Mở cửa phiên sáng nay, VN-Index giằng co quanh mốc tham chiếu. Sau hơn 10h, thị trường bất ngờ sụt giảm mạnh hơn, có lúc rơi hơn 20 điểm trước sức ép từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Hết phiên sáng, chỉ số đại diện sàn TP.HCM giảm 18 điểm, rơi sâu xuống mốc 1.264 điểm. Riêng VN30 giảm 22 điểm. Hai sàn còn lại HNX và UPCoM cùng xu hướng giảm điểm trước áp lực bán mạnh.
Toàn thị trường có tới 530 mã giảm điểm, đối trọng với 220 mã tăng giá. Nhóm cổ phiếu GVR (-3,6%), HPG (-2,24%), VPB (-1,5%), FPT (-1,69%), MBB (-2,77%), CTG (-1,7%)… là "thủ phạm" kéo điểm số chung thị trường đi xuống.
Ngược lại, VCB ( 0,7%), POW ( 2,4%), VIC ( 0,12%), VRE ( 0,5%)… nằm trong nhóm có công nâng đỡ thị trường sáng nay.
Nếu phân theo nhóm ngành, chứng khoán đứng top đầu bị "xả" mạnh, giảm tới 3,86% sau nửa ngày giao dịch.
Trong đó, MBS (-6,63%), CTS (-6,3%), VCI (-4,67%), HCM (-3,73%), SSI (-2,68%)… Hiếm hoi có VND của VNDirect giữ được sắc xanh, nhưng mức tăng không đáng kể với 0,6%.
Kết phiên, dòng tiền đã rút mạnh ra khỏi nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, khối lượng giao dịch đạt gần 97 triệu đơn vị với áp lực bán lớn hơn.
Ngoài nhóm cổ phiếu chứng khoán, công nghệ thông tin với cổ phiếu dẫn dắt là FPT cũng không thoát khỏi xu hướng tiêu cực chung của thị trường.
Trong khi đó, ngành bất động sản và xây dựng có sự phân hóa khá mạnh. Loạt cổ phiếu như VIC, VRE, DIG, KBC, ITA… tăng giá tốt. Còn lại VHM, BCM, NVL, KDH, NLG… có sự điều chỉnh.
Vì sao chứng khoán rớt mạnh đầu tuần?
Xu hướng tiêu cực của VN-Index diễn ra ngay đầu tuần. Trước đó, chỉ số chung đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần biến động trong biên độ hẹp.
Nếu xét theo vốn hóa, tỉ trọng phân bổ dòng tiền tăng ở nhóm vốn hóa vừa và duy trì ở nhóm vốn hóa lớn VN30, trong khi quay đầu giảm ở nhóm vốn hóa nhỏ. Cũng cần lưu ý, nhóm vốn hóa nhỏ vừa qua tăng rất "nóng", tạo nên "sóng" trên UpCOM.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Bảo Ngọc - phó tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết - cho rằng những nhóm cổ phiếu tăng quá đà và không lý do, điều chỉnh là khó tránh, nhà đầu tư cần thận trọng.
Với phiên sáng nay, ông Ngọc cho rằng rủi ro xuất hiện ở nhóm các cổ phiếu đầu cơ tăng nhiều. Trong khi đó, các mã của doanh nghiệp giảm sẽ là cơ hội xem xét giải ngân.
Một số chuyên gia cũng lưu ý với khả năng mốc 1.265 bị "đâm thủng", khả năng VN-Index có thể rơi về 1.250-1.255. Đây là vùng hỗ trợ, kích cầu bắt đáy.
Việc điều chỉnh của thị trường được giải thích do tuần này các quỹ chốt NAV và các công ty chứng khoán chốt dư nợ cho vay ký quỹ (margin) quý 2. Điều này có thể gây ra áp lực rung lắc ngắn hạn.
Một số quan điểm giải thích giai đoạn này thị trường cũng đang thiếu thông tin hỗ trợ, áp lực điều chỉnh cao là khó tránh trong bối cảnh tỉ giá "nóng" trở lại, thị trường chứng khoán trong khu vực cũng không mấy tích cực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận