Diễn tập cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy tại khu phức hợp ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Đó là những vấn đề đặt ra sau khi chung cư Carina bị cháy làm 13 người chết, hàng chục người bị thương.
Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, những người liên quan để đi tìm các câu trả lời, đưa ra các giải pháp cho cư dân .
* Ông NGUYỄN QUANG HUY (phó tổng giám đốc Công ty PMC):
Tuân thủ quy định chung
Ông Nguyễn Quang Huy
Thực tế nhiều người dân chưa có ý thức về an toàn sinh mạng, thể hiện ở việc xem nhẹ tuân thủ nội quy, quy định của chung cư.
Những việc làm nguy hiểm thường thấy như hút thuốc trong chung cư, kể cả trong tầng hầm, bỏ tàn thuốc trong ống rác chung cư; đốt vàng mã; không tắt bếp, tắt thiết bị điện khi ra khỏi nhà; dùng máy sấy, bàn ủi để quên; không có hệ thống ngắt điện tự động...
Nguy hiểm hơn, nhiều nhà tùy tiện câu móc điện, sử dụng thiết bị điện có công năng lớn, sửa chữa tùy tiện, máy hàn, máy cắt lên căn hộ không qua ban quản lý... Nhiều hộ dân tự mua gas bên ngoài về sử dụng, bình gas không bảo đảm an toàn...
Để tăng độ an toàn cho chung cư, người dân cần bỏ những này, quy định trong nội quy chung cư và thậm chí cư dân nên đặt ra những chế tài nội bộ để buộc phải bỏ.
Các chủ đầu tư chung cư thường "tham lam", kết hợp nhiều công năng trong một tòa nhà như khu thương mại, văn phòng cho thuê, khu ở, bãi xe...
Qua đó, nhiều chủ thể sử dụng, hoạt động khác nhau, cách thức, hình thức kinh doanh, nhu cầu khác nhau cùng dùng chung một không gian tòa nhà nên nguy cơ về mất an toàn rất cao, trong đó có an toàn về cháy nổ.
Hiện tại, Việt Nam vẫn đang thiếu một cơ quan nhà nước chuyên quản lý và bộ tiêu chuẩn quản lý nhà chung cư. Cơ quan này thường xuyên giám sát, theo dõi chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý, cư dân và các chủ thể khác trong nhà chung cư về việc tuân thủ và thực thi các quy định về bảo đảm an toàn cho nhà chung cư.
Thiếu cơ quan quản lý, thiếu chuẩn mực xử sự, người dân và các tổ chức quản lý chung cư tự phát, hời hợt thì hậu quả xảy ra là điều tất yếu.
Ông Nguyễn Văn Bình
* Ông NGUYỄN VĂN BÌNH (chuyên gia tư vấn về phòng cháy chữa cháy):
Các lỗi nguy hiểm cháy nổ thường gặp
Vấn đề hay gặp ở các chung cư là các thiết bị trong hệ thống chữa cháy, báo cháy trục trặc, hỏng hóc.
Nguyên nhân một phần do chủ đầu tư lắp thiết bị không đúng chuẩn thiết kế đã duyệt, một số do hao mòn, hỏng hóc trong quá trình sử dụng không được bảo trì, thay mới đúng hạn.
Hay gặp nhất là các đầu báo cháy không hoạt động, bình chữa cháy hết nguyên liệu hoặc gỉ sét các khóa, ốc nên không hoạt động được, hệ thống chữa cháy tự động trục trặc do lâu không được bảo trì, vận hành thử...
Những chung cư cao tầng thì áp lực nước không đủ lên các tầng cao để chữa cháy.
Trong vận hành, nhiều ban quản lý không tuân thủ nguyên tắc phòng cháy như bình chữa cháy để trong tủ khóa lại hoặc để xe ngay chỗ để bình chữa cháy, họng nước cứu hỏa. Hệ thống chữa cháy tự động không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ nên không sẵn sàng hoạt động...
Trong căn hộ, các cư dân thường sử dụng thiết bị điện công suất lớn, câu móc điện rối rắm hoặc dùng gas không an toàn.
Muốn chung cư an toàn cần phải giải quyết những vấn đề tồn tại này.
* Bà NGUYỄN NGỌC BÍCH (cư dân Plaza):
Tập huấn kỹ năng đối phó cháy nổ
Khi mở bán căn hộ, chủ đầu tư quảng cáo đủ mọi hệ thống cao cấp, đảm bảo an toàn thì khi nhận nhà vào ở, người dân lại phải chứng kiến rất nhiều lỗi kỹ thuật, sự yếu kém của hệ thống phòng cháy chữa cháy, thang máy và công tác vận hành, quản lý chung cư.
Đủ thứ chuyện từ hệ thống thang máy hư hỏng, rơi tự do đến hệ thống phòng cháy chữa cháy không hoạt động hoặc rối loạn hoạt động... khiến người dân phải kêu trời.
Khi mua nhà, người dân chỉ biết tin tưởng vào những lời hứa từ chủ đầu tư. Còn khi nhận nhà, người dân tin tưởng vào ở bởi các hệ thống của tòa nhà đã được cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm định.
Rất khó để cư dân có thể biết và kiểm tra được hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống thang máy, thoát hiểm có được chủ đầu tư đầu tư đúng quy chuẩn, chất lượng, việc bàn giao vận hành có đảm bảo đúng chuẩn quy định hay không.
Do vậy, cần phải minh bạch trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Cả một quy trình thẩm định ban đầu, nghiệm thu khi hoàn thành và kiểm tra khi bàn giao nếu làm nghiêm túc thì không thể có chuyện để lọt những hệ thống kỹ thuật không đạt tiêu chuẩn, chất lượng được đưa vào vận hành.
Ngoài ra, phần lớn người dân mới tập sống ở môi trường chung cư, bởi vậy những buổi sinh hoạt, tập huấn kỹ năng thoát hiểm cho cư dân khi xảy ra sự cố hết sức cần thiết.
* Ông NGUYỄN QUỐC TUẤN (trưởng ban quản trị chung cư Rubyland, Q.Tân Phú, TP.HCM):
Không "treo" tính mạng của cư dân
Ông Nguyễn Quốc Tuấn
Khi tiếp nhận toàn bộ cơ sở hạ tầng tòa nhà từ chủ đầu tư, việc ban quản trị lo lắng nhất vẫn là hệ thống thang máy và hệ thống phòng cháy chữa cháy. Bởi thực tế do lợi nhuận nên dù chung cư đi vào vận hành lâu năm, nhiều chủ đầu tư không chịu bàn giao hệ thống phòng cháy chữa cháy, công tác bảo trì chung cư cho ban quản trị.
Phần diện tích tầng hầm bao gồm tất cả các hệ thống bơm chữa cháy, hệ thống điện... nhưng chủ đầu tư cố tình chiếm giữ.
Có những chung cư vì lợi nhuận, chủ đầu tư thiết kế bao trùm toàn bộ diện tích, không có khuôn viên riêng cũng như các hệ thống kỹ thuật đầu tư không đảm bảo.
Hồ sơ kỹ thuật các hệ thống của nhiều tòa nhà cũng bị chủ đầu tư "giấu nhẹm". Ban quản trị thụ động trong việc kiểm soát, chọn đơn vị vận hành tòa nhà an toàn.
Do vậy, với chủ đầu tư là người làm kinh doanh có tâm thì phải thấy được người dân mua chung cư là khách hàng của mình. Cần phải giữ uy tín, không phải vì lợi ích trước mắt mà coi thường, "treo" tính mạng cư dân với những hệ thống kỹ thuật không đạt chuẩn chất lượng.
Khi làm dự án, cái gì thuộc về cư dân phải được bàn giao đầy đủ. Khi đó, cả ban quản trị và người dân mới có thể giám sát, thay sửa các hệ thống hư hỏng và thuê những đơn vị quản lý chuyên nghiệp để vận hành an toàn tòa nhà.
Cần có chế tài mạnh đối với những chủ đầu tư cố tình làm sai, chây ì trong việc bàn giao các hệ thống kỹ thuật tòa nhà cho cư dân.
Đừng đặt sự an toàn của mình vào "chiếc chuông câm"
Thực tế ở hầu hết chung cư, ngoài những lời quảng cáo "trên trời" của chủ đầu tư, người dân chỉ biết "mắt nhắm mắt mở".
Có bao nhiêu chung cư thực sự bảo đảm về độ an toàn cháy nổ và đã được nghiệm thu? Chúng tôi không biết! Làm sao để chúng tôi không phải bỏ tiền mua chung cư và mua luôn nỗi lo cho mình và người thân của mình?
Thực sự các chung cư ở nước ta có đảm bảo về an toàn cháy nổ như những lời quảng cáo ảo để khách đổ tiền mua? Bao sinh mạng con người, bao tài sản của cư dân sao phải nằm trong "chiếc chuông câm" kia?
Tại sao đã nghiệm thu phòng cháy chữa cháy mà "chuông báo cháy không kêu?". Thế chẳng phải là hệ thống chưa được bảo trì, hoặc chưa được bảo trì nghiêm túc hay sao?
Nhiều người tự trang bị kiến thức phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm khi có cháy xảy ra, nhưng cũng không ít người tỏ ra chủ quan, thờ ơ và... mù tịt.
Chỉ đến khi có sự việc xảy ra ở một nơi nào đó thì người ta mới tức tốc nghiên cứu qua những video hoặc kinh nghiệm được lan truyền trên báo, mạng xã hội.
Nhưng rồi mọi thứ lại đâu vào đấy, họ không dám chắc ở chung cư mình đang sống có thực sự đảm bảo về an toàn cháy nổ hay không.
Phòng bệnh mới quan trọng, không thể để sự việc xảy ra mới đi chữa bệnh.
Bạn đọc BẢO THOA (Hà Nội)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận