Muốn làm gương cho trẻ, chính mình phải là một tấm gương - Ảnh minh họa: DUYÊN PHAN
"Có lần học trò đến đón tôi mà không mang theo mũ bảo hiểm. Tôi không chịu đi. Cậu ấy nói: ở đây không có công an đâu. Tôi vẫn không đi. Thực ra tôi chẳng sợ công an bắt. Tôi sợ học trò hay phụ huynh nhìn thấy" - giảng viên một trường đại học ở TP.HCM kể lại chuyện mình gặp phải. Ông chốt lại rằng làm thầy giáo là phải chuẩn mực, từ ăn mặc, đi đứng, nói năng. Chưa chuẩn là phải sửa.
Có thể coi chuẩn mực của nghề giáo là cái gương để các thầy cô soi mình vào đó, thấy mình được và chưa được gì, có được mục tiêu để phấn đấu, chinh phục và hoàn thiện.
Đến lượt mình, chính các thầy cô giáo lại là tấm gương để học trò soi chiếu vào đó, trở thành bài học thực tế sinh động nhất, thuyết phục nhất trên hành trình học của trò với ba đích đến: học cho thành người, học cho thành dân (công dân) và học để làm việc, như tác giả Giản Tư Trung đã viết trong cuốn sách Đúng việc.
Chính ông Giản Tư Trung, trong trò chuyện về chân dung người thầy trong bối cảnh mới, chia sẻ một "căn bệnh" mà ông cho là khá phổ biến. Đó là có những ông sếp đi học được cái gì hay về chia sẻ cho nhân viên của mình, còn mình không áp dụng; cha mẹ học cái gì hay cũng bắt con mình làm, còn mình được... miễn; tương tự, thầy cô cũng bắt học trò làm, còn mình thì... làm theo cách khác.
"Tôi cho rằng dạy học trò mà không bắt đầu từ chính con người mình thì thường không khả thi, hiệu quả" - ông Trung nói.
Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chuẩn hiệu trưởng nhà trường phổ thông và chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông. Hai thông tư này không mới vì được phát triển, chỉnh sửa, bổ sung từ hai thông tư có từ gần 10 năm trước đây. Hơn nữa, việc định chuẩn cho ngành nghề, công việc là điều hết sức bình thường, nếu không muốn nói là bắt buộc đối với quản trị nhân sự.
Theo đó, công thức 4J gồm Job Description - JD (mô tả công việc: liệt kê các nhiệm vụ, chức năng, các mối quan hệ trong công việc); Job Requirements - JR (các yêu cầu công việc: học vấn, bằng cấp, kinh nghiệm, điều kiện làm việc, kiểm tra, giám sát...); Job Specification - JS (các tiêu chuẩn công việc: yêu cầu về năng lực, phẩm chất, tố chất cần thiết cho công việc) và Job Profile - JP (hồ sơ công việc).
Bình thường là vậy, nhưng không ít thầy cô xôn xao, lo lắng. Cũng dễ hiểu, phần lớn thầy cô đang "bơi" trong "biển" áp lực, giờ lại thêm yêu cầu, đòi hỏi mới của bối cảnh mới, đặc biệt là năng lực "quản trị nhà trường" (nâng cấp từ năng lực "quản lý" trong các chuẩn trước đây) đối với hiệu trưởng và "phẩm chất nhà giáo" đối với giáo viên.
Đó là chưa kể các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó đáng chú ý là tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học cũng sẽ ít nhiều "ám ảnh" các thầy cô...
Một chuẩn mực mới được ban hành, dù muốn hay không, cũng là áp lực cho đối tượng mà nó điều chỉnh. Chuẩn có thể cao một chút, tựa như mức xà trong nhảy cao luôn được nâng lên để các vận động viên rướn, cố gắng chinh phục; có thể là áp lực nhất thời đối với thầy cô.
Nhưng khi đã chinh phục, đã đạt được, chuẩn cuối cùng lại là giải pháp để hóa giải áp lực, để thầy cô tự tin, yên tâm làm nghề, một nghề rất đặc thù khi tạo ra những sản phẩm đặc thù: con người. Mà trong hành trình làm nghề đặc biệt đó, chuẩn mực và tấm gương là công cụ không thể thiếu vắng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận