Theo văn bản hướng dẫn thực hiện, đầu tiên giáo viên phải tự đánh giá và cơ sở giáo dục sẽ căn cứ vào đó để đánh giá, xếp loại giáo viên hằng năm. Trong từng tiêu chuẩn đánh giá, giáo viên phải có những minh chứng liên quan đến các tiêu chí quy định để có được số điểm cụ thể của mình. Với sáu tiêu chuẩn bao gồm 25 tiêu chí, thật không dễ chút nào cho việc tìm nguồn minh chứng.
Ở tiêu chí 2 về đạo đức nghề nghiệp, để có được 4 điểm, giáo viên phải “say mê, toàn tâm toàn ý với nghề, gương mẫu và vận động mọi người nghiêm chỉnh chấp hành các điều lệ quy chế...”.
Làm thế nào để xác định mình toàn tâm toàn ý với nghề? Minh chứng nào cho việc gương mẫu và vận động mọi người nghiêm chỉnh chấp hành điều lệ, quy ước? Ở tiêu chí 7 - Tìm hiểu môi trường giáo dục, giáo viên phải có điều gì đó chứng minh cho việc “biết thâm nhập thực tế tìm hiểu tình hình địa phương qua tiếp xúc với cán bộ chính quyền địa phương...”.
Nhiều đồng nghiệp nói đùa: “Chúng ta phải có biên bản làm việc hay chụp hình để làm minh chứng!”. Một số tiêu chí khác thật sự đánh đố giáo viên. Chẳng hạn như ở tiêu chí 6 - Tìm hiểu đối tượng giáo dục, hay tiêu chí 21 - Đánh giá kết quả rèn luyện đạo đức của học sinh. Thật khó cho giáo viên có nguồn minh chứng nếu không làm công tác chủ nhiệm.
Với việc tìm nguồn minh chứng cho từng tiêu chí, khi thực hiện một nhiệm vụ nào đó, giáo viên phải tự hỏi mình việc này thuộc tiêu chí nào và cần nguồn minh chứng gì?
Trong lúc chúng ta đang thực hiện cải cách hành chính thì việc thực hiện xét thi đua theo thông tư 30/2009/TT-BGDĐT làm cho giáo viên càng rối rắm thêm với thủ tục giấy tờ. Đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp là một việc làm đáng hoan nghênh, nhưng thực hiện thế nào để không gây khó khăn cho các thầy cô giáo thì đó mới là một cách làm thiết thực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận