Mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm
Lãi suất huy động trung bình 12 tháng trong tháng 7-2023 đang rơi vào khoảng 7,3%, giảm 30 điểm cơ bản (0,3%) so với tháng 6 và 230 điểm cơ bản so với cuối năm 2022.
Hoạt động sản xuất kinh doanh không sôi động, nhu cầu tín dụng yếu khiến cho lãi suất cho vay liên tục giảm và thanh khoản của hệ thống ngân hàng dư thừa trong tháng 7. Lãi suất liên ngân hàng đang nằm ở vùng 0,2 - 0,3%, tương đương với giai đoạn COVID-19 2020 - 2021.
Kết quả kinh doanh chưa tăng tốc
Tính đến ngày 8-8 có 98% doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh quý 2-2023. Trong đó, tổng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tiếp tục giảm -3,9% và -12,7% so với quý 2-2022.
Tình trạng doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng âm do nhu cầu yếu, đơn đặt hàng mới suy giảm rất giống với giai đoạn cao điểm dịch COVID.
Điều tích cực là tốc độ giảm đã thu hẹp đáng kể và có khả năng tạo đáy, cho thấy các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đang dần phản ánh vào thực tế.
Ngân hàng Nhà nước thận trọng với xu hướng giảm lãi suất
Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những thông điệp thận trọng hơn khi tính đến những rủi ro về mặt ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo SSI Research, vì chính sách tiền tệ của Việt Nam đang đi ngược lại với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới nên Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh chỉ hạ lãi suất điều hành khi có điều kiện phù hợp.
Mục tiêu lớn hơn là thúc đẩy các ngân hàng thương mại cổ phần tiết giảm chi phí, qua đó hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với dòng vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không hạ chuẩn tín dụng.
Xu hướng thị trường chứng khoán sắp tới
SSI Research cho rằng sự phục hồi lợi nhuận trong hai quý cuối năm đi kèm với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là động lực cho thị trường chứng khoán duy trì xu hướng tăng ổn định trong trung và dài hạn.
Tuy nhiên, rủi ro điều chỉnh ngắn hạn vẫn còn do cung chốt lời và nút thắt thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết triệt để, cộng với biến động của tỉ giá có thể khiến thị trường chứng khoán biến động mạnh hơn trong giai đoạn tới.
Dòng tiền có dồi dào như thời COVID-19?
Với góc nhìn thận trọng về xu hướng thị trường, ông Lê Thế Tài - chuyên viên tư vấn ở Mirae Asset - nêu quan điểm: "Theo tôi, thời điểm này dòng tiền khác với giai đoạn 2020 - 2021. Khi dịch COVID mới diễn ra, tiền tiết kiệm trong dân vẫn còn nhiều, thời điểm đó không kinh doanh được nên cá nhân và tổ chức chọn chứng khoán làm kênh đầu tư chính.
Còn hiện tại, sau cơn sóng bất động sản, sóng chứng khoán và một giai đoạn kinh doanh kém thì dòng tiền đã không còn như trước, mà chỉ một số ít người còn dư dả, tiền từ quỹ ngoại cũng không dồi dào. Lãi suất hiện tại dù đã giảm nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với năm 2020 - 2021".
Ông Vũ Hải Đăng - trưởng phòng tư vấn chứng khoán VPS - nhận định cuối năm ngoái, giai đoạn lãi suất huy động tăng nóng là từ tháng 10-2022 đến 1-2023.
Thông thường, người gửi tiền thường chọn các mốc gửi ngắn hạn từ 6 tháng tới dưới 1 năm để gửi tiền, cho nên khoảng thời gian cuối tháng 6 tới cuối năm 2023 sẽ có khối lượng đáng kể tiền gửi đáo hạn.
Thực tế thấy rằng thanh khoản trên HOSE đầu năm 2023 chỉ chững 7.000 - 8.000 tỉ/phiên thì nay đã duy trì thường xuyên duy trì ở mức 15.000 - 20.000 tỉ/phiên.
Với xu hướng lãi suất điều hành, lãi suất huy động - cho vay còn tiếp tục xu hướng giảm thì dòng tiền sẽ hướng về các kênh đầu tư hiệu quả hơn trong đó có thị trường chứng khoán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận