Con số kỷ lục tân giáo sư, phó giáo sư được công nhận năm 2017 khiến chính những người đã từng nhiều năm đảm trách công việc chuyên môn tại Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cũng phải giật mình.
"Nghe tin có thêm hơn 1.200 người được công nhận giáo sư, phó giáo sư, tôi phải điện ngay cho anh em ở văn phòng hội đồng hỏi về lý do xuất hiện con số khủng. Có người giải thích, nhưng tôi cho rằng đánh giá khoa học phải nghiêm túc, không thể nói vì hạn nộp hồ sơ thêm vài tháng, hay vì tính "nhân văn" của "chuyến tàu cuối"... Vài ngày sau, Thủ tướng đã ra văn bản yêu cầu rà soát"- TS Đỗ Đức Tín- người nhiều năm làm trưởng phòng chuyên môn tại Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước- tâm tư.
"Chuyến tàu" trước khi thực hiện quy định mới với những tiêu chuẩn cao hơn đã cho kết quả "khó thể tưởng tượng".
Lịch sử Hội đồng chức danh GS Nhà nước từng ghi nhận đợt xét công nhận chức danh GS, PGS những năm 1991-1992 cũng có thêm hàng nghìn người được phong giáo sư, phó giáo sư.
Nhưng nói như nhiều chuyên gia, sự so sánh này vẫn quá khập khiễng khi đợt xét chức danh của 1/4 thế kỷ trước được thực hiện cộng dồn cho 5-6 năm/đợt với tiêu chuẩn rộng rãi hơn, còn hiện nay, năm nào cũng xét duyệt, rồi tấp nập vinh đanh...
Thủ tướng đã có chỉ đạo kịp thời cho một cuộc tổng rà soát ngay khi dư luận hoài nghi về đợt xét duyệt kỳ lạ. Phản ứng của Thủ tướng nhanh nhạy, kiên quyết, nhưng vấn đề dư luận quan tâm chính là việc thực thi và giám sát thực thi chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ.
Đã có một vài trường hợp làm dư luận nghi ngại khi công việc hành chính, bàn giấy ở bộ này ban kia, không dính dáng gì đến giảng dạy, lại bất ngờ đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư. Chỉ cần tập trung vào thành tích nghiên cứu, năng lực tiếng Anh, về số giờ giảng trên lớp…
Nếu có trường hợp không đạt chuẩn, cần kiên quyết loại bỏ, đồng thời công khai xử lý nghiêm cả hội đồng đã thông qua trước đó.
Dư luận đang chờ đợi sự rà soát minh bạch của 28 hội đồng ngành, liên ngành, cũng như những phán quyết nghiêm từ Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước.
Nhưng nhiều người cho rằng chính Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước là nơi chịu trách nhiệm về chuyến tàu vét bất thường này, nay lại đứng ra phân xử thì liệu có công tâm? Liệu có ai dũng cảm lấy đá ghè chân mình? Liệu "vừa đá bóng, vừa thổi còi" có đủ khách quan để tìm ra một đáp số đúng? Thậm chí, có ý kiến đặt vấn đề thẳng thắn: Liệu có ai tin khi "nghi phạm" lại vào vai "quan tòa" để xử án?
Một cuộc rà soát minh bạch với quy trình khách quan, độc lập có thể làm mất đi chức danh khoa học ở những ứng viên không đủ chuẩn. Nhưng cái được là lấy lại lòng tin, chấn chỉnh hoạt động xét duyệt, công nhận giáo sư đang dấy lên quá nhiều nghi ngại.
Cái được lớn hơn nữa là những người háo danh không đủ tiêu chuẩn không còn dám mon men, chạy chọt cho bằng được. Đó cũng là cách để tôn vinh những giáo sư đích thực, không để vàng- thau lẫn lộn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận