26/06/2018 18:14 GMT+7

Chung cư: người cởi mở, kẻ lặng lẽ... áp dụng chung một quy tắc?

M.C - L.SƠN
M.C - L.SƠN

TTO - Một hộ gia đình khi chuyển sang chung cư khác ở cũng "không yên" với hàng xóm chung cư cũ khi phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi: Sao lại phải bán nhà? Vỡ nợ phải bán hay "trúng quả"?

Chung cư: người cởi mở, kẻ lặng lẽ... áp dụng chung một quy tắc? - Ảnh 1.

Trẻ em vui chơi ở khu vực công cộng tại một chung cư ở Q.7, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Rồi  khi ông này không chấp nhận sinh hoạt giao lưu nhà này - nhà kia ở đó. Ông không chấp nhận cả tiếng trẻ con vui mừng khi cha mẹ về...

Cách sống này ngay lập tức có nhiều bạn đọc ủng hộ, như bạn Khang: "Tôi cũng không thích ồn ào tí nào. Mỗi người mỗi giờ giấc sinh hoạt khác nhau. Cứ giỡn la um sùm ảnh hưởng người khác".  Bạn Bích Anh cũng đồng tình và đưa ra giải pháp: "Tôi rất ghét sự ồn ào, vô ý thức. Mình có thể làm bất cứ việc gì miễn đừng ảnh hưởng người khác. Tôi cũng ở chung cư nhưng may mắn chung cư tôi gặp nhau chào, thế là đủ, không ồn ào, ai thích gì thì xuống tầng trệt từ coffee, khu thể dục, công viên nhỏ".

Đó không phải là hai bạn đọc cá biệt, thậm chí của nhiều bạn đọc khi các bạn này yêu cầu "tôn trọng sự riêng tư" trong một môi trường có hàng trăm, hàng ngàn hộ sống chung, dùng chung những tiện ích, phương tiện công cộng như thang máy, hành lang, cầu thang, hồ bơi, công viên...

Thế nhưng vẫn có không ít bạn lại xem việc quan tâm đến nhau giữa các hộ chung cư  là sự chia sẻ cần thiết. Ý kiến bạn Khang về ông Tây có hàng trăm bạn like (thích) thì ý kiến bạn Jason Le cũng có hàng trăm bạn đồng tình:

"Những người này vẫn sống vui vẻ với nhau từ trước tới giờ cũng chẳng ai than phiền về vấn đề ồn ào ngoài ông tây này. Tại sao mọi người phải thay đổi chỉ vì một người? Bạn không thích ồn ào, bạn vào một quán cà phê chuyên mở nhạc sôi động mà đa số khách trẻ thích rồi bảo nhạc ồn quá, yêu cầu mở nhạc nhẹ thì số đông sẽ phản ứng như thế nào? Ngược lại bạn là người thích sôi động vào một quán cà phê chuyên mở nhạc nhẹ dành cho những đối tượng thích nhạc nhẹ bạn cũng không thể yêu cầu chủ quán thay đổi nhạc để chiều theo ý bạn. Người Việt Nam thích sống vui vẻ, náo nhiệt, hòa đồng trong khi người Tây phương thích sống khép kín, cá nhân đến nỗi ích kỷ. Nhiều người còn không biết tên hàng xóm của mình. Đó là cách sống của họ. Ta cũng không cần phải bắt chước theo họ. Ông Tây này nếu thấy không thích hợp thì nên tìm một chỗ khác yên tĩnh hơn. Tóm lại tây hay ta thì ta cũng nên tôn trọng và theo tập thể. Ta không thể bắt mọi người phải thay đổi theo ý riêng của mình".

Hai lối sống đều có cơ sở

Nếu như hát karaoke, nhậu nhẹt ầm ĩ... trong chung cư bị hầu hết bạn đọc lên án đồng loạt với mức độ phê phán nặng nề nhất thì hai lối sống ở chung: "Đèn nhà ai nhà nấy rạng" hay "Tối lửa tắt đèn có nhau" thì lối sống nào cũng có người ủng hộ với lập luận có cơ sở.

Cơ sở của bên chọn lựa sự tôn trọng tuyệt đối riêng tư, yên tĩnh cá nhân: "Những người có nhân cách họ luôn sống yên tĩnh vì họ được giáo dục cách sống văn minh từ nhỏ. Xóm tôi đa số gia đình sống rất ý thức chỉ một vài nhà là dân nhập cư từ các tỉnh vào Saigon nên họ sống theo kiểu ''hai lúa'', đàn bà thì thích tụm lại tán dóc, đàn ông thì tụ tập ăn nhậu tại nhà, đây là những người đàn ông già mồm nhiều chuyện nhất xóm, bà con gọi là ma men xóm hẻm" (Thế Hùng - Q.12, TP.HCM).

Bạn Tránh còn khẳng định: "Giao lưu thực ra là tò mò chuyện nhà người khác đẻ đi buôn chuyện. Cuộc sống văn minh, tôn trọng sự nghỉ ngơi của người khác. Giao lưu gì khi 10 tiếng đi làm đã quá đủ. Cần gì thì giúp, chứ cứ thọc vào nhà người khác thì thất kinh. làng quê có cái tốt nhưng về HN gọi nhau giữa phố như chốn không người, rồi buôn chuyện lê la...thì tránh".

Còn cơ sở của bên chọn lựa cách sống "Bán anh em xa mua láng giềng gần" cũng thuyết phục không kém. Đó là chuyện hai nhà gần nhau ở chung cư, ra vô gặp nhau nhưng "phát tang hàng xóm chung cư mới biết cụ bịnh đã lâu".

Bạn Nguyệt Anh (Hà Nội) nhớ lại :

"Có lẽ điều tôi nhìn thấy rõ nhất là các cư dân không "mua láng giềng gần". Nhớ một cuối tuần, trên căn hộ tầng 9 có tiếng vợ chồng trẻ cãi nhau, đập phá đồ đạc và sau đó đánh nhau. Tiếng người vợ khóc cầu cứu, tiếng trẻ con khóc theo.

Nhưng không một ai dám bước chân ra khỏi ranh giới sợ "tai bay vạ gió" để can ngăn. Một nhóm túm tụm lại để nghe và bình luận. Một phòng khác thì ló đầu ra nhìn, người lại tranh thủ dùng điện thoại quay lại và cười khúc khích với "chiến lợi phẩm" là đoạn phim kia sẽ được đưa lên facebook để câu view. Khi tôi vừa leo từ tầng 7 lên đến nơi thì một bác lớn tuổi kéo tay lại: "Thôi, ngu gì mà can với chả ngăn, vợ chồng nhà này có mấy ngày không cãi nhau đâu? Can ngăn cả ngày à?" - Và Nguyệt Anh ngậm ngùi - Tôi hiểu, với suy nghĩ mặc kệ, "đèn nhà ai nhà ấy rạng", văn hóa chung cư còn xa lắm".

Thế nhưng bạn Chung Thanh Huy lại về "những hộ xung quanh là dân lao động, buôn bán nhỏ trong cái chợ gần đó nên rảnh rỗi là kéo ra hành lang ngồi lê đôi mách nên ban đầu chúng tôi cũng ngại tiếp xúc, gặp nhau chỉ gật đầu chào hỏi cho có" khi có một trải nghiệm bất ngờ: 

"Lần đó tôi đang đi công tác xa chỉ có vợ và đứa con gái ở nhà, đêm đó con gái tôi sốt cao, co giật. May mà có những người hàng xóm "nhiều chuyện" luôn túc trực ở hàng lang kịp thời xúm vô lau mát, đánh chanh cho hạ sốt rồi cùng vợ tôi đón taxi đưa vào bệnh viện".

Không chỉ là hai kiểu sống ở chung cư

Chọn lựa cách sống ở chung cư không chỉ là hai kiểu sống mà còn nhiều chọn lựa khác: cách ứng xử với người già và trẻ em trong chung cư; chuyện chó mèo - vấn đề của nhiều gia đình; tôn trọng không gian chung hay thoải mái xả rác ngoài căn hộ của mình...

Nguyên nhân tại sao thì có lẽ không đơn giản là nguồn gốc cư dân vì ngay cả chung cư cao cấp cũng có hiện tượng để xe bừa bãi ở nhà xe (). Thậm chí, có khi như .

Khi có nhiều chọn lựa cách sống, lối sống như vậy, liệu một bộ, một bản quy tác sống chung cư nếu ban hành có khả thì?

Sau gần hai tháng phát động diễn đàn "Văn hóa chung cư", báo Tuổi Trẻ đã nhận được hàng ngàn ý kiến chia sẻ, đóng góp từ bạn đọc là những cư dân ở chung cư, người quản lý, bảo vệ chung cư...

Nhằm tổng kết diễn đàn và tiếp tục lắng nghe ý kiến đa chiều từ các khách mời, báo Tuổi Trẻ tổ chức buổi tọa đàm xoay quanh chủ đề này vào ngày 28-6 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

Trong các ý kiến của độc giả gửi về tòa soạn, đa số là những ý kiến ghi nhận những nét đẹp trong giao tiếp, sinh hoạt cộng đồng, nhưng cũng có không ít ý kiến than phiền về những thói quen xấu của người dân ở chung cư, gây ảnh hưởng đến cộng đồng...

Xu hướng phát triển chung cư trong thời gian tới ra sao? Có cần những quy tắc ứng xử chung cho mô hình đời sống chung cư hiện nay? Những nét đẹp văn hóa ứng xử chung cư cần được nhân rộng hay những thói quen chưa phù hợp cần dần loại bỏ?

Những vấn đề này sẽ được các khách mời là đại diện Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM, Sở Xây dựng TP, Sở Văn hóa - thể thao TP, các chuyên gia xã hội học, chuyên gia lịch sử, văn hóa... tham dự sự kiện đưa ra ý kiến thảo luận.

Tại buổi tổng kết và tọa đàm "Văn hóa chung cư", báo Tuổi Trẻ cùng đơn vị đồng hành là Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh trao 6 phần quà (mỗi phần quà trị giá 5 triệu đồng) cho độc giả có bài viết ấn tượng tham gia diễn đàn thời gian qua.


 



Xóm chợ “các mẹ ơi” trong lòng chung cư

TTO - “Các mẹ ơi, hôm nay nhà em có nho xanh. Các mẹ gom order để em đặt chung nhé”. “Các mẹ ơi, mai em về quê, cuối tuần vào. Ai muốn đặt gì còm hay inbox em nhé…”

M.C - L.SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên