Một sàn ngập tràn sắc đỏ ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 8-5 - Ảnh: AFP
Ngày 10-5 là thời điểm ông Trump từng đe sẽ chính thức tăng mức áp thuế bổ sung từ 10% lên 25% với 200 tỉ USD hàng Trung Quốc mà nhiều khả năng trở thành sự thật.
Trong khi đó, phái đoàn do Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu tới Washington chỉ có 2 ngày ngắn ngủi để đàm phán. Thực tế khiến không ít chuyên gia lo ngại về khả năng hai bên khó có thể đạt được một thỏa thuận toàn diện và "tốt cho cả hai".
Ngập sắc đỏ
Các sàn tại châu Á ngập tràn sắc đỏ khi giá cổ phiếu đã rơi xuống mức thấp nhất 8 tuần qua trong phiên giao dịch ngày 9-5, trong lúc giới đầu tư bồn chồn chờ ngóng kết quả của vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung trong hai ngày 9 và 10-5 tại Washington.
Tâm trạng lo lắng này hoàn toàn không ngẫu nhiên khi ngay trước thềm sự kiện, trong khi phía Trung Quốc nói "cứng" sẽ có "các biện pháp đáp trả cần thiết" nếu Mỹ chính thức tăng áp thuế, thì phía Mỹ cáo buộc Bắc Kinh "lật lọng các điều khoản cam kết" và "sẽ phải trả giá" như tuyên bố của ông Trump.
Chiến lược gia thị trường của Deutsche Bank, ông Jim Reid, cho rằng thật khó có khả năng hai bên sẽ chịu nhún nhường trong thời gian ngắn ngủi như vậy. "Có thể trong vài tuần nữa, nhưng không thể trong vài ngày tới", ông nói với Reuters.
Vào thời điểm chốt phiên giao dịch 9-5, các cổ phiếu tại Hong Kong đều đã giảm sâu. Chỉ số Hang Seng giảm 692,13 điểm (2,39%), còn 28.311,07 điểm, thấp nhất kể từ 8-3. Như vậy, tính từ đầu tuần đến nay, tổng cộng chỉ số này sụt mất 5,9%. Trong khi đó, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản đã giảm hơn 1%, mức thấp nhất của chỉ số này kể từ 11-3.
Trong diễn biến chung, các cổ phiếu tại châu Âu cũng đã giảm trên diện rộng khi giới đầu tư ở đây cũng không lạc quan hơn ở châu Á. Theo Reuters, chỉ số STOXX 600 đã giảm 0,8% lúc 15h42 ngày 9-5 (giờ Việt Nam), đánh dấu mức thấp nhất trong vòng 4 tuần qua.
Cổ phiếu của các hàng hóa xa xỉ, chủ yếu đáp ứng nhu cầu thị trường Trung Quốc, như LVMH, Hermes, Gucci... cũng đã bị nhà đầu tư bán tháo tại châu Âu.
Tuy nhiên, cổ phiếu của các ngân hàng là nhóm bị ảnh hưởng nặng hơn cả, trong đó tập trung vào một vài ngân hàng lớn nhất của Ý. Các cổ phiếu hàng đầu của Anh cũng đã lao xuống mức thấp nhất trong 6 tuần qua trong phiên giao dịch 9-5 dưới sức ép của thương chiến Mỹ - Trung.
Bán tháo cổ phiếu
Các nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu cổ phần tại Trung Quốc rõ ràng như "ngồi trên lửa" trong bối cảnh hai phái đoàn thương mại Mỹ - Trung bước vào kỳ họp 2 ngày tại Washington.
Thực tế cho thấy họ đã không thể bình thản "tọa sơn quan hổ đấu" nữa. Nhiều người đã chọn cách bán tháo cổ phiếu để bảo tồn tối đa lợi nhuận ở thời điểm "tranh tối tranh sáng", khi chưa có một quyết định hay thỏa thuận chính thức nào được đưa ra từ cả 2 bên.
Ngày 9-5, thị trường chứng khoán Trung Quốc rơi luẩn quẩn mức gần thấp nhất trong khoảng 2,5 tháng qua. Theo Hãng tin Bloomberg, trong tuần này nhóm các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trung bình 3,8 tỉ nhân dân tệ (558 triệu USD) cổ phiếu đại lục mỗi ngày thông qua việc kết nối giao dịch với sàn chứng khoán Hong Kong.
Tình trạng này tiếp tục mở rộng xu thế bán tháo cổ phiếu từ tháng 4 khi những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn trong tình thế khó đoán định.
"Giới đầu tư nước ngoài đã chọn "chốt" lợi nhuận dựa trên tình thế không chắc chắn trong quan hệ Mỹ - Trung" - ông Li Bin, nhà quản lý quỹ tại Thượng Hải thuộc Công ty Capital Corise Asset Management, nhận định. "Các mức giảm lớn hơn của chỉ số SSE 50 có thể là hậu quả từ tình trạng rút vốn liên tục của nhà đầu tư nước ngoài", ông tiếp.
1.000 tỉ USD
Từ các mốc điểm cao trong tháng 4 cho tới khi chốt phiên ngày 8-5, gần 1.000 tỉ USD vốn hóa đã "bốc hơi" khỏi các thị trường chứng khoán của Trung Quốc đại lục, theo tính toán của Hãng tin Bloomberg.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận