TTO - Theo đề xuất của Sở Xây dựng TP.HCM, diện tích nhà bình quân tối thiểu để nhập hộ khẩu vào nhà do thuê, ở nhờ, mượn của người khác tại TP.HCM là 20m2/người.

Diện tích bình quân này sẽ được điều chỉnh tăng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của TP.HCM theo từng thời kỳ. 

Hiện nay, diện tích bình quân tối thiểu để đăng ký hộ khẩu thường trú vào nhà do thuê, ở nhờ, mượn là 5m2/người, bằng 1/4 diện tích so với mức đề xuất mới.

Ngoài khả năng nhiều người nhập cư

Nhiều người cho rằng mức diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ tối thiểu 20m2 sàn/người là yêu cầu quá cao so với điều kiện sống của đa số người dân nhập cư trên địa bàn thành phố hiện nay.

Gia đình anh Lê Văn Trung (quê Cà Mau) có 3 người hiện đang thuê phòng trọ rộng 15m2 gần Khu công nghiệp Tân Bình với giá khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng. 

Căn phòng vừa đủ để 3 người sinh hoạt. Cả hai vợ chồng có thu nhập 24 triệu đồng/tháng.

Vợ chồng anh Trung dự định đăng ký hộ khẩu thường trú để tiện cho con đi học. 

Với điều kiện hiện tại thì anh đủ khả năng, nhưng nếu Nhà nước đòi hỏi phải có diện tích chỗ ở bình quân 20m2/người thì anh không đáp ứng được. 

Anh nhẩm tính: "Với tiêu chuẩn 20m2/đầu người, để nhập khẩu được, gia đình tôi phải thuê căn hộ rộng ít nhất 60m2 với giá từ 7 đến 9 triệu đồng/tháng, số tiền còn lại sẽ không đủ để trang trải các khoản chi phí khác như ăn uống, tiền sữa, tiền học cho con..., chưa nói đến chuyện tích lũy phòng khi đau ốm".

Theo anh Trung, nếu không đủ điều kiện đăng ký hộ khẩu thường trú, vợ chồng anh vẫn tạm trú ở đây làm việc và gửi con về quê đi học.

Theo khảo sát thực tế, hầu hết các dãy trọ, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố, chủ trọ xây diện tích sàn mỗi phòng trọ chỉ khoảng 15 - 20m2

Mỗi phòng trọ thường có từ 3 người độc thân hoặc gia đình từ 3 - 4 người cùng ở. Nếu quy định mức diện tích bình quân 20m2/người sẽ khó khăn cho người dân muốn đăng ký thường trú tại TP.HCM.

Chuẩn quá cao trong quy định diện tích chỗ ở nhập hộ khẩu TP.HCM - Ảnh 1.

Sở Xây dựng TP.HCM: đã có cân nhắc

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, TP là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục nên quá trình phát triển đã thu hút số lượng lớn người lao động nhập cư từ các tỉnh, TP khác đến TP.HCM sinh sống, làm việc.

Việc tăng dân số góp phần giải quyết nguồn lao động trong quá trình phát triển nhưng đồng thời gây áp lực lớn cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của TP. 

Đó là ùn tắc giao thông, trường học, bệnh viện quá tải, thiếu công trình công cộng, ô nhiễm môi trường... 

Đặc biệt, tình trạng quá tải xảy ra nhiều ở khu trung tâm TP và những vùng có tốc độ đô thị hóa nhanh, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của người dân.

Chuẩn quá cao trong quy định diện tích chỗ ở nhập hộ khẩu TP.HCM - Ảnh 2.

Đơn vị tính: m2 sàn/người - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Về diện tích tối thiểu bình quân 20m2/người, Sở Xây dựng cho biết đây là diện tích đã được Sở Tư pháp, Sở Xây dựng và Công an TP thống nhất lựa chọn. 

Mức diện tích bình quân lấy từ tiêu chí phấn đấu được đặt ra trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10: "Đến năm 2020, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 40 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8m2/người". 

Đây cũng là chỉ tiêu diện tích bình quân nhà ở trên đầu người vào năm 2020 theo dự thảo chương trình phát triển nhà ở của TP giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025.

Vì vậy, Sở Xây dựng nhận định việc ban hành quy định diện tích bình quân tối thiểu để nhập hộ khẩu vào TP là cần thiết, bảo đảm quyền cư trú của công dân và bảo đảm chất lượng sống tối thiểu ở TP.HCM. 

Tiêu chí diện tích bình quân tối thiểu trên đầu người này đáp ứng yêu cầu từng bước phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của TP, nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú, an ninh trật tự, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Chuẩn quá cao trong quy định diện tích chỗ ở nhập hộ khẩu TP.HCM - Ảnh 3.
Chuẩn quá cao trong quy định diện tích chỗ ở nhập hộ khẩu TP.HCM - Ảnh 4.

Rất đông người nhập cư chỉ mong có chỗ ở tối thiểu, thiếu cả chỗ vui chơi cho trẻ em, nên khó đáp ứng được tiêu chuẩn để được đăng ký hộ khẩu - Ảnh: DUYÊN PHAN

Khó ngăn được dòng nhập cư

Mặc dù trong tờ trình, Sở Xây dựng không khẳng định việc tăng diện tích chỗ ở bình quân đầu người nhằm hạn chế người nhập cư, nhưng theo những người theo dõi lĩnh vực này, điều này được ngầm hiểu như vậy: một "kỹ thuật" hạn chế dân nhập cư.

Một chuyên gia quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết trong thực tế việc đăng ký thường trú và chỗ ở của người dân hoàn toàn khác nhau. 

Trên thực tế, người dân nhập cư đến TP.HCM không phải vì muốn được đăng ký hộ khẩu thường trú mà họ đến TP và ở lại vì họ tìm được việc làm, tìm được cơ hội khởi nghiệp, cơ hội tiến thân. 

Họ chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú vì những mục đích khác như để con đi học thuận tiện hơn, để được vay tiền ngân hàng... Việc tăng điều kiện được đăng ký hộ khẩu vào TP không hẳn ngăn được dòng người nhập cư từ các tỉnh.

Chuẩn quá cao trong quy định diện tích chỗ ở nhập hộ khẩu TP.HCM - Ảnh 5.

Chuyên gia Lê Văn Thành còn lo lắng việc đặt ra tiêu chuẩn quá cao để đăng ký hộ khẩu thường trú không những không ngăn được nhập cư mà còn làm cho người nhập cư muốn có hộ khẩu TP phải lách luật. 

Đó là người ta có thể thuê nhà rộng để ở đủ thời gian đăng ký hộ khẩu rồi sau đó thuê nhà nhỏ hơn, hoặc sau khi đăng ký vào chỗ cho ở nhờ, người có hộ khẩu sẽ chuyển đi chỗ khác. 

Điều này sẽ làm việc quản lý trật tự xã hội thêm khó khăn.

Xa hơn, có ý kiến lo rằng quy định diện tích tối thiểu để đăng ký hộ khẩu thường trú sẽ làm rối thêm công việc của xã hội. 

Nó làm cho người ta phải đối phó nhau, gian dối nhau, tạo điều kiện cho cán bộ hạch sách, làm khó người dân, cơ quan nhà nước phải thêm việc (xác nhận diện tích nhà)...

Lãnh đạo một quận nội thành cũng thừa nhận rằng "nước về chỗ trũng" là quy luật tự nhiên. Nhà nước thừa nhận người nhập cư là một nguồn lao động cho TP, nên chăng tìm cách để phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ người dân tốt hơn.


Với tiêu chuẩn 20m vuông/đầu người, để nhập khẩu được, gia đình tôi phải thuê căn hộ rộng ít nhất 60m vuông với giá từ 7 - 9 triệu đồng/tháng. Số tiền còn lại sẽ không đủ để trang trải các khoản chi phí khác như ăn uống, tiền sữa, tiền học cho con...

Anh Lê Văn Trung (người Cà Mau, làm việc ở TP.HCM)


Chuẩn quá cao trong quy định diện tích chỗ ở nhập hộ khẩu TP.HCM - Ảnh 7.

Gia đình chị Thúy Hằng (bìa phải) gồm 5 người sống trong phòng trọ 15m2 gần Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hà Nội: 15m2/người

Quy định diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú tại Hà Nội là 15m2 sàn/đầu người, áp dụng đến năm 2020.

Theo UBND TP, tại thời điểm ban hành chỉ tiêu này đảm bảo cao hơn diện tích tối thiểu đối với chỗ ở do thuê, mượn hoặc ở nhờ tại TP Hà Nội là 5m2 sàn/người theo quy định tại nghị định số 56 năm 2010 của Chính phủ (về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cư trú).

Ngoài ra, quy định này phù hợp định hướng quy hoạch chung xây dựng thủ đô, quy hoạch phân khu có liên quan, dân số tại khu vực nội thành Hà Nội đến năm 2015 được xác định là 23,1m2/người cho nội ô lịch sử và 26,8m2/người cho khu vực nội thành còn lại.

UBND TP Hà Nội khẳng định quy định về diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú ở nội thành Hà Nội đến hết năm 2015 là 15m2 sàn/đầu người đến nay vẫn phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú năm 2013, Luật nhà ở năm 2014, nghị định số 31 năm 2014 và nghị định số 100 năm 2015 của Chính phủ, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thủ đô, quy hoạch phân khu có liên quan...

LÂM HOÀI

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên