Sau chuỗi giảm mạnh, VN-Index có tuần giao dịch nhiều biến động.
Nửa đầu tuần chịu áp lực bán cao từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, về 1.020 điểm. Đây gần như là vùng giá thấp nhất tính từ đầu năm 2023.
Tuy nhiên, sau đó thị trường phục hồi trở lại với phiên tăng gần 36 điểm hôm 2-11. Kết thúc tuần, VN-Index tăng 1,52% lên mức 1.076,78 điểm.
Những cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần
Dù thị trường chung tốt lên, nhưng nhiều cổ phiếu vẫn "ngược sóng", giá giảm mạnh sau 1 tuần. Thống kê trên UpCOM, mã HAF của CTCP Thực phẩm Hà Nội giảm gần 54% giá trị. Kết phiên cuối tuần (3-11), HAF ở vùng giá 17.600 đồng/cp.
Tiếp sau, SVG của Công ty CP Hơi Kỹ nghệ Que hàn giảm hơn 48% tuần qua, thị giá hiện tại còn 2.900 đồng/cp.
Nhiều mã khác trên UpCOM cũng ghi nhận mức giảm lớn sau một tuần như KHW của Cấp thoát nước Khánh Hòa (-29,39%); ILS của Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Quốc tế (-28,46%);
L63 của Lilama 69-3 (-26,98%); UPH của Dược phẩm TW 25 (-24,05%); HOT của Du lịch Dịch vụ Hội An (-23,6%); SKN của Nước giải khát Sanna Khánh Hòa (-22,73%); H11 của Xây dựng HUD101 (-21,57%)…
Còn trên HNX, VC7 của Tập đoàn BGI gây chú ý khi giảm 20%, thị giá về 3.500 đồng/cp. Một số mã khác cũng giảm khá biên độ lớn, như BTW của Cấp nước Bến Thành (-16,62%); HAT của Thương mại Bia Hà Nội (-13,82%);
VC6 của Xây dựng và Đầu tư Visicons (-13,69%); C69 của Xây dựng 1369 (-13,16%); DTG của Dược phẩm Tipharco (-11,17%)…
Trên HoSE, FDC của Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP.HCM "bay hơi" 17,76% thị giá sau một tuần. Trong khi nhiều mã khác mức độ giảm cũng không kém như: PMG của Đầu tư và Sản xuất Petro Miền Trung (-15,56%);
HU1 của Đầu tư và Xây dựng HUD1 (-14,47%); MDG của CTCP Miền Đông (-14,37%); CLW của Cấp nước Chợ Lớn (-13,27%); DQC của Điện Quang (-12,91%); SVD của Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng (-12,5%); VAF của Phân lân Nung chảy Văn Điển (-11,74%)…
Nhịp hồi chưa phải "uptrend"
Theo nhận định của đội ngũ phân tích Chứng khoán SHS, thị trường vẫn đang vận động lỏng lẻo và sẽ cần nhiều thời gian để tìm đến khu vực cân bằng cho quá trình tích lũy.
Với trạng thái hồi phục kỹ thuật sau khi rơi vào trạng thái quá bán mạnh, chuyên gia SHS kỳ vọng "sóng hồi" sẽ hướng tới vùng cân bằng trên 1.100 điểm, trường hợp thiếu tích cực thì vùng tích lũy mới trong khoảng 1.000 - 1.100 điểm.
Chuyên gia SHS cũng cho rằng, nhìn chung các hoạt động kinh tế trong nước thường diễn biến sôi động nhất quý cuối năm. Bức tranh kết quả kinh doanh quý 3 các doanh nghiệp niêm yết cũng đang cho tín hiệu tích cực trở lại.
Tuy nhiên, Fed và ECB dù dừng tăng lãi suất nhưng vẫn còn duy trì ở mức cao và chưa rõ về lộ trình giảm. Thêm nữa, những bất ổn địa chính trị trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp khiến cho giá năng lượng khó lường trong khi mùa đông đang tới gần.
"Với tình trạng vĩ mô hiện tại, nếu thị trường tìm đến điểm cân bằng và tạo nền tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là phù hợp", chuyên gia SHS nhận định.
Cũng theo chuyên gia SHS, nếu tuần tới VN-Index tiếp tục hồi phục nhà đầu tư ngắn hạn có thể giải ngân nhưng với quan điểm thận trọng. Bởi nhịp hồi không phải là xu hướng "uptrend" (tăng giá) tiếp diễn nên sẽ có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào.
Còn trong trung, dài hạn thị trường dù mất xu hướng "uptrend", nhưng sẽ đi tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại, nên rủi ro trung dài hạn thấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận