Bà Nguyễn Ngọc Yến, công nhân dọn dẹp vệ sinh nuôi ba cháu nội, một hộ dân nghèo ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Làm thế nào để không có chuyện xét nhầm hộ nghèo, chuyện hộ cận nghèo có nhà lầu? Những sai lệch trong bình xét hộ nghèo được xử lý ra sao? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tô Đức - phó vụ trưởng, phó chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động, thương binh và xã hội) - cho biết:
- Quy trình xét hộ nghèo rất chặt chẽ, qua nhiều bước. Đầu tiên là "nhận dạng nhanh" những hộ giàu, có tài sản (nhà cửa đàng hoàng, xe, thu nhập cao...) sẽ bị loại ngay.
Tiếp đó, ban giảm nghèo lên danh sách hộ nghèo. Ở khâu này sẽ có thang bảng điểm để đối chiếu với quy định.
Tiếp đó là tổ chức họp dân, nếu có ý kiến nghi ngờ về hộ nào trong danh sách sẽ dừng lại ngay để xem xét.
UBND xã sẽ niêm yết danh sách tại trụ sở xã, thôn, nhà văn hóa, thông tin rộng rãi cho bà con biết kết quả rà soát.
Sau đó, chủ tịch UBND xã mới chuyển lên UBND huyện thẩm định. Chủ tịch huyện thẩm định xong, chuyển về xã để chủ tịch UBND xã ra quyết định công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Quy trình nếu làm đúng thì không thể có trường hợp hộ nghèo có nhà lầu. Chỉ có thể là cố tình làm sai làm lệch, ký tá, bao che, thực hiện không đúng quy trình mới có chuyện đó.
Việc chế tài, xử lý hành vi cố ý làm sai lệch trong xét chọn hộ nghèo hiện nay vẫn chưa nghiêm minh. Ví dụ như ở Thanh Hóa, người nhà của cán bộ xã nằm trong danh sách hộ nghèo chỉ mới xử lý cán bộ bằng cách đưa ra khỏi nhân sự cấp ủy.
Vậy vai trò chủ tịch xã trong việc quyết định danh sách hộ nghèo thì sao khi trách nhiệm chính là UBND cấp xã và chủ tịch UBND xã? Ở đây có thể là nể nang hoặc có dấu hiệu bao che, chứ như việc tương tự ở Lạc Sơn, Tân Lạc (Hòa Bình) khi phát hiện là đình chỉ ngay cán bộ có liên quan.
Trong tháng 6-2020, Bộ Lao động, thương binh và xã hội sẽ trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành quyết định về chuẩn nghèo đa chiều mới. Theo tính toán, khi áp dụng chuẩn nghèo này, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo sẽ tăng lên trên 16% dân số.
Cuối năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo của Việt Nam là 3,75%, hộ cận nghèo là 4,45%. Với chuẩn mới này, số hộ nghèo sẽ tăng từ 3,75% lên 9,3% và hộ cận nghèo sẽ tăng từ 4,45% lên 7,3%. Với mục tiêu mỗi năm giảm 1,5% hộ nghèo, cận nghèo thì đến năm 2025, tỉ lệ của chúng ta sẽ giảm xuống dưới 10%.
Chuẩn nghèo mới không chỉ có tiêu chí về thu nhập, mà phải xem xét đến các thiếu hụt về dịch vụ y tế, giáo dục, dịch vụ về nhà ở, nước sạch, dịch vụ thông tin, việc làm... Chúng tôi cũng thay đổi, bổ sung hướng dẫn bình xét. Quy trình mới sẽ quy định rõ vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã, quy định rõ các biện pháp giám sát...
Nâng chuẩn nghèo, vì sao?
Tăng trưởng kinh tế, chuẩn mức sống nâng lên, chuẩn nghèo cũng phải nâng lên. Theo mức mới, hộ gia đình thành thị có mức thu nhập bình quân dưới 2 triệu đồng/người/tháng có thể được xét là hộ nghèo, ở nông thôn là dưới 1,5 triệu đồng.
Hiện tại, mức áp dụng với hộ cận nghèo, hộ nghèo khu vực thành thị là 900.000 - 1,3 triệu đồng/người/tháng (thành thị) và 700.000 - 900.000 đồng/người/tháng (nông thôn).
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, mức sống tối thiểu năm 2020 là 2 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị và khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng. Các giai đoạn trước, chuẩn nghèo căn cứ mức thu nhập, thu nhập đáp ứng 70% mức sống tối thiểu (tính bằng 2.100kcal/người/ngày), tức là chỉ đáp ứng việc ăn không đói, ăn không thiếu.
Với chuẩn mới (chuẩn nghèo mới phải là thu nhập bình quân 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng), chúng ta tính đến việc không chỉ ăn no mà phải ăn ngon hơn, chất lượng hơn, an toàn hơn, nâng chất lượng cuộc sống.
Chuẩn nghèo TP.HCM cao gần 3 lần chuẩn nghèo quốc gia
Ông Lê Minh Tấn - giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM
Ông Lê Minh Tấn - giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM - cho biết chuẩn nghèo tính theo thu nhập của TP.HCM giai đoạn 2016-2020 là dưới 21 triệu đồng/người/năm với hộ nghèo và 28 triệu đồng/người/năm đối với hộ cận nghèo. Mức thu nhập đã được linh hoạt điều chỉnh tăng cho giai đoạn 2019-2020 ở mức 28 và 36 triệu đồng/năm, gần gấp 3 so với chuẩn nghèo quốc gia.
"TP.HCM không chỉ đánh giá hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập mà còn dựa theo năm yếu tố khác. Các yếu tố này được cụ thể hóa bằng 11 chỉ số gồm trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, trình độ nghề, mức độ tiếp cận các dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở, nước sinh hoạt, sử dụng viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Theo đó, những hộ có thu nhập cao hơn chuẩn nghèo (không nghèo thu nhập) nhưng lại thiếu hụt các dịch vụ cơ bản cũng có thể được công nhận hộ nghèo.
TP.HCM hiện có khoảng 3.300 tổ tự quản giảm nghèo ở các ấp, tổ dân phố. Phần lớn tổ trưởng tổ tự quản là những người nghèo đã thoát nghèo. Tháng 11 hằng năm, các tổ tự quản đều tổ chức xem xét danh sách hộ nghèo, cận nghèo. Người dân cùng tham gia bình xét để đảm bảo tính công khai, minh bạch" - ông Tấn nói.
V.THỦY ghi
Hộ nghèo ở nông thôn sẽ tăng cao
Bà Hà Thị Tuyên (bản Cang, xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) có ý kiến: "Nếu áp dụng mức thu nhập dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng để xét hộ nghèo nông thôn, địa phương chúng tôi sẽ thêm nhiều hộ dân vào diện hộ nghèo. Huyện miền núi Quan Hóa có nghề chính là khai thác lâm sản và làm nông, thu nhập thấp, bấp bênh. Một gia đình có 2 con, 2 lao động chính làm nghề nông lâm nghiệp, thu nhập với mức dưới 3 triệu đồng/tháng là hộ nghèo rồi".
Một người trồng lúa ở xã Thiệu Chính, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) cho biết ở đây, nếu có 4 sào đất chỉ trồng lúa (500m2/sào) đều có thu nhập dưới 1 triệu đồng/người/tháng. Áp dụng chuẩn hộ nghèo mới, số hộ nghèo ở khu nông thôn sẽ tăng cao, hộ cận nghèo sẽ thành hộ nghèo.
HÀ ĐỒNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận