Trả giá vì thói miệt thị
Ông Xuân là người đại diện pháp luật của công ty, ký hợp đồng lao động với ông T. là kế toán. Ông Xuân thường xuyên yêu cầu ông T. phải làm những công việc không được thỏa thuận trong hợp đồng và hai bên mâu thuẫn dẫn tới quyết định thôi việc vào tháng 6-2021.
Trong quyết định thôi việc, ông Xuân còn ghi những từ mà theo ông T. là bịa đặt như: "tự ý bỏ đi, không chấp hành quy định của pháp luật", "đi vào vùng có dịch", "không khai báo y tế"...
Ngoài ra, bằng tin nhắn chữ và tin nhắn thoại Zalo, ông Xuân nhiều lần xúc phạm, miệt thị ông T. "đừng lủi thủi như chó dại cúp đuôi" và nhiều ngôn từ tục tĩu để sỉ nhục.
Ông T. kiện yêu cầu ông Xuân phải bồi thường tổn thất tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, tổng cộng 44,7 triệu đồng.
Tháng 3-2023, Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An xử, nhận định những tin nhắn mang tính xúc phạm, miệt thị được nói và gửi trong thời gian ngắn, chưa phát tán, chưa gây thiệt hại nhiều đến tinh thần, vật chất cho ông T., nên tuyên buộc ông Xuân phải bồi thường số tiền tương đương 2 tháng lương cơ sở là 2,98 triệu đồng.
Lời nói không phải đao kiếm nhưng đôi khi vẫn có tính sát thương rất lớn, nhất là khi nó được mạng xã hội "trợ lực". Ông Hoàng Thanh Bình (58 tuổi, ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đã phải chịu cảnh khổ sở này vì chẳng may bị hàng xóm đăng hình lên mạng kèm với chú thích "chân dung kẻ sát nhân man rợ".
Nguồn cơn câu chuyện là chó nhà hàng xóm cắn chết gà nhà ông Bình. Quá tức giận, ông Bình dùng gậy đánh chết con chó của hàng xóm.
Vậy là chủ chó - một cô gái 22 tuổi - đăng lên mạng hình ảnh con chó sau khi bị đánh chết cùng chân dung của ông, với dòng trạng thái trên. Chị này còn tương tác, bình luận những câu như "em chết oan quá, mọi người lấy lại công bằng để em nó ra đi thanh thản"...
Sau đó, nhiều người kéo đến nhà ông Bình chửi bới, chất vấn, khủng bố tinh thần cả nhà, khiến ông phải nhờ công an xã đến giải tán. Lúc này cũng đang là mùa thu hái cà phê, gia đình ông Bình bị nhiều người hăm dọa, không dám ra vườn thu hái quả, thiệt hại chừng 2 tấn cà phê nhân tương đương 78 triệu đồng. Con cháu ông Bình đang học tại TP.HCM cũng bị người lạ tìm kiếm đe dọa.
Tại tòa, ông Bình không chứng minh được về thiệt hại của gia đình, nhưng vẫn bức xúc yêu cầu người hàng xóm phải bồi thường thiệt hại danh dự nhân phẩm là 50 triệu đồng, về tài sản là 60 triệu đồng và xin lỗi.
Người hàng xóm thừa nhận đăng tin lên mạng với lời lẽ dễ gây hiểu lầm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình ông Bình. Cô xin lỗi ông Bình, nhưng không đồng ý bồi thường vì cho rằng ông là người sai trước.
Trước phiên tòa này, cô cũng đã bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng xử phạt hành chính 5 triệu đồng vì cung cấp thông tin, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xúc phạm danh dự nhân phẩm của cá nhân.
Tòa xét thiệt hại trong vụ việc này, gồm tổn thất tinh thần của ông Bình tương đương 10 tháng lương cơ sở (14,9 triệu đồng), cộng với 800.000 đồng chi phí đi lại, tàu xe của ông Bình chi trả để tham gia giải quyết tại các cơ quan công an trước thời điểm tòa thụ lý vụ việc. Tổng cộng thiệt hại là 15,7 triệu đồng.
Dù vậy, xét thấy hai bên đều có lỗi ngang nhau, nên tòa tuyên cô gái hàng xóm phải bồi thường một nửa số tiền trên, là 7,85 triệu đồng. Tòa cũng ghi nhận việc ông Bình tự nguyện bồi thường 560.000 đồng là số tiền được cơ quan chức năng định giá con chó thuộc giống chó Nhật lai.
Ghen tuông mờ con mắt
Trong nhiều vụ việc tòa án các cấp xét xử về tranh chấp bồi thường thiệt hại do danh dự, uy tín bị xâm phạm, có nhiều vụ việc liên quan đến ghen tuông rồi xỉ vả hoặc "động thủ" với nhau.
Tháng 7-2023, TAND huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng xử vụ bà Giang (51 tuổi) kiện bà Uyên (44 tuổi) đòi bồi thường 7,45 triệu đồng vì bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Theo đơn kiện, bà Uyên nghi ngờ chồng có quan hệ bất chính với bà Giang nên tới tận nhà bà Giang chửi bới nhiều lần. Bà Giang yêu cầu hòa giải nhưng bà Uyên không đến, vậy nên bà Giang khởi kiện đòi bồi thường.
Tuy nhiên, theo bà Uyên, bà chỉ "nói lớn tiếng chứ không có chửi bới", hoặc "chửi phong long chứ không có kêu tên ai". Thế nên bà nhất quyết không bồi thường. Quá trình công an xã giải quyết vụ việc, xác định được ngoài việc chửi bới, bà Uyên còn mang chuyện này đi kể với nhiều người ở địa phương, lan truyền thông tin không đúng.
Tòa cho rằng mâu thuẫn này đơn giản, bà Uyên nên chọn cách cư xử văn minh hơn thay vì phát tán câu chuyện không đúng sự thật gây ảnh hưởng đến danh dự của bà Giang, làm mất tình làng nghĩa xóm. Tòa tuyên bà Uyên phải bồi thường 3 lần mức lương cơ sở, là 5,4 triệu đồng.
Cũng có trường hợp "chính thất" bị kiện, nhưng kết quả lại không phải bồi thường. Cuối năm 2022, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ án một diễn viên múa là Trần Thị D. (24 tuổi) kiện hai người phụ nữ vì đăng các bài viết mang tính xúc phạm.
Cụ thể, bà P.A. đăng bài "Chuyện hôm nay mới kể về ba của con tôi và cô nhân tình đã xen vào cuộc sống gia đình tôi". Một người em của bà chia sẻ lại bài viết, cùng những dòng trạng thái tương tự. Đặc biệt, trong phần bình luận của bài viết, người phụ nữ này dẫn link tới tài khoản Facebook của cô D., kêu gọi cộng đồng mạng chia sẻ bài viết lên các nhóm.
Cô D. liền kiện hai chị em bà P.A. ra tòa yêu cầu viết thư xin lỗi mình, bồi thường hơn 600 triệu đồng tiền thu nhập thực tế bị mất trong hai tháng (100 triệu đồng), tiền tàu xe đi lại xác minh sự việc (500 triệu đồng)...
TAND TP Thủ Đức đã tuyên buộc chị em bà P.A. phải viết thư xin lỗi và bồi thường số tiền 19,1 triệu đồng. Hai bị đơn kháng cáo vì cho rằng bà D. đã chen chân phá hoại gia đình người khác, còn đặt điều, xuyên tạc sự thật về bà P.A., nên việc yêu cầu viết thư xin lỗi và bồi thường là "ngược ngạo và bất công".
Bà P.A. kể khi biết việc qua lại giữa chồng mình và bà D., bà đã ly hôn, một mình nuôi con và không đụng chạm gì đến cuộc sống riêng tư của chồng cũ và bà D. nữa. Nhưng "cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng", bà D. nhiều lần tung tin bà P.A. ly hôn lấy hết tài sản của chồng, còn xúi nhân tình không thăm, không cấp dưỡng nuôi con...
Tòa phúc thẩm phân tích bài viết trên Facebook tuy có nêu cụ thể một số chi tiết về "nhân tình" của chồng người viết, nhưng không hề xác định danh tính, địa chỉ người này nên không có cơ sở xác định đó là bà D..
Bài viết có đăng một số hình ảnh từ tài khoản của bà D., nhưng theo tòa dưới các hình ảnh này không có ghi chú là hình ảnh nhân tình được nêu trong bài viết.
Tòa phân tích việc yêu cầu xin lỗi và bồi thường danh dự phải dựa trên đủ 4 yếu tố là có thiệt hại xảy ra, có hành vi trái pháp luật, có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm với thiệt hại xảy ra, có lỗi của người gây thiệt hại. Từ đó, tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà D..
Cụ thể, tùy theo tính chất, mức độ hành vi mà người vi phạm có thể bị truy cứu về tội vu khống hay làm nhục người khác...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận