Khi chỉ ra trách nhiệm, nhiều ý kiến cho rằng chính các địa phương có trách nhiệm lớn trong những vi phạm về PCCC.
Trong khi đó, người thuê, mua các công trình này chủ yếu chỉ quan tâm về giá cả hơn là các biện pháp bảo vệ an toàn.
Hà Nội nhan nhản chung cư vi phạm
Trong số các công trình vi phạm trên, TP Hà Nội có tới 1.545 công trình, cơ sở, nhà xưởng hiện hữu chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng vẫn đưa vào sử dụng.
Loại công trình vi phạm rất đa dạng, trong đó có rất nhiều chung cư, nhà cao tầng, tòa nhà văn phòng, trường học, khách sạn, trụ sở công ty...
Chẳng hạn, trên địa bàn quận Đống Đa có các công trình vi phạm như tòa nhà 29 Huỳnh Thúc Kháng, tòa nhà 75 Phương Mai, tòa nhà Capital Garden, chung cư HH1, HH2...
Trên địa bàn quận Ba Đình có các công trình chung cư vi phạm gồm tòa nhà văn phòng số 1 ngõ 7 Nguyên Hồng, chung cư 15-17 Ngọc Khánh, dự án xây dựng và cải tạo tập thể X1 ở 26 Liễu Giai, tòa nhà TID, tòa nhà 152-154 Phó Đức Chính, tòa nhà 81 và 83 Giang Văn Minh.
Danh sách công trình chung cư vi phạm PCCC trên địa bàn quận Cầu Giấy có tòa nhà Discovery, tòa nhà 109 Trần Quốc Hoàn, tòa nhà ND Building.
Tại Hà Đông cũng có một loạt chung cư vi phạm PCCC như chung cư Bình Vượng, chung cư SME Hoàng Gia, tòa nhà hỗn hợp tháp doanh nhân, tòa nhà CT2 Xa La, tòa nhà hỗn hợp và trung tâm dịch vụ thương mại và nhà ở 89 Phùng Hưng, tòa nhà CT5 AB, tòa nhà CT6, tòa nhà CT4, cụm tòa nhà chung cư Usilk City, cụm chung cư The Pride.
Bên cạnh đó còn có một loạt chung cư khác như chung cư CT3 Nam Từ Liêm, chung cư mini Bồ Đề (Long Biên); tại quận Hoàng Mai có tòa nhà tổ hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao tầng Ecogreen Tower, chung cư mini Handiland - Hoàng Mai.
Các tòa chung cư NO V4, NO V2, Bắc Rice City, Trung Rice City, Nam Rice City, tòa chung cư mini 71C phố Đại Từ... có vi phạm về PCCC.
Theo Bộ Công an, những vi phạm PCCC chưa được khắc phục được phát hiện trong các tòa chung cư, tòa nhà hỗn hợp cao tầng chủ yếu liên quan đến các vi phạm về kiến trúc, kết cấu xây dựng công trình, đường giao thông phục vụ chữa cháy, khả năng tiếp cận của xe thang, xe chữa cháy đến công trình không bảo đảm.
Chung cư mini nở rộ vì đâu?
Trước đây, Luật Nhà ở 2005 và nghị định 90 (2006) không cho phép xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân thành nhà chung cư mini theo dạng có nhiều tầng, nhiều căn hộ tại đô thị.
Đến năm 2010, nghị định 71 mới cho phép phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân được thiết kế kiểu chung cư mini. Nghị định này cũng quy định chủ căn hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.
Sau đó, Luật Nhà ở 2014 đã cho phép hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn... và được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.
Quy định này đã tạo cơ sở pháp lý để phát triển loại nhà chung cư mini, chung cư hộp diêm tại các đô thị.
Năm 2014, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định số 24, trong đó đã nhắc đến khái niệm "chung cư mini".
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng có quy định hướng dẫn về hồ sơ và trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà chung cư mini do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho hay từ năm 2010 đến nay đã nở rộ tình trạng khoét lõm xây dựng chung cư mini, chung cư hộp diêm, có nhiều tầng, nhiều căn hộ mini tại các đô thị, các quận nội thành.
Trong đó, có những công trình xây dựng trái phép, sai phép không chỉ làm phá vỡ quy hoạch mà không đảm bảo an toàn PCCC, không đủ điều kiện để được cấp sổ hồng cho người mua, làm phát sinh tranh chấp...
Theo ông Châu, thực tế đã có tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, hiện tượng cán bộ chính quyền cấp cơ sở bao che cho các công trình chung cư mini trái phép.
Trước mắt phải ngăn khu vực để xe với khu vực ở, có lối thoát nạn riêng
Liên quan tới vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ, cuối chiều 15-9, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh thành trên cả nước yêu cầu các địa phương chỉ đạo sở xây dựng phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện rà soát toàn bộ các công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ đang sử dụng để phát hiện các vi phạm về trật tự xây dựng, đặc biệt là vi phạm về PCCC.
Yêu cầu các chủ nhà ở phải có giải pháp ngăn cách khu vực để xe với khu vực ở và có lối thoát nạn riêng, đầu tư trang thiết bị về PCCC phù hợp. Bố trí người có sức khỏe, kinh nghiệm để quản lý vận hành tòa nhà, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
Đối với các công trình nhà ở riêng lẻ xây dựng mới, các cơ quan có thẩm quyền địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, PCCC, quản lý việc cấp giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng, quản lý trật tự xây dựng.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, PCCC của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Phải kiểm tra thường xuyên
Theo ông Lê Hoàng Châu, điều 46 của Luật Nhà ở quy định trường hợp xây dựng nhà ở có hai tầng trở lên mà mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín... được công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà thì thực chất là hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, không phải là phát triển nhà ở riêng lẻ.
"Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng, đặc biệt là các công trình nhà ở riêng lẻ kiểu chung cư mini có nhiều tầng, nhiều căn hộ, có vi phạm các quy định pháp luật như xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm không gian hoặc không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt hoặc xây dựng nhà ở không bảo đảm chất lượng", ông Châu nói.
"Lúc thuê chỉ quan tâm giá, không quan tâm PCCC"
Theo đại diện Phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM, loại hình nhà trọ, phòng trọ, chung cư mini... có nhiều nguy cơ cháy nổ cao.
Đa phần công nhân, sinh viên... ở trong phòng diện tích nhỏ, việc ăn, ngủ, sinh hoạt, nấu nướng trong một không gian hẹp, ẩn họa nguy cơ cháy nổ. Các phòng chứa nhiều vật dụng gia đình dễ bắt lửa, đồng thời việc câu lắp điện không đảm bảo an toàn PCCC cũng là nguyên nhân nhiều vụ cháy tại các khu nhà ở này.
Chị Trần Thanh Tâm (30 tuổi, ngụ tỉnh An Giang), thuê ở tại một chung cư mini trên địa bàn TP Thủ Đức để thuận tiện, gần chỗ làm của mình, cho hay lúc thuê phòng, chị chỉ quan tâm đến giá cả và gần công ty.
Sau khi kiểm tra lại chung cư mini nơi mình ở, chị mới nhận ra hệ thống PCCC tại chung cư còn "sơ sài", các tầng không bố trí bình chữa cháy, dây điện dưới hầm để xe chằng chịt. Đặc biệt, ban công được chủ nhà xây bít bùng bằng khung sắt.
Quay lại chung cư mini Huna Apartments nằm trong hẻm 160 đường Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận (quận 7) - nơi từng xảy ra vụ cháy vào tháng 4-2021, ghi nhận của phóng viên cho thấy chung cư này đã phần nào khắc phục và hoàn thiện hệ thống PCCC.
Theo ghi nhận, chung cư trên có bốn lầu, từng lầu đều có lối thoát hiểm ở ban công, người dân có thể chạy lên sân thượng khi xảy ra sự cố để lực lượng PCCC ứng cứu. Từng lầu, hầm để xe có hệ thống báo cháy và chuông báo cháy. Đường hẻm vào chung cư đảm bảo xe chữa cháy tiếp cận được và gần nguồn nước chữa cháy.
Sẽ có giải pháp khắc phục trong năm nay
Đại tá Nguyễn Minh Khương - cục phó Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) - cho hay việc quản lý an toàn PCCC các tòa chung cư do lực lượng cảnh sát PCCC ở địa phương thực hiện, cục chỉ thực hiện giám sát.
Đối với nhà chung cư, bắt buộc phải thực hiện các quy định pháp luật về điều kiện an toàn, khoảng cách an toàn PCCC, hệ thống thiết bị PCCC trong tòa nhà. Còn đối với những tòa nhà chung cư cũ, tồn tại từ trước khi có Luật PCCC ra đời thì các cơ quan cảnh sát PCCC địa phương đã có khuyến cáo, yêu cầu hoàn thiện.
Với hơn 38.000 công trình vi phạm về PCCC đã được Bộ Công an phát hiện trên cả nước hiện nay, không chỉ có nhà chung cư mà còn bao gồm cả các công trình trường học, bệnh viện, siêu thị... đã tồn tại từ nhiều năm rồi.
Hiện Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu các giải pháp để có thể giải quyết những vi phạm về PCCC. Dự kiến trong năm nay hai bộ sẽ đưa ra giải pháp cụ thể để khắc phục vi phạm của các công trình này.
Bộ Xây dựng cho biết loại hình nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở (thường gọi là chung cư mini), pháp luật về nhà ở đã có quy định phải được thiết kế, xây dựng khi có từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng), có diện tích sàn tối thiểu mỗi căn hộ từ 30m2 trở lên.
Luật Xây dựng 2014 đã quy định nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng khi đáp ứng các điều kiện như: phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất; bảo đảm an toàn cho công trình; đáp ứng yêu cầu về môi trường, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật; có thiết kế tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong quá trình sử dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận