TTCT - Chỉ vẻn vẹn 12 ngày sau khi Cơ quan Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) tổ chức cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), công bố việc khám phá một loại hạt cơ bản mới mang nhiều đặc điểm giống như hạt Higgs (*), sáng 16-7-2012 tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), GS Greg Landsberg, đồng giám đốc điều phối phòng thí nghiệm CMS của CERN, đã giới thiệu chi tiết nội dung khám phá.

GS Trần Thanh Vân, chủ tịch chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” (giữa), trò chuyện với GS Greg Landsberg, đồng giám đốc điều phối Phòng thí nghiệm CMS của CERN ở Geneva (bìa trái) và GS Marc Besanc5on, nhà vật lý nổi tiếng ở Saclay, Paris tại Quy Nhơn ngày 17-7 - Ảnh: Trường Đăng

Bản báo cáo khoa học của GS Greg Landsberg được trình bày trong phiên họp chung khai mạc hai hội nghị khoa học: Vật lý hạt cơ bản sau mô hình chuẩn và Va chạm ion nặng trong kỷ nguyên LHC. Hai hội nghị khoa học này diễn ra đồng thời, trong khuôn khổ Gặp gỡ Việt Nam lần 8 (từ ngày 16 đến 21-7-2012) do GS Trần Thanh Vân làm chủ tịch.

Nước đầu tiên ở châu Á nhận thông tin nguồn về hạt Higgs

“Hạt Higgs có hai chức năng: một là tạo khối lượng, hai là ngăn mô hình chuẩn không trở thành thứ gàn dở”

Trong diễn văn khai mạc, GS Trần Thanh Vân nêu rõ:  “Năm ngoái, máy va chạm Hadron lớn (LHC), máy gia tốc khổng lồ nhất hành tinh của CERN, bắt đầu hoạt động ở Geneva với sức mạnh chưa bao giờ đạt tới. 

Sau 25 năm chuẩn bị và hơn 10 năm xây dựng, LHC vận hành hoàn hảo; các kết quả thu được hết sức phong phú, vượt xa những dự báo lạc quan nhất.

Năm nay, một sự kiện đặc biệt làm rung chuyển thế giới khoa học vừa xảy ra cách đây 12 ngày: Công bố của hai nhóm thực nghiệm tại CERN là ATLAS và CMS về việc khám phá hạt boson Brout-Englert-Higgs (thường gọi là boson Higgs). Loại hạt này cho phép giải thích cơ chế phát sinh khối lượng của các hạt cơ bản trong mô hình chuẩn. 

Sự tồn tại của hạt Higgs được nêu lên như một giả thuyết vào năm 1964 và trở thành đối tượng của một cuộc săn lùng kéo dài gần nửa thế kỷ. Đó cũng là một trong những lý do chính cho việc xây dựng LHC của CERN.

Chúng ta rất may mắn bởi vì Hội nghị Quy Nhơn là hội nghị đầu tiên ở châu Á được các nhà lãnh đạo CERN tự mình đến tận nơi trình bày chi tiết về khám phá quan trọng ấy”. Nội dung cuộc gặp gồm nhiều lĩnh vực chuyên sâu như: vật lý boson Higgs, vật lý quark đỉnh, Neutrino, siêu đối xứng, sắc động lực học lượng tử, vật chất tối, chiều dư không - thời gian...

Đêm pháo hoa của những nhà nghiên cứu

Trong số 120 đại biểu đến từ 22 nước và vùng lãnh thổ, có nhiều người bạn thân thiết của Việt Nam như GS Boaz Klima.

Đây là lần đầu tiên GS Boaz Klima đến Quy Nhơn, và là lần thứ tư ông đến Việt Nam. Ông là một nhà vật lý nổi tiếng thế giới, người Mỹ gốc Do Thái, từng làm việc tại phòng thí nghiệm Dzero của Fermilab gần Chicago, và là một trong những tác giả chính của công trình khám phá hạt quark đỉnh vào năm 1995, trở thành một ứng viên của Giải Nobel. 

Từ năm 2004, ông chuyển sang châu Âu, làm việc tại phòng thí nghiệm CMS của CERN ở Geneva.

Ông đến Hà Nội lần đầu tiên vào năm 2000, liên tục dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 4, 5 và 6. GS Boaz Klima đã có công thuyết phục tổng giám đốc Fermilab tài trợ cho một nhóm các nhà vật lý thực nghiệm ở Phân viện vật lý TP.HCM, do PGS.TS Nguyễn Mộng Giao lãnh đạo, sang làm việc tại Fermilab (tên tắt của phòng thí nghiệm máy gia tốc quốc gia mang tên Fermi). Kết quả, Việt Nam được kết nạp làm thành viên của Dzero.

Quốc kỳ Việt Nam được kéo lên trong những ngày hội họp, và vào những ngày bình thường thì được treo ở gian phòng lớn của trung tâm vật lý thực nghiệm nổi tiếng thế giới này. 

Cho tới lúc bấy giờ, mới chỉ có bốn nước châu Á giành được vinh dự là thành viên của Dzero: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Việt Nam (Nhật Bản là thành viên một phòng thí nghiệm khác cũng của Fermilab).

GS Boaz Klima nói sở dĩ ông “lặn lội” đến một nơi xa xôi lạ lẫm như Quy Nhơn này chính là vì tình bạn với vợ chồng GS Trần Thanh Vân và cũng vì lòng yêu mến Việt Nam mà ông bà truyền cho. 

“Khi Gặp gỡ Việt Nam được tổ chức, tôi liền “theo gót” ông bà đến Việt Nam. Tình bạn là một tài sản quý báu trong cuộc sống thường ngày cũng như trong nghiên cứu khoa học. Có được một tình bạn sâu bền, tôi cảm thấy đời mình thêm hạnh phúc… Khi tuổi cao, con người ta dễ rơi vào bảo thủ mà không tự biết.

Nhưng GS Vân thì không thế. Rất nhạy cảm với cái mới, yêu mến các nhà nghiên cứu trẻ, và việc kêu gọi những nhà vật lý trẻ châu Á và thế giới đến Hội nghị Quy Nhơn là một thí dụ về sự nhạy cảm ấy”.

Liên quan về sự khám phá hạt Higgs, GS Boaz nói: “Giả thuyết về hạt Higgs được đưa ra năm 1964, khi tôi còn rất trẻ. Từ thời sinh viên, lòng tràn đầy mơ ước, tôi đã biết đến giả thuyết ấy. 

Có thể nói suốt cả đời tôi săn lùng hạt Higgs. Theo đuổi một sự nghiệp gần trọn đời như thế nên khi đạt tới cái đích thành công thì nỗi vui sướng thật không tả xiết, có thể ví như ngày bé được xem một đêm pháo hoa chói lói muôn màu…”.

Greg Landsberg cũng là một người bạn lâu năm của Việt Nam. Là GS Đại học Brown ở Mỹ, ông từng nhiều lần đến nhiều trường đại học nước ta - kể cả Trường đại học Quy Nhơn phía trước khách sạn Hải Âu - để tuyển sinh. 

Hai năm gần đây ông được biệt phái sang phòng thí nghiệm CMS, đúng vào thời điểm LHC bắt đầu hoạt động và cuộc săn lùng hạt Higgs bước vào giai đoạn nước rút.

Trả lời câu hỏi về ảnh hưởng của việc khám phá hạt Higgs đối với vật lý học hiện đại, ông cho biết: “Khám phá này khẳng định sự đúng đắn của mô hình chuẩn, cái khung lý thuyết về các hạt cơ bản, giúp ta hiểu tự nhiên sâu sắc hơn.

Trước hết, nó làm rõ cơ chế tạo ra khối lượng. Nó còn có thể giúp ta làm sáng tỏ thời kỳ đầu của vũ trụ sau vụ nổ lớn. Ngoài ra, nó còn giúp ta khám phá tính chất bí ẩn của vật chất tối (dark matter) và năng lượng tối (dark energy)…”.

Trong một cuộc nói chuyện bên lề, khi được hỏi “ông có nhớ câu tiếng Việt nào không”, GS Greg Landsberg trả lời dí dỏm: “Tôi chỉ nhớ được mấy từ “Chúc mừng năm mới!” nhưng nay chưa dùng được vì chưa tới năm mới! Thôi thì cứ vận dụng linh hoạt thành: Chúc mừng Higgs boson!”.

__________

(*): Xem TTCT số 28, ra ngày 13-7-2012

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận