Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa - Ảnh: TTXVN
Trong phần tranh luận ngày 16-1 tại phiên tòa xét xử vụ án ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đã đưa ra chứng cứ mới được thu thập trong những ngày xét hỏi để buộc tội ông Trịnh Xuân Thanh có hành vi tham ô tài sản.
Tuy nhiên, ngay sau khi VKS công bố chứng cứ này, luật sư phản bác gay gắt cho rằng VKS đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi thu thập chứng cứ trong lúc phiên tòa đang diễn ra.
Vậy việc VKS thu thập chứng cứ gây bất lợi cho ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) khi phiên tòa đang diễn ra có vi phạm nghiêm trọng tố tụng không?
Chứng cứ mới thu thập khi vụ án đang xét xử
Theo cáo buộc của VKS, bị cáo Trịnh Xuân Thanh tham ô 4 tỉ đồng thông qua việc bị cáo Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc điều hành BQL dự án Vũng Áng Quảng Trạch đi rút tiền rồi chuyển cho 2 nhân chứng (tài xế) để các nhân chứng này chuyển tiền cho Trịnh Xuân Thanh.
Tại tòa, ông Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận đã chỉ đạo và yêu cầu cấp dưới chuẩn bị tiền cho mình tiêu Tết. Ông Thanh cũng nói không có chứng cứ về việc tài xế mang tiền về cho ông vì trong ô tô lúc nào cũng có rất nhiều quà.
Luật sư bào chữa cho ông Thanh đưa ra chứng cứ để chứng minh ông Thanh ngoại phạm, đồng thời, nghi ngờ chứng cứ rút tiền trong hồ sơ vụ án.
Trước quan điểm bào chữa của luật sư, đại diện VKS khi đối đáp lại đã công bố chứng cứ về việc ông Lương Văn Hòa rút tiền 2 lần ở Hà Nội, thời gian rút tiền và số tiền được rút phù hợp với lời khai của các nhân chứng và các bị cáo. Chứng cứ là xác nhận của Ngân hàng vào ngày 12-1 cho thấy ông Hòa có rút tiền.
(phiên tòa xét xử vụ án được bắt đầu từ ngày 8-1) này lại được thu thập khi đang diễn ra phiên tòa.
Các luật sư đã phản ứng mạnh mẽ với chứng cứ mà VKS mới trưng trước tòa bởi xác nhận của ngân hàng vào ngày 12-1 sau khi vụ án đã được đưa ra xét xử (phiên tòa bắt đầu khai mạc từ ngày 8-1). Theo luật sư, việc thu thập chứng cứ trên của VKS là vi phạm tố tụng và tước đi quyền bào chữa của bị cáo.
Thêm vào đó, luật sư cũng cho rằng dù có giấy giấy xác nhận rút tiền này thì cũng không thể chứng minh được tiền đó rút về là để đưa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Tuy nhiên, VKS vẫn cho rằng, những bằng chứng, lời khai của nhân chứng và bị cáo đã đủ cơ sở để khẳng định Trịnh Xuân Thanh tham ô.
Tòa án cũng có quyền điều tra, thu thập chứng cứ
Vấn đề pháp lý đặt ra là chứng cứ mới do VKS thu thập sau khi đã hoàn tất cáo trạng truy tố, buộc tội các bị cáo, diễn ra trong quá trình tòa đang xét xử vụ án có giá trị hay không? Việc thu thập chứng cứ có vi phạm tố tụng không?
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Minh Tâm (đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định về việc tòa án có thẩm quyền điều tra và thu thập chứng cứ.
Do đó, chứng cứ mới có thể được cung cấp ngay tại phiên tòa để hội đồng xét xử xem xét và đánh giá. Luật này cũng quy định không chỉ các cơ quan tố tụng có thẩm quyền cung cấp chứng cứ cho hội đồng xét xử mà các luật sư cũng được quyền cung cấp những chứng cứ mới chưa có trong hồ sơ vụ án.
Cụ thể, trong phiên tòa xét xử vụ án ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, luật sư của ông Phùng Đình Thực - nguyên tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí PVN đã cung cấp đến 3 văn bản chứng minh về việc "ngoại phạm" của ông Thực đối với hành vi "Cố ý làm trái..".
Tất cả các bằng chứng mới do luật sư của ông Thực cung cấp đều được hội đồng xét xử tiếp nhận ngay tại phiên tòa.
Một thẩm phán TAND TP.HCM cũng cho rằng, Bộ luật Tố tụng hình sự mới có quy định về thẩm quyền điều tra của tòa án tại điều 252 và 253.
Thậm chí ngay khi đang xử, hội đồng xét xử cũng có thể dừng phiên tòa để xác minh, thu thập và đánh giá các chứng cứ mới thu thập được. Tòa cũng có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan tố tụng khác như VKS và cơ quan điều tra thực hiện các việc này
"VKS có quyền thu thập chứng cứ mới để chứng minh quan điểm buộc tội bị cáo Trịnh Xuân Thanh ngay khi phiên tòa đang diễn ra" - vị thẩm phán cho biết.
Còn theo luật sư Nguyễn Minh Tâm, điều cần thiết là ngay sau khi bằng chứng được cung cấp thì các bị cáo cùng luật sư của mình phải được sớm tiếp cận với các bằng chứng đó để đảm bảo quyền bào chữa cho bị cáo.
"Những gì luật đã quy định rõ ràng thì các cơ quan tố tụng được làm. Đây cũng là điểm mới rất đáng quan tâm cùng nhiều điểm mới khác trong Bộ luật Tố tụng hình sự mới", luật sư Tâm nói.
Sáng mai 22-1, tòa tuyên án
Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐQT PVN, ông Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm diễn ra tại TAND TP Hà Nội từ ngày 8-1.
Ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc đã cố ý làm trái trong việc thực hiện các gói thầu, hợp đồng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho PVN 119 tỉ đồng.
Trịnh Xuân Thanh còn bị cáo buộc đã tham ô 4 tỉ đồng khi cùng các cấp dưới rút tiền từ quỹ để chi tiêu cá nhân.
VKS đã đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt ông Đinh La Thăng 14-15 năm tù, ông Trịnh Xuân Thanh án tù chung thân.
Sau khi nghị án, sáng mai 22-1, TAND TP Hà Nội sẽ tuyên bản án với các bị cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận