23/04/2020 16:31 GMT+7

Chùm phim đáng suy ngẫm về sự cô lập tinh thần và thể xác

KA KA (Theo Asia One)
KA KA (Theo Asia One)

TTO - Phải thừa nhận không hiếm cảm xúc tiêu cực bạn sẽ tìm thấy được trong thời gian cách ly tại nhà qua những bộ phim kinh điển như Rear Window, The Exterminating Angel, Housebound. Nhưng đâu chỉ thế...

Chùm phim đáng suy ngẫm về sự cô lập tinh thần và thể xác - Ảnh 1.

Rear Window (Alfred Hitchcock, 1954)

Rear Window (tựa đề Việt: Cửa sổ phía sau) là bộ phim sản xuất năm 1954 của đạo diễn Alfred Hitchcock.

Mang yếu tố bí ẩn, kinh dị, phim có sự tham gia của James Stewart, Grace Kelly, Wendell Corey, Thelma Ritter, Raymond Burr... được các nhà phê bình đánh giá là một trong những phim hay nhất của Hitchcock.

Rear Window nói về nhiếp ảnh gia LB "Jeff" Jefferies (Stewart) bị gãy chân và phải tạm nghỉ ngơi trên chiếc xe lăn trong căn hộ ở Chelsea.

Cửa sổ phía sau của căn phòng hướng ra sân và một số căn hộ khác. Trong một đợt nắng nóng, anh vô tình quan sát những người hàng xóm của mình luôn mở cửa sổ để cho phòng mát và tin rằng hàng xóm là thủ phạm giết vợ.

Chùm phim đáng suy ngẫm về sự cô lập tinh thần và thể xác - Ảnh 2.

James Stewart và Wendell Corey trong một cảnh quay của Rear Window (1954) - Ảnh: PARAMOUNT STUDIOS

Rear Window vừa là một cuộc kiểm tra về sự tò mò trong tất cả chúng ta, vừa là một câu chuyện cảnh báo về hậu quả đen tối đằng sau sự tò mò ấy. Nó cũng là một minh chứng cho sức mạnh của trí tưởng tượng của con người.

Rear Window nhận được 4 đề cử Oscar và được liệt vào danh sách "những bộ phim quốc gia" của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ như là một tài liệu "Có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ".

The Exterminating Angel (Luis Buñuel, 1962)

The Exterminating Angel nói về việc một nhóm quý tộc thượng lưu tổ chức bữa tiệc xa hoa tại nhà thiếu tá Señor Edmundo Nóbile và vợ Lucía. Sau bữa tiệc, vì một lý do không thể giải thích nào đó mà không vị khách nào rời đi được.

Những con người của tầng lớp trên bị mắc kẹt lại cùng nhau trong biệt thự giàu sang. Càng ở lâu cùng nhau, những hành động, lời nói tưởng như chỉ có ở những người bần tiện càng xuất hiện khiến cho người ta nhận thấy vẻ đẹp hào nhoáng, bóng bẩy và văn minh của tầng lớp quý tộc chỉ là giả tạo.

Những chiếc bình cổ quý giá được khen ngợi trước đó bị sử dụng để đi vệ sinh. Chẳng mấy chốc, thức ăn, nước cạn kiệt, thuốc quý bị đánh cắp; người già, người yếu bắt đầu chết.

Một số người khẩn trương tìm cách thỏa mãn những ham muốn khoái lạc bản năng, một số cầu nguyện và kêu gọi sự hi sinh, những người khác tự sát trong tuyệt vọng.

Chùm phim đáng suy ngẫm về sự cô lập tinh thần và thể xác - Ảnh 3.

The Exterminating Angel được coi là một kiệt tác siêu thực của nhà làm phim người Tây Ban Nha Luis Buñuel - Ảnh: SENSES OF CINEMA

Mọi thứ nghe có vẻ ảm đạm, hoảng loạn đến không thể chịu đựng được, nhưng Buñuel lại lột tả những cảm xúc ấy trong những thước phim hài hước nhất. Cho đến nay, The Exterminating Angel vẫn là bức chân dung rõ nét nhất của điện ảnh về sự đổ vỡ xã hội.

Nội dung châm biếm của The Exterminating Angel chứa đựng quan điểm cho thấy tầng lớp quý tộc "chứa chấp bản năng man rợ và những bí mật không thể nói ra". Đây được coi là một trong 1.000 bộ phim hay nhất do Thời báo New York bình chọn và được chuyển thể thành một vở opera vào năm 2016.

Đây không phải là một bộ phim (Jafar Panahi, 2011)

Vào cuối năm 2010, Jafar Panahi, một trong những nhà làm phim vĩ đại nhất của Iran, đã bị chính phủ kết án 6 năm tù và cấm 20 năm làm phim với cáo buộc âm mưu sản xuất tuyên truyền chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo (Islamic Republic).

Trong lúc đang bị quản thúc tại gia chờ phán quyết cuối cùng, Panahi đã làm điều rúng động dư luận: một bộ phim có tựa đề là Đây không phải một bộ phim.

Được quay trên iPhone và máy quay kỹ thuật số, trong Đây không phải là một bộ phim, Panahi kể về thói quen hàng ngày của mình, nói chuyện với các luật sư, diễn những cảnh trong phim mà ông tưởng rằng sẽ không bao giờ thực hiện, nói về công việc trước đây của mình, tương tác với một vài người hàng xóm và công nhân.

Chùm phim đáng suy ngẫm về sự cô lập tinh thần và thể xác - Ảnh 4.

Jafar Panahi trong bộ phim về chính mình - Ảnh: FILMATIQUE

Kết quả của những nội dung tưởng như chẳng liên quan gì đến nhau: sự giám sát cách ly của Nhà nước và những sinh hoạt hàng ngày cùng kế hoạch kháng án của một người bị quản thúc đã tạo nên một tác phẩm kinh điển.

Với Đây không phải là một bộ phim, người xem sẽ có rất nhiều cảm xúc: sự lồng ghép nội dung tuyệt vời, tác dụng của công nghệ đơn giản trong điện ảnh, ai cũng có thể làm phim. Có người thấy đây là một tác phẩm điện ảnh, nhưng cũng có người thấy như thể Panahi làm phim cho vui nhằm cố gắng giữ tinh thần tỉnh táo những ngày bị quản thúc.

Phim nhận được những đánh giá tích cực từ các trang tin tức lớn như The Washington Post, trang đánh giá Rotten Tomatoes và các nhà phê bình nổi tiếng.

Housebound (Gerard Johnstone, 2014)

Gerard Johnstone là một trong số rất ít đạo diễn trên thế giới ghi danh trên bầu trời điện ảnh ngay từ phim đầu tay.

Housebound ra mắt năm 2014 là một bộ phim hài xen yếu tố kinh dị, có sự tham gia của ngôi sao Morgana O'Reilly trong vai Kylie - một phụ nữ bị kết án quản thúc vì tội ăn cắp trong một ngôi nhà mà mẹ của Kylie tin rằng bị ma ám.

Chùm phim đáng suy ngẫm về sự cô lập tinh thần và thể xác - Ảnh 5.

Cảnh trong phim Housebound - Ảnh: GQ

Lúc đầu, Kylie nghĩ rằng mẹ cô chỉ tưởng tượng nhưng khi bắt gặp những cánh cửa chuyển động bí ẩn, nhiều vật thể biến mất và tiếng động trong đêm, cô bắt đầu sợ hãi và nghi ngờ xung quanh.

Sau một loạt các sự kiện, sự xuất hiện của các nhân vật mới, Kylie khám phá ra một vụ án mạng và những bí mật ẩn sâu dưới ngôi nhà của mình.

Crowhurst (Simon Rumley, 2017)

Crowhurst của nhà làm phim độc lập người Anh Simon Rumley có nội dung dựa trên câu chuyện có thật về Donald Crowhurst, một kỹ sư 35 tuổi tham gia vào một trong những cuộc phiêu lưu vĩ đại cuối cùng của thế kỷ 20.

Anh là một trong chín người đàn ông xuất phát từ bờ biển Anh để trở thành người đầu tiên hoặc là người nhanh nhất đi vòng quanh thế giới.

Chùm phim đáng suy ngẫm về sự cô lập tinh thần và thể xác - Ảnh 6.

Justin Salinger trong vai Donald Crowhurst - Ảnh: THEARTSDESK

Crowhurst được coi như một phiên bản khác của The Mercy, do James Marsh đạo diễn. Trong phim của Simon Rumley, Crowhurst bỏ ngoài tai mọi lời khuyên răn của vợ về một cuộc sống an yên bên gia đình, đã dốc hết tiền của để mua sắm thuyền và thiết bị để tham gia cuộc đua.

Nhưng anh ta nhanh chóng gặp thất bại, báo cáo gian dối về vị trí của thuyền khiến bản thân trải qua những ngày dày vò hối hận, hoảng loạn tinh thần khi thuyền ngày càng mất phương hướng.

Tây Ban Nha mang đến thế giới phim ảnh hoàn toàn mới Tây Ban Nha mang đến thế giới phim ảnh hoàn toàn mới

TTO - Những năm gần đây, phim ảnh Tây Ban Nha ngày càng vượt xa ngoài lãnh thổ và mang đến "một thế giới phim ảnh hoàn toàn mới" cho khán giả quốc tế.

KA KA (Theo Asia One)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên