Dạ dày lợn "bổ bằng 10 vị thuốc"
ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, cho biết dạ dày lợn là một trong những phủ tạng động vật được dùng để chữa bệnh và bồi dưỡng sức khỏe sớm nhất và thông dụng nhất trong y học cổ truyền phương Đông.
Dạ dày được cổ nhân coi là "cái bể chứa thủy cốc", có công dụng thu nhận và làm chín nhừ thức ăn.
Khi dạ dày bị bệnh thì quá trình tiêu hóa đồ ăn thức uống bị trở ngại, phát sinh các chứng như: đau bụng, chán ăn, đầy bụng, chậm tiêu, buồn nôn, đi lỏng, cơ thể gầy sút mệt mỏi... Vì vậy, người ta coi dạ dày lợn là thực phẩm vô cùng bổ dưỡng. Người Trung Quốc xưa có câu "một dạ dày lợn bằng 10 vị thuốc" để đề cao công dụng của loại thực phẩm này.
Theo y học cổ truyền, dạ dày lợn vị ngọt, tính ấm, có công dụng kiện tỳ, ích vị, bổ hư nhược, ngoài dùng điều trị các bệnh lý về dạ dày, dạ dày lợn còn được dùng để chữa trị nhiều chứng bệnh khác như: suy nhược cơ thể, thiếu máu, viêm gan, vàng da, xơ gan, đái đường, rối loạn tiểu tiện, sa tử cung, di tinh, trẻ em suy dinh dưỡng, chứng ra mồ hôi nhiều ban đêm...
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy dạ dày lợn rất giàu đạm, đường, mỡ, các nguyên tố vi lượng và các vitamin A, B, E và B12 cũng như sắt, magiê, natri, kali, canxi và các chất dinh dưỡng khác.
Đặc biệt, trong dạ dày lợn còn một số men như pepsin, gastrin và gastric mucoitin... Những chất này được cơ thể hấp thụ dễ dàng, giúp nâng cao khả năng miễn dịch, đồng thời có thể đóng vai trò chữa bệnh.
Theo sách y học "Bản thảo cương mục", dạ dày lợn có tác dụng bổ tỳ vị, tăng cường sinh lực và làm dịu thần kinh, vì trong bụng lợn chứa các thành phần có tác dụng bồi bổ dạ dày và dưỡng khí, rất thích hợp cho người suy nhược, thể trạng yếu... Một số tác dụng chính như sau:
- Bảo vệ dạ dày: Dạ dày lợn tính ấm, có tác dụng cải thiện chức năng đường tiêu hóa, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thụ..., do đó khi đi vào cơ thể, món ăn này thúc đẩy quá trình bài tiết chất độc, giảm bớt gánh nặng cho dạ dày.
- Cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể: Dạ dày lợn ngoài chứa nhiều vitamin, protein và một số thành phần chất béo thì còn có hàng loạt nguyên tố khoáng như magiê, sắt, canxi… có thể giúp bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, tăng cường chức năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Người có hệ miễn dịch yếu, dễ mắc bệnh khi thời tiết chuyển mùa... ăn dạ dày lợn với lượng thích hợp để tăng sức khỏe thể chất.
- Phòng chống thiếu máu: Cơ thể bị thiếu sắt không thể hoàn thành việc cung cấp máu bình thường, dẫn đến thiếu máu. Dạ dày lợn rất giàu các nguyên tố khoáng, đặc biệt là chất sắt rất tốt, sau khi vào cơ thể con người sẽ được cơ thể hấp thụ nhanh chóng, có tác dụng cải thiện chức năng tạo máu và ngăn ngừa hiệu quả tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.
- Tăng sinh lực cho nam giới: Phái mạnh có thể ăn dạ dày lợn như một món ăn bồi bổ cơ thể, vì nó có tác dụng bổ tỳ vị rất tốt, giúp giảm bớt tình trạng suy nhược cơ thể, đồng thời tránh được chứng tiểu đêm nhiều.
- Ngừa đi tiểu thường xuyên và tiểu gấp: Nhiều người có thể gặp phải tình trạng đi tiểu nhiều lần, tiểu gấp. Lúc này ăn một ít dạ dày heo đúng cách có thể giúp giảm bớt tình trạng đi tiểu nhiều lần...
Một số món ăn - bài thuốc từ dạ dày lợn
ThS Hoàng Khánh Toàn cho biết trên cơ sở học thuyết "Đồng khí tương cầu" và "Dĩ tại bổ tạng" (lấy tạng bổ tạng) khi cơ thể con người bị các bệnh lý tiêu hóa nói chung và dạ dày, đại tràng nói riêng, cổ nhân đã dùng dạ dày lợn để làm thuốc chữa trị dưới dạng các món ăn bài thuốc theo tình trạng bệnh:
Viêm dạ dày mạn tính
Cháo dạ dày: Dạ dày lợn 1 cái, bạch truật 30g, gừng tươi 10g, gạo tẻ 100g. Cách chế biến: Dạ dày lợn rửa sạch, thái miếng; Bạch truật và gừng tươi rửa sạch, thái phiến, sắc kỹ lấy nước rồi ninh cùng với gạo và dạ dày lợn thành cháo, khi được chế đủ gia vị chia ăn vài lần trong ngày.
Công dụng: kiện tỳ ích vị dùng cho những người bị viêm dạ dày mạn tính thể tỳ vị hư nhược, biểu hiện bằng các triệu chứng đau bụng âm ỉ, chườm nóng thì đỡ đau, ăn kém, đầy bụng chậm tiêu đi lỏng.
Dạ dày hầm hạt tiêu: Dạ dày lợn 1 cái, hạt tiêu 9-15g. Dạ dày lợn rửa sạch, hạt tiêu đập vụn cho vào trong dạ dày rồi dùng chỉ khâu lại, cho vào nồi dùng lửa nhỏ hầm chín, khi được chế thêm gia vị uống nước hầm và ăn dạ dày. 2 - 3 ngày dùng 1 lần. Nếu không có hạt tiêu có thể dùng sa nhân 15g thay thế.
Công dụng: bổ tỳ kiện vị, ôn dương thông mạch, dùng cho những người bị viêm dạ dày mạn tính thể tỳ vị hư hàn.
Loét dạ dày
Dạ dày hầm hà thủ ô: Dạ dày lợn một cái, tiểu hồi hương sau 15g, hà thủ ô 60g. Dạ dày lợn làm sạch, hà thủ ô thái nhỏ, tiểu hồi đập vụn hai thứ cho vào túi vải buộc lại rồi đem hầm cùng với dạ dày cho thật nhừ, khi được bỏ túi vải da chế thêm gia vị chia ăn vài lần trong ngày. Mỗi liệu trình dùng liên tục 12 ngày.
Công dụng kiện tỳ ích vị, ôn dương dưỡng huyết dùng cho người bị loét dạ dày tá tràng thể tỳ vị hư nhược kèm theo tình trạng thiếu máu.
Dạ dày hầm tảo hưu: Dạ dày lợn 1 cái, tảo hưu (thân rễ của cây Bảy lá một hoa) 20g. Dạ dày lợn được làm sạch, tảo hưu thái vụn nhét ở trong dạ dày dùng chỉ buộc kín miệng đem hầm nhỏ lửa với 2,5 lít nước và một chút muối ăn, khi cạn còn chừng 1,5 lít thì lấy dạ dày ra, bỏ hết bã thuốc bên trong rồi lại tiếp tục cho dạ dày vào hầm thật nhừ.
Khi được chế thêm gia vị chia ăn vài lần trong ngày. 3 - 4 ngày dùng 1 lần.
Dạ dày hầm chỉ xác, gừng tươi: Dạ dày lợn 1 cái, chỉ xác 12g, thanh bì 6g, gừng tươi 4 lát. Dạ dày lợn làm sạch thái miếng, các vị thuốc đem sắc kỹ lấy nước hầm với dạ dày cho thật nhừ, khi được chế thêm gia vị chia ăn vài lần trong ngày.
Công dụng: Sơ can, giải uất, kiện tỳ, ích vị dùng thích hợp cho những người bị viêm loét dạ dày tá tràng thuộc thể can khí uất trệ biểu hiện bằng các triệu chứng đau bụng ngực sườn, đầy tức hay cáu giận, buồn nôn và nôn ra nước mật đắng, bụng đầy chậm tiêu.
Nhìn chung, ăn dạ dày lợn đúng cách có thể nâng cao thể lực và chữa trị một số bệnh. Tuy nhiên hàm lượng cholesterol trong dạ dày lợn tương đối cao, đối với những người mắc bệnh như tim mạch, mạch máu não hoặc béo phì thì không nên ăn nhiều.
Dạ dày là loại thực phẩm nội tạng rất dễ nhiễm khuẩn. Vì vậy cần chế biến ngay khi mua về để tránh tình trạng ôi thiu, xuất hiện mùi khó chịu hoặc biến chất. Nên dùng chanh, giấm, muối hạt làm sạch dạ dày trước khi chế biến.
Ngay cả khi đã nấu chín và không sử dụng hết, phần nội tạng thừa cũng nên bỏ đi chứ không nên ăn sau khi đã để qua đêm vì chúng rất dễ nhiễm khuẩn trở lại và gây ngộ độc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận