Vì sao chứng khoán bị bán tháo diện rộng?
Giới đầu tư vừa phải trải qua phiên giao dịch đầu tuần "dầu sôi lửa bỏng", toàn thị trường có gần 900 mã cổ phiếu bị rớt giá, chỉ số VN-Index giảm gần 40 điểm, lùi về mốc 1.153 điểm. Như vậy chỉ trong ba phiên gần đây, chỉ số chứng khoán này đã bị rớt một mạch tổng cộng tới 73 điểm.
Nhìn vào diễn biến giao dịch, ông Bùi Văn Huy - giám đốc chi nhánh TP.HCM thuộc Công ty Chứng khoán DSC - nhận định: "Việc thị trường chứng khoán giảm mạnh trong phiên hôm nay là điều có thể dự báo trước, bởi nền kinh tế thế giới và Việt Nam đều đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức lớn".
Đầu tiên, tình hình thế giới, cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào cuối tuần trước đã thể hiện khả năng sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất vào cuối năm nay nhằm kiểm soát lạm phát.
Do đó từ nay đến giữa năm 2024, mặt bằng lãi suất có thể vẫn neo cao, sau đó mới hạ dần. Điều này đã khiến giới đầu tư phản ứng, chứng khoán chao đảo. Đối lập, đồng USD liên tục tăng giá, lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng mạnh.
Tiếp đến, với thị trường trong nước, gần đây động thái hút ròng của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở - thông qua phát hành tín phiếu, thể hiện thực trạng quá thừa tiền nhưng không đẩy ra nền kinh tế được, nền kinh tế khá yếu, kèm theo dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ không còn nhiều. Động thái này làm nhà đầu tư chứng khoán quan ngại.
Song song đó, thời gian qua nhiều cổ phiếu ngành bất động sản, đặc biệt là nhóm cổ phiếu đầu cơ bị đẩy lên giá cao, nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn lại quá yếu.
Chưa kể, nhiều nhà đầu tư thích vay ký quỹ (margin) qua các "kho hàng", nhưng hiện nay tình trạng kho đã bị căng cứng cục bộ. Thị trường giảm sâu trong nhiều phiên liền cũng khiến giá nhiều cổ phiếu rơi mạnh theo. Phiên lao dốc hôm nay đã khiến không ít người bị call margin (gọi ký quỹ).
Tất cả những yếu tố trên hợp lại khiến thị trường chứng khoán Việt trở nên chao đảo, giảm sâu.
Vẫn còn cơ hội kiếm lời ở "trận đánh mới", nhưng trước hết phải "sống sót"
Thuộc khối phân tích của Chứng khoán Mirae Asset, bà Trần Ngọc Thúy Vy cho biết phiên giao dịch giảm điểm kèm thanh khoản giảm hôm nay khiến điểm số kỹ thuật của VN-Index rơi xuống mức tiêu cực. Hiện tại định giá cổ phiếu P/E của thị trường Việt Nam đang nằm mức 16,4, cao hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia.
Chứng khoán Vietcap cho rằng trạng thái bị bán quá mức cũng như vùng hỗ trợ mạnh có thể góp phần thúc đẩy lực mua từ vùng giá thấp. Song VN-Index cần thêm những nỗ lực mua vào để có thể tạo vùng cân bằng.
Phía FiinTrade cũng lưu ý cần thận trọng, khi hầu hết cổ phiếu có thanh khoản tốt đã vượt đỉnh nửa năm hoặc thậm chí là một năm, dù sự cải thiện nền tảng cơ bản của các doanh nghiệp niêm yết chỉ mới dừng ở mức "kỳ vọng".
Về chiến lược, chuyên gia Bùi Văn Huy cho rằng nhà đầu tư cần nhanh chóng hạ tỉ lệ vay ký quỹ (margin), cũng như tranh thủ các nhịp điều chỉnh để giảm tỉ trọng cổ phiếu, đặc biệt là những mã mang tính đầu cơ, từ đó cơ cấu lại danh mục, kiểm soát rủi ro.
Trước khi xác định được điểm cân bằng và hồi phục chính thức, thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ giảm sâu nữa. Những nhà đầu tư đang nắm trong tay nhiều tiền mặt có thể chuẩn bị tâm thế dần để bước vào "sóng lớn, trận đánh mới".
"Bây giờ chưa phải là điểm vào thuận lợi nhưng sau giai đoạn này sẽ có cơ hội "làm ván mới". Cơ hội kiếm lời vẫn còn, quan trọng là ai "sống sót" đến cùng", ông Huy cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận