12/04/2018 22:28 GMT+7

Chung cư condo ở Singapore: Mưa ướt đồ tôi? - Kệ anh!

LÊ NAM (từ Singapore)
LÊ NAM (từ Singapore)

TTO - Nếu công việc của bạn phải gắn liền với người Singapore đặc trưng thì HDB (kiểu nhà chung cư gần gũi theo văn hóa làng xã) là lựa chọn tốt nhất. Còn chung cư kiểu condo thì đó là một thế giới khác hẳn với không khí cởi mở, làng xã của HDB.

Chung cư condo ở Singapore: Mưa ướt đồ tôi? - Kệ anh! - Ảnh 1.

Số lượng người rời HDB (tòa nhà bên trái) sang các condo (ở phía xa) đã gia tăng mấy năm gần đây (ảnh chụp ở khu Novena) - Ảnh: LÊ NAM

Một kết quả khảo sát công bố năm 2016 cho thấy số người dân Singaproe chuyển từ HDB vào ở trong các chung cư cao cấp (condo) và các loại căn hộ khác đã tăng so với 5 năm trước đó. 

Cứng nhắc

Cơ quan thống kê Singapore cho biết có 13,9% dân số Singapore đã chuyển từ HDB vào các khu căn hộ này. Trong khi đó, tỉ lệ này ghi nhận trước, diễn ra vào năm 2010 chỉ là 11,5%.

Condo tiện lợi hơn, riêng tư hơn HDB với hàng rào bảo vệ, được dọn dẹp thường xuyên: có hồ bơi, phòng tập thể dục, xông hơi, sân tennis, bóng rổ, sân chơi cho trẻ em... 

Thử tưởng tượng với không khí nóng hầm hập vì sát đường xích đạo mà ngay dưới nhà có cái hồ bơi, sạch sẽ như trong condo, rồi chi phí làm thẻ thành viên để đến các phòng tập gym tập thể dục ở xứ sở đắt đỏ nhất thế giới (3 năm liền Singapore được bình chọn là thành phố có chi phí đắt đỏ nhất thế giới) cao thế nào mà ngay nhà mình ở có cái phòng tập máy lạnh chạy phà phà, rồi còn có hồ sục nước nóng thủy lực, phòng xông hơi khô, xông hơi ướt… miễn phí thì sống ở condo hơn hẳn HDB.

Ông chủ nhà HDB cũ mà tôi thuê ở Bukit Purmei là luật sư. Ông cho thuê căn nhà HDB rộng hơn 120m2 ở tầng trệt để lên ở một căn hộ trên tầng 16 một condo cách đó chừng 1km. 

Ông rất đàng hoàng và thân thiện khi thông báo rằng tụi nhỏ nếu thích bơi cứ qua đó bơi. Khi đến nơi chỉ cần ghi vài thông tin cơ bản của mình vào sổ với bảo vệ và nói số nhà cũng như tên Mervyl của ông là ok ngay. Vài lần chúng tôi đã có những lúc chơi vui cùng tụi nhỏ ở hồ bơi, còn nhớ có lần ông Mervyl mang cả nước trái cây đóng hộp xuống cho hai đứa nhóc nhà tôi.

Một lần, như mọi lần khác, sau khi nhắn tin cho ông Mervyl thông báo chiều nay tôi sẽ đưa hai đứa nhỏ đến bơi và ông ấy bảo cứ đến đi vì ông còn ở văn phòng. Chúng tôi đến thì một ông bảo vệ ngăn lại yêu cầu chủ nhà phải xuất hiện, dẫn đến hồ bơi và có mặt ở đó. Tụi nhỏ thì háo hức nhưng lại không được bơi, còn ông Mervyl lại không có ở nhà. 

Ngồi chờ mãi sau ông về, trao đổi với bảo vệ thì đúng là quy định như thế, chủ hộ muốn sử dụng dịch vụ trong condo phải đăng ký và tham gia, hoặc có mặt ở đó. Ông Mervyl xin lỗi chúng tôi vì đã để tụi nhỏ chờ lâu rồi phải lảng vảng ở hồ bơi suốt buổi hôm đó, ông bảo vệ kia chắc ngồi trong phòng theo dõi qua camera vì chẳng thấy ông Mervyl đi đâu đến khi tụi nhỏ chán bơi quay về. Đó là lần cuối cùng chúng tôi bơi ở condo của nhà ông Mervyl.

Và nguyên tắc

Khi tôi chuyển nhà từ HDB sang một condo ở khu Farrer Park, ngày chuyển nhà phải thông báo với ban quản lý, thời gian chuyển đồ vào chỉ trong khung giờ 9-17h mỗi ngày. Chúng tôi phải ký tấm séc (cheque) 2.000 SGD (hơn 32 triệu đồng) để ở ban quản lý, phòng ngừa trong quá trình chuyển đồ nếu gây hư hại gì cho chung cư hoặc nhà khác thì họ sẽ trừ ngay vào chi phí đặt cọc kia. 

Ban quản lý sau đó thông báo với đội bảo vệ để họ chuẩn bị móc treo các tấm bạt có lót mút ở trong nhằm bảo vệ thang máy sạch sẽ, không bị trầy và giám sát việc chuyển đồ của người mới ở condo.

Chung cư condo ở Singapore: Mưa ướt đồ tôi? - Kệ anh! - Ảnh 2.

Trẻ em sống ở các condo cao tầng (như condo trong ảnh có 30 tầng) không có lưới hay biện pháp bảo vệ là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh - Ảnh: LÊ NAM

Chuyến chuyển hàng cuối cùng, tôi gọi xe tải lớn nhưng chờ mãi chẳng thấy xe đến. Cuối cùng xe cũng đến, nhưng khi về đến condo đã là 17h15. Bảo vệ dứt khoát không cho xe tải vào trong condo và tuyệt đối chúng tôi không được vận chuyển đồ vào vì quá giờ quy định. 

Trong khi nhà HDB chúng tôi đã bàn giao chìa khóa. Nói kiểu gì họ cũng không cho vào, tôi yêu cầu cho nói chuyện với ban quản lý để trình bày, họ lạnh lùng bảo đã về hết rồi. 

"Mưa ướt hết đồ của tôi thì sao?". Một ông bảo vệ trả lời: "Kệ anh. Chúng tôi không được phép cho chuyển đồ vào chung cư sau giờ này". 

Một lần tôi mời gia đình người bạn đến nhà chơi, ăn tối. Chúng tôi đăng ký sử dụng khu nướng BBQ dưới nhà, bên hồ bơi và chỗ sân chơi cho trẻ con hai nhà nghịch thì phải đóng 20 SGD cho chi phí gas và dọn dẹp, kèm theo 200 SGD đặt cọc để bảo lãnh các thất thoát, hư hao nếu có xảy ra. 

Kiện ra tòa vì tấm lưới an toàn

Trong hai năm liền 2015 và 2016, báo chí Singapore tốn khá nhiều giấy mực để bàn luận về sự an toàn cần thiết bảo vệ trẻ em sống trong các condo cao tầng mà không có hàng rào bảo vệ. 

Các tranh luận được đẩy lên cao độ khi cả hai phụ huynh của hai gia đình là chủ của căn hộ trong condo khăng khăng làm hàng rào lưới bảo vệ không cho con nhỏ leo hoặc rơi ra ngoài bancông, trong khi ban quản lý khăng khăng: vi phạm công năng tòa nhà!

Chung cư condo ở Singapore: Mưa ướt đồ tôi? - Kệ anh! - Ảnh 3.

Thi công lưới an toàn ở bancông căn hộ tầng 18 trong một khu condo - Ảnh: LÊ NAM

Tháng 2-2016, ông Zou Xiang mua một căn hộ hai tầng lầu trên cùng ở số 19 Shelford với giá 2 triệu SGD (khoảng 32 tỉ đồng) mà bancông thì trống. 

Đến tháng 5, ông viết email cho ban quản lý chung cư thông báo sẽ làm khung lưới bảo vệ vì có hai con nhỏ dưới 7 tuổi, ban quản lý từ chối. Ông tiếp tục yêu cầu được lắp, ban quản lý yêu cầu gửi bản vẽ và phương án thi công, rồi họ lại từ chối vì cho biết công năng của chỗ này là vườn trên không và không được thay đổi nó khi cơ quan quản lý chưa cho phép.

Ông Zou chuyển nhà vào rồi tiếp tục yêu cầu cấp cao hơn (Cơ quan Quản lý xây dựng và nhà cao tầng của Singapore - BCA) cho phép triển khai làm lưới. BCA cho biết tính mạng và an toàn của trẻ em là ưu tiên hàng đầu, nhưng nơi này yêu cầu ông phải thông báo và phải có sự đồng ý của ban quản lý tòa nhà. 

Ông Zou kệ, gọi thợ đến thi công. Ban quản lý trục xuất thợ ra khỏi chung cư và yêu cầu chủ nhà phải trả lại hiện trạng ban đầu khi công trình này đã hoàn tất 50%. Ông Zou sau đó thuê luật sư kiện lại ban quản lý, đến nỗi BCA sau đó phải thông báo rằng ban quản lý phải đưa vấn đề này ra cuộc họp với sự tham gia của các thành viên để tìm sự đồng thuận vì chưa được hướng dẫn. Trong trường hợp này, vì sự quan trọng của tính mạng các con, ông Zou phải linh hoạt tìm giải pháp để lắp các biện pháp an toàn.

Diễn đàn Xây dựng văn hóa chung cư do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh chính thức mời bạn đọc gửi hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm.

Các ý kiến thiết thực sẽ được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ngày và TTO. Đặc biệt, ban tổ chức sẽ bình chọn và dành tặng 5 phần quà trị giá 5 triệu đồng/phần cho cá nhân, tập thể có ý kiến đặc sắc.

Ý kiến gửi về email: [email protected] (từ nay đến hết ngày 31-5).

LÊ NAM (từ Singapore)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên