy ban Chứng khoán và HoSE.
Trên hết là một câu hỏi: Những người lãnh đạo thị trường chứng khoán đã phát huy hết vai trò giám sát của mình, để ngăn các "con voi" lại chui lọt các lỗ kim? Những "con voi" như FLC, Tân Hoàng Minh, "họ Louis"... có phải nhờ sân golf hay những nơi dành cho cuộc sống thượng lưu mà chui qua lỗ kim không?
* Vậy giải pháp nào để thanh lọc thị trường chứng khoán, bảo vệ tốt hơn nhà đầu tư và sự phát triển bền vững của thị trường?
- Việc xử lý vi phạm chứng khoán ở VN phải mạnh, đủ tính răn đe. Ví dụ, sau lần đầu ông chủ tịch công ty niêm yết "bán chui" cổ phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin sai sự thật... thì buộc phải phạt thật nặng, thậm chí "kéo" khỏi ghế chủ tịch như ông Elon Musk từng bị.
Giải pháp thứ hai là xử lý các xung đột lợi ích của công ty chứng khoán, ngân hàng trong phát hành, hay giúp bán các sản phẩm tài chính. Cần có một khung pháp lý rõ.
Mẫu hình có thể tham khảo là MiFid II của châu Âu: các công ty chứng khoán và ngân hàng cần phải công bố thông tin rõ về mâu thuẫn lợi ích của mình. Cần lưu ý là minh bạch thông tin chưa đủ, họ buộc phải có biện pháp hạn chế, giải quyết những xung đột lợi ích giữa bên yếu thế về thông tin (nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, trái chủ...) và doanh nghiệp phát hành, công ty chứng khoán, ngân hàng...
Quy định rõ ràng trong việc giám sát, hậu kiểm, tránh các xung đột lợi ích... sẽ góp phần dễ dàng xử phạt những ngân hàng, công ty chứng khoán và cả lãnh đạo cơ quan quản lý về việc tiếp tay cho việc lừa đảo trên thị trường chứng khoán.
Nhiều vấn đề cần đặt ra để xem xét
- Vì sao doanh nghiệp niêm yết vi phạm công bố thông tin liên tục nhưng bị phạt vài chục triệu rồi xong?
- Và vì đâu lại có những lỗ hổng để Công ty Tân Hoàng Minh phát hành không chỉ 1 lô mà lên đến 9 lô trái phiếu, bắt đầu từ tháng 7-2021 đến tháng 3-2022. Một quãng thời gian dài như vậy cơ quan quản lý không thấy vấn đề gì chăng?
- Rồi vì sao có công ty chứng khoán được trở thành "sân sau" cho các ông chủ thao túng cổ phiếu để thu lợi bất chính?
Trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, như 9 lô trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh có giá trị 10.030 tỉ đồng vừa bị hủy, trách nhiệm của các công ty chứng khoán và ngân hàng liên quan cũng phải đặt ra. Vì các đơn vị trên cũng được hưởng lợi, nhận các chi phí của đơn vị phát hành trái phiếu. Có không ít người dân mua trái phiếu, hoặc ký kết hợp đồng đầu tư trái phiếu, chỉ đơn giản vì tin tưởng tên tuổi của các công ty chứng khoán, ngân hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận