Thị trường chứng khoán vừa trải qua tuần giao dịch (từ ngày 18 đến 22-3) nhiều cảm xúc. Đầu tuần, VN-Index xuất hiện nhịp điều chỉnh mạnh, có lúc "rơi" gần 50 điểm.
Nhưng với lực hỗ trợ quan trọng thị trường là dòng tiền bắt đáy, thanh khoản mức kỷ lục gần 48.000 tỉ đồng, chỉ số chung lấy lại cân bằng.
Cuối tuần, áp lực chốt lời tăng mạnh nhưng lực mua đỡ giá với thanh khoản lớn. Thị trường đóng cửa ở vùng 1.281,8 điểm - tương ứng giá cao nhất từ tháng 8-2022 đến nay.
Hơn 1,1 tỉ cổ phiếu "sang tay"
Theo thống kê từ SHS, tổng giá trị giao dịch trên tuần thanh khoản trên HoSE đạt 151.877 tỉ đồng, tăng mạnh với mức 20,4% so với tuần trước.
Như vậy, tuần qua giao dịch có thanh khoản ở mức kỷ lục khi trung bình hơn 30.000 tỉ đồng/phiên. Khối lượng giao dịch hơn 1,1 tỉ cổ phiếu/phiên, chỉ thua kém tuần giao dịch cao nhất lịch sử vào tháng 11-2021.
Trong tuần, nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực dẫn dắt thị trường phục hồi sau phiên giảm mạnh, vượt lên vùng đỉnh năm 2023 với nhiều mã tăng mạnh. Theo đó, TCB (+8,45%), VIB (+7,56%), MBB (+5,25%), BID (+3,83%)... Ngược lại, NAB (-2,13%), ABB (-1,22%), SSB (-1,11%)...
Trong khi các mã dịch vụ tài chính, chứng khoán phân hóa mạnh hơn, như VFS (-6,64%), IVS (-6,47%), FTS (-3,75%), VIX (-3,12%)... Ngược lại, CSI (+4,91%), SHS (+4,71%), VND (+3,18%)...
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng là động lực chính trong tuần qua khi nhiều mã tăng giá mạnh, vượt vùng giá đỉnh gần nhất, thanh khoản rất đột biến. Nổi bật với HPX (+37,18%), DIG (+12,11%), PDR (+12,10%), TCH (+12,03%), DXG (+8,47%)...
Quyền lực của Fed?
Tuần qua, chứng khoán đón nhận nhiều thông tin quan trọng. Trong đó, tâm điểm là quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25 - 5,5%, dự kiến giảm lãi 3 đợt trong năm nay của Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ).
Sau tín hiệu "bồ câu" của Fed, không chỉ chứng khoán Mỹ, thị trường toàn cầu bứt phá đi lên. Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng một mạch hơn 16 điểm (tương đương 1,3%) lên 1.276 điểm.
Fed đã nâng lãi suất 11 lần kể từ tháng 3-2022 để kiềm chế lạm phát ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Ảnh hưởng dễ thấy đến Việt Nam là lãi suất VND lập tức chịu áp lực. Lãi suất USD tăng cũng gây áp lực lên nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể bị tác động. Một phần hiện tượng rút ròng ở thị trường chứng khoán Việt Nam được lý giải bởi lãi suất USD - VND.
Đồng USD mạnh cũng gây áp lực tỉ giá hối đoái của Việt Nam. Nhìn lại biến động tỉ giá cao điểm năm 2022, 2023 và sang đầu năm 2024, sẽ thấy phần nào tác động chính sách duy trì lãi suất cao của Fed.
Ngoài ra, tình hình tài chính toàn cầu thắt chặt hơn cũng làm giảm triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Rõ nhất, việc Fed tăng lãi suất đồng USD làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Đến phiên họp hôm 20-3 vừa qua, Fed quyết định không nâng lãi suất. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 5,25 - 5,5% - vẫn cao nhất 22 năm.
Việc ngừng tăng lãi suất của Fed được nhận định sẽ tạo ra một môi trường lãi suất quốc tế ổn định hơn, giảm bớt áp lực tăng lãi suất ở Việt Nam. Các ngân hàng có dư địa, củng cố thêm xu hướng giảm lãi suất huy động và cho vay.
Ở góc độ tích cực, động thái của Fed sẽ góp phần giảm áp lực mất giá đồng Việt Nam (VND), giúp tỉ giá VND/USD ổn định trong thời gian tới. Tỉ giá ổn định sẽ có lợi cho việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) vào Việt Nam.
Nhìn chung, về nguyên lý, lãi suất thấp có lợi cho thị trường chứng khoán và nhà đầu tư sẽ "cuốn" nhiều hơn vào tài sản rủi ro, trong đó có cổ phiếu. Dù Fed nói chưa thể tự tin là đã thắng trong cuộc chiến chống lạm phát, nhưng những phát biểu của quan chức Fed vẫn mang lại kỳ vọng hơn cho giới đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận