Thị trường chứng khoán vừa khép lại phiên đầu tuần với áp lực bán diễn ra trên diện rộng, sắc đỏ giảm điểm bủa vây khắp sàn giao dịch.
"Thanh khoản bán chủ động chiếm đến 80% tổng thanh khoản thị trường, cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn đang rất bi quan trước những thông tin không mấy tích cực của kinh tế thế giới", đội ngũ phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định sau khi vừa kết phiên hôm nay 20-3.
Diễn biến của chứng khoán Việt đồng pha với chứng khoán thế giới. Trong ngày, bán lẻ và hóa chất là hai ngành bị ảnh hưởng hàng đầu, với mức giảm gần 2%.
Sắc đỏ bao trùm nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc rổ VN30 (top 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn hàng đầu sàn TP.HCM) cũng đã tạo tiền đề tiêu cực, khiến chỉ số VN-Index liên tục mất điểm.
Top 3 mã chứng khoán gây ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số của sàn TP.HCM đều rơi vào ngành ngân hàng, gồm VCB (Vietcombank), BIDV (BIDV) và CTG (Vietinbank). Song song đó, nhiều cổ phiếu khác cũng bị nhà đầu tư bán ra như VHM (Vinhomes), HPG (Hòa Phát), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), SAB (Sabeco)...
Ở chiều ngược lại, thị trường vẫn ghi nhận được một số mã vẫn duy trì đà tăng, điển hình như VCF (Vinacafé Biên Hòa), PNJ (Vàng bạc đá quý Phú Nhuận), DCM (Đạm Cà Mau), KDC (Kido)... Tuy nhiên nhóm tăng điểm chỉ chiếm thiểu số, không đủ sức làm lật ngược tình thế.
Tương đồng với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài cũng tỏ ra thận trọng khi bán ròng với thanh khoản 317 tỉ đồng.
Kết phiên, chỉ số chứng khoán VN-Index giảm 22,04 điểm (-2,11%) xuống 1.023,1 điểm. Cả sàn HNX và sàn UPCoM cũng ghi nhận mức giảm lần lượt là 2,85 điểm (-1,39%) xuống 201,62 điểm và 0,41 điểm (-0,54%) lùi về 76,02 điểm. Tổng giá trị mua bán cổ phiếu trên toàn thị trường đạt xấp xỉ 10.990 tỉ đồng.
Về góc nhìn kỹ thuật, đội ngũ phân tích của VCBS nhận định chỉ số VN-Index cho thấy diễn biến tiêu cực của thị trường.
Bên cạnh đó, các chỉ báo đều đồng loạt cho tín hiệu tiêu cực báo hiệu cho nhịp giảm vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Đồng thời việc giảm điểm của thị trường vẫn còn có thể kéo dài.
Vì vậy, ngưỡng hỗ trợ gần nhất của thị trường hiện tại vẫn đang là vùng điểm 1.015 - 1.025 điểm.
"Nếu tình hình không được cải thiện và chỉ số chung giảm dưới khu vực này thì khi đó rủi ro sẽ ở mức báo động. Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động đưa tỉ lệ tài khoản về mức an toàn để có thể hạn chế tối đa rủi ro khi thị trường giảm điểm trong ngắn hạn, thay vì việc giải ngân bắt đáy sớm ở các vùng hỗ trợ", phía chứng khoán VCBS chia sẻ.
Ông Đinh Quang Hinh - trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, khối phân tích của Chứng khoán VNDirect - nhận định trong bối cảnh hiện nay, việc mua vào và nắm giữ cổ phiếu chỉ nên thực hiện với tầm nhìn dài hạn (6 tháng - 1 năm).
Trong khi đó, việc lướt sóng ngắn hạn tiềm ẩn rủi ro cao và chỉ phù hợp với những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Đồng thời, nên xem việc quản trị danh mục đầu tư là ưu tiên hàng đầu, duy trì tỉ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy (margin) ở giai đoạn hiện nay để kiểm soát rủi ro.
17 tỉ USD trái phiếu rủi ro của Credit Suisse bỗng thành giấy vụn sau thỏa thuận của UBS
Trái chủ của Ngân hàng Credit Suisse vừa hứng chịu thiệt hại nặng nề khi thương vụ thâu tóm của UBS (ngân hàng lớn nhất tại Thụy Sĩ) thổi bay gần như toàn bộ giá trị của 16 tỉ Francs (17,3 tỉ USD) trái phiếu rủi ro cao.
Theo thỏa thuận ký kết, UBS sẽ "ghi nhận giảm toàn bộ" trái phiếu cấp một bổ sung của Credit Suisse nhằm tăng vốn lõi (core capital), cơ quan giám sát tài chính Thụy Sĩ Finma cho biết trong tuyên bố trên website.
Trong khi đó, cổ đông của ngân hàng này dự kiến nhận được 3 tỉ Franc (khoảng 3,25 tỉ USD).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận