Thị trường chứng khoán VN đã có phiên giao dịch giảm sâu (ảnh chụp tại sàn của Công ty cổ phần chứng khoán Maybank Kim Eng chiều 24-6) - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Sau đó, VN-Index đóng cửa bằng một phiên giao dịch đỏ lửa dù về cuối phiên, thị trường dần dần lấy lại sự bình tĩnh, rút ngắn đà giảm để leo lên lại mốc trên 620 điểm. Giao dịch sôi động, thanh khoản đạt mức cao lên tới hơn 4.800 tỉ đồng.
Ông Phan Dũng Khánh, giám đốc tư vấn đầu tư Công ty CK Maybank Kim Eng, cho rằng chứng khoán VN đã bị rung rắc mạnh nhất do bị... bất ngờ. Trong buổi sáng, hầu hết các nhà đầu tư VN đều tin Anh sẽ ở lại với EU. Vì vậy, khi kết quả đi ngược lại dự đoán, thị trường bấn loạn ngay tức thì, nhà đầu tư thi nhau bán tháo.
Tuy nhiên, vẫn có những nhà đầu tư khá bình tĩnh, xuất hiện bắt đáy mua vào gần cuối phiên, dù vẫn chưa thật ổn định. Điều này giải thích cho thanh khoản thị trường tăng đột biến trong chiều qua.
Bảng Anh, EUR lao dốc
Giá bảng Anh, EUR bán ra tại các ngân hàng đã giảm khá mạnh vào trưa 24-6. Tại Eximbank, giá bán bảng Anh còn 31.142 đồng, giảm 2.112 đồng so với cuối ngày hôm trước. Giá mua vào còn 30.587 đồng. Tại Vietcombank, giá bán bảng Anh giảm hơn 2.155 đồng, bán ra chỉ còn 31.155,75 đồng. Trong khi đó đồng EUR cũng giảm giá khá nhanh. Chiều 24-6, Eximbank niêm yết giá bán ra còn 25.107 đồng/EUR, giảm 383 đồng so với ngày trước.
Giá vàng cũng trải qua cơn địa chấn. Giá vàng tại VN giảm nhanh, từ mức 35,9 triệu đồng chỉ còn 35,1 triệu đồng/lượng vào cuối ngày 24-6.
Chênh lệch giữa giá mua - bán lên đến 500.000 đồng/lượng. Thời điểm giá vàng biến động mạnh nhất là vào buổi trưa, tuy nhiên theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, thị trường chỉ sôi động ở chiều bán do người dân đã mua vàng trước đây tranh thủ chốt lời.
Chuyên gia kinh tế Lê Trọng Nhi cho rằng việc Anh rời EU sẽ làm USD mạnh lên, gây áp lực lên tỉ giá đồng VN, và Ngân hàng Nhà nước có thể phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn trong điều hành tỉ giá. Tuy nhiên, ông Nhi cho rằng thị trường sẽ nhanh chóng tự điều chỉnh để thích nghi với bối cảnh mới.
Giao thương chưa bị tác động
Về góc độ thương mại, nhiều chuyên gia cho rằng giao thương giữa VN và Vương quốc Anh sẽ “gập ghềnh” hơn một chút nhưng trong ngắn hạn vẫn chưa tác động nhiều.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), ông Vũ Đức Giang, nhận định việc Anh rời EU sẽ ảnh hưởng nhất định đến tiến trình thực hiện Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU và VN trong thời gian tới. Tuy nhiên, xuất khẩu dệt may của VN sang Anh chiếm tỉ trọng khá nhỏ, hiện chỉ khoảng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành vào EU.
Còn ông Nguyễn Đức Thuấn, chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách VN (Lefaso), cho biết thị trường xuất khẩu giày dép, túi xách của VN không bị ảnh hưởng gì nặng nề do thị phần vào Anh không nhiều so với các quốc gia khác trong khối EU.
* Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI (phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính): Tác động không nhiều Tôi cho rằng thị trường chứng khoán VN giảm điểm mạnh, sau đó đã gượng lại, có mức giảm điểm ít hơn do dòng tiền vào mua khá mạnh, đã cho thấy các nhà đầu tư cũng không nghĩ Anh rời EU sẽ tác động mạnh tới VN. Chúng tôi theo dõi rất kỹ, bản thân các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cũng bán ròng không nhiều. Việc đồng bảng yếu đi sẽ thuận lợi cho rất nhiều người muốn du lịch, học hành ở Anh. Nói chung, tác động tới VN tôi cho rằng không lớn. * Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực: Cần chuẩn bị cả kịch bản xấu Theo tôi, việc Anh rời EU sẽ ảnh hưởng tới VN, dù không quá lớn nhưng sẽ không chỉ ngắn hạn mà cả lâu dài. Bởi khi Anh ra đi, đồng EUR có thể giảm giá, đồng bảng giảm giá thì xuất khẩu của VN sang EU sẽ khó khăn và đắt đỏ hơn bởi chúng ta chủ yếu xuất khẩu và dùng đồng USD thanh toán. Tiếp theo, Deutsch Bank của Đức dự báo tăng trưởng của Anh sẽ giảm 0,9%, EU giảm 0,2% so với dự kiến trước đây. Kinh tế khó khăn hơn thì tiêu thụ hàng hóa cũng sẽ ít hơn, ảnh hưởng đến xuất khẩu của nhiều nước, trong đó có VN. Trước khả năng tác động ngắn và dài hạn như thế, tôi cho rằng các cơ quan chức năng VN cần theo dõi kỹ tình hình để có kịch bản và điều chỉnh kịp thời, kể cả tính đến những phương án xấu nhất. Yếu tố tâm lý rất quan trọng, vì vậy nếu các thị trường có biến động mạnh cần có can thiệp nhanh, dứt khoát, như Nhật vừa làm (bơm tiền vào hệ thống), không chỉ với thị trường chứng khoán mà cả với thị trường vàng, ngoại tệ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận