Chủ tịch Fed tại bang St. Louis James Bullard cho biết ngân hàng trung ương sẽ cân nhắc việc hoãn mua trái phiếu chính phủ, nhằm ngăn chặn suy giảm kỳ vọng lạm phát - Ảnh: Bloomberg |
Chứng khoán châu Á đã thoát khỏi mức sàn 6 tháng sau khi một quan chức Cục Dự trữ liên bang (Fed) cho biết ngân hàng trung ương sẽ cân nhắc hoãn thời điểm kết thúc mua trái phiếu, đồng thời số liệu khả quan của Mỹ cũng giảm bớt lo ngại về nền kinh tế toàn cầu.
Lúc 9 giờ 01 phút ngày 17-10 (giờ Tokyo), chỉ số MSCI Asia Pacific Index tăng 0,1% lên 134,93 sau khi đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 25-3 vào hôm qua.
Chỉ số này đang hướng đến chuỗi giảm 6 tuần liên tiếp do tình hình phục hồi chậm chạp ở Trung Quốc và châu Âu đe dọa tăng trưởng toàn cầu, cộng với áp lực tăng lãi suất từ Fed.
Chỉ số Topix Nhật Bản tăng 0,1%, chỉ số Kospi Hàn Quốc tăng 0,2%, chỉ số NZX 50 Index New Zealand tăng 0,3%, chỉ số S&P/ASX 200 Index của Úc tăng 0,3%. Các sàn chứng khoán Trung Quốc và Hongkong chưa mở cửa.
Chỉ số Standard & Poor’s 500 Index kỳ hạn tăng 0,3%. Chỉ số này trong ngày 15-10 không thay đổi nhiều sau khi tăng lại 1,5%.
Trong khi chứng khoán tăng trở lại thì vàng và các kim loại khác lại mất giá. Hôm 16-10, vàng giao tháng 12 - hợp đồng giao dịch nhiều nhất - đóng cửa ở mức 1.241,30 USD/ounce, giảm 3,50 USD (khoảng 0,28%).
Giá vàng gần đây tăng do các nhà đầu tư đang tìm kiếm nơi trú ẩn tài sản an toàn trong bối cảnh lo ngại về sức khỏe của kinh tế toàn cầu, lãi suất Mỹ và các ổ dịch Ebola.
Vàng hôm 15-10 có lúc tăng đến 1.249,75 USD/ounce - cao nhất kể từ ngày 11-9 - từ mức sàn năm 2014 là 1.183,24 USD/ounce đạt được hôm 6-10.
Các kim loại quý khác sử dụng trong ngành công nghiệp, như platinum and palladium, cũng giảm mạnh do lo ngại kinh tế toàn cầu trì trệ.
Platinum giao tháng 1-2015 giảm 7,30 USD, khoảng 0,58%, còn 1.253,650 USD/ounce, palladium giao tháng 12 giảm 2,3% còn 746,90 USD/ounce. Bạc kỳ hạn tháng 12 giảm còn 17,43 USD/ounce.
Tốc độ sản xuất của các nhà máy Mỹ đã tăng trở lại, đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất 14 năm và niềm tin của các hộ gia đình tăng cao nhất sau 2 năm.
Đây là những dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đứng bên lề cuộc suy thoái toàn cầu.
Kinh tế châu Âu hôm 16/10 đã rớt xuống đáy thấp nhất năm 2014, chỉ số chứng khoán ghi nhận chuỗi ngày sụt giảm dài nhất trong 11 năm vì các nhà đầu tư lo sợ khủng hoảng tài chính đang trở lại với các quốc gia ngoại vi trong khu vực. Dù vậy, chỉ số Stoxx Europe 600 Index cũng tăng trở lại 2,9% nhờ phát biểu của ông Bullard.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận