Thị trường bất ngờ đảo chiều sau 14h, kết phiên ngày 11-3, VN-Index đóng cửa về mốc 1.235 điểm, giảm gần 12 điểm (0,95%).
Thị trường chứng khoán phản ứng với thông tin về tín phiếu?
Thanh khoản hôm nay giảm so với phiên cuối tuần trước, nhưng tổng giá trị giao dịch cả ba sàn vẫn ở mức gần 27.000 tỉ đồng.
Trên HoSE, có 392 mã giảm điểm, 106 cổ phiếu tăng giá. Sự giảm điểm từ nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục tác động mạnh vào chỉ số chung.
Trong khi đó, 3 nhóm ngành tăng điểm mạnh nhất phiên sáng nay như viễn thông, truyền thông, hóa chất đều không ghi nhận đột phá về dòng tiền.
Trái ngược với xu hướng chung, sau 4 phiên bán ròng, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng gần 250 tỉ đồng trên HoSE.
Trên các diễn đàn về chứng khoán, nhà đầu tư thảo luận sôi nổi với thông tin phát hành tín phiếu mà Ngân hàng Nhà nước mới công bố ngày 11-3.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Trần Thị Khánh Hiền - giám đốc khối nghiên cứu của Chứng khoán MB (MBS) - cho rằng thị trường chứng khoán có sự điều chỉnh là khó tránh. Thứ nhất, thị trường chứng khoán thế giới cũng có sự điều chỉnh mạnh.
Hôm nay một số thị trường chứng khoán châu Á cũng ghi nhận sắc đỏ như: KOSPI (-0,77%), STI (-0,36%), SET (-0,33%), TWSE (-0,3%)...
Cũng theo bà Hiền, giai đoạn tháng 3 - 4 thường là thời gian "trống thông tin", thị trường khá "yếu" trong giai đoạn này.
"Khi thị trường yếu, bất kỳ thông tin gì bất lợi cũng đều khuếch đại và tác động tiêu cực. Thông tin Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu để hút VND chủ yếu làm giảm áp lực lên tỉ giá", bà Hiền bình luận. Trong khi tỉ giá hiện nay, bà Hiền cho rằng chỉ áp lực "mang tính thời điểm".
Nhiều chuyên gia chứng khoán cũng cho rằng hoạt động chào thầu tín phiếu chỉ tác động về mặt tâm lý đối với nhà đầu tư, còn chưa có gì đáng lo ngại.
Tỉ giá có đáng lo?
Bà Trần Thị Khánh Hiền dự báo tỉ giá chỉ biến động trong ngắn hạn. Còn cả năm nay, với xu hướng hạ nhiệt lãi suất USD, FDI giải ngân tăng, duy trì thặng dư thương mại thì áp lực tỉ giá sẽ giảm nhiệt.
Ngoài ra, bà Hiền cho rằng lãi suất thời điểm này thấp hơn năm ngoái rất nhiều. Do đó chứng khoán vẫn có sự hấp dẫn hơn nếu nhìn vào thị trường năm 2023.
Ông Trần Ngọc Báu - tổng giám đốc CTCP dữ liệu và công nghệ tài chính WiGroup - cho rằng tỉ giá biến động hiện tại chủ yếu là do thị trường vàng kéo theo và tâm lý găm giữ, chứ không hẳn do nhu cầu USD đột biến trong nền kinh tế thực.
"Trước mắt, tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước chưa cần can thiệp bằng công cụ, mà chỉ cần một mặt sớm có những quy định pháp lý đối với thị trường vàng, bình ổn được thị trường vàng sẽ là nguồn lực lớn nhất giúp bình ổn tỉ giá lúc này", ông Báu nói.
Ngoài ra, cần siết chặt quy định giao dịch ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng, tránh những tổ chức vì lợi ích ngắn hạn mà làm trái pháp luật và ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận