17/07/2021 09:27 GMT+7

Chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ

TRẦN HUỲNH ghi
TRẦN HUỲNH ghi

TTO - Văn phòng Chính phủ vừa ra văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam xung quanh quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới được Bộ GD-ĐT ban hành ngày 28-6.

Chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ - Ảnh 1.

Nghiên cứu sinh khoa khoa học và kỹ thuật thông tin Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) báo cáo luận án tiến sĩ tại seminar học thuật - Ảnh: VĂN TOÀN

Theo đó, sau khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận được ý kiến của một số nhà khoa học, nhà giáo về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới được Bộ GD-ĐT ban hành, Phó thủ tướng chỉ đạo: "Bộ GD-ĐT nghiên cứu các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc, có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ. Đối với những ngành đặc thù thì cần có quy định cho phù hợp". 

Liên quan đến đào tạo tiến sĩ, một số nhà khoa học cũng góp ý.

PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng (trưởng khoa công nghệ hóa học và thực phẩm Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM): Phải tiệm cận đào tạo quốc tế

Theo tôi, chuẩn đào tạo tiến sĩ mà Bộ GD-ĐT đưa ra hạ thấp so với 2017, đáng ra phải tăng mới tiệm cận đào tạo tiến sĩ ở quốc tế. Cần phải rà soát lại toàn bộ từng chuyên ngành, xem chuyên ngành đó có thể công bố công trình nghiên cứu trên tạp chí ISI/Scopus nào. 

Trường hợp đặc thù thì có danh mục tạp chí trong nước uy tín để đăng. Muốn tốt nghiệp tiến sĩ thì phải có công bố quốc tế nằm trong danh mục ISI/Scopus, tối thiểu là hai bài (trừ chuyên ngành đặc thù). Đây là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để có "tiến sĩ thật".

TS Lê Thị Thanh Xuân (khoa quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM): Những ngành khó khăn cần xem xét riêng

Hiện tại những tạp chí khoa học của Việt Nam có uy tín được xếp vào ISI hay Scopus. Nhưng bên cạnh đó, nhiều tạp chí khoa học trong nước có quy trình phản biện rất lỏng lẻo, sơ sài. Như vậy, công bố ở tạp chí quốc tế cũng là khuyến khích cho các tạp chí Việt Nam phát triển theo hướng hội nhập. Với những ngành có khó khăn trong công bố quốc tế như quân sự thì nên có xem xét riêng. Tuy nhiên, những ngành như khoa học kỹ thuật hay khoa học xã hội và nhân văn thì không thể hạ chuẩn.

TS Lê Văn Út (trưởng nhóm nghiên cứu trắc lượng thông tin Trường ĐH Tôn Đức Thắng): Xem lại khái niệm "tạp chí nước ngoài", "tạp chí trong nước"

Đã đến lúc cần xem lại khái niệm "tạp chí nước ngoài" hay "tạp chí trong nước". Thực chất, Việt Nam đã có những tạp chí được xuất bản bằng tiếng Anh, thu hút công trình toàn cầu và có những tạp chí đã được công nhận trên thế giới thông qua việc những tạp chí này được liệt kê vào các cơ sở dữ liệu ISI/Scopus. Và ắt hẳn những tạp chí này cũng được xếp vào "tạp chí trong nước" nhưng bản chất thì những tạp chí này là những tạp chí quốc tế.

Nếu cần phân biệt thì nên chia nhóm: tạp chí quốc tế gồm cả những tạp chí nước ngoài có uy tín (được liệt kê vào các cơ sở dữ liệu ISI/Scopus hay được xuất bản bởi những tổ chức uy tín) và có nhiều tạp chí của Việt Nam đã đạt chuẩn này. Tạp chí không quốc tế (hay tạp chí quốc gia, được tính điểm) gồm các tạp chí xuất bản bằng tiếng Việt.

GS.TS Võ Văn Sen (phó chủ tịch hội đồng khoa học và đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM): Bước đi phù hợp

Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới vừa được Bộ GD-ĐT ban hành không phải mới hoàn toàn mà như một số ý kiến cho rằng quy chế này dựa trên nền tảng quy chế 2017 và sửa đổi bổ sung cho hợp lý. Cụ thể, về bài báo quốc tế, quy chế mới không cấm việc có các bài báo Scopus - ISI hay bài báo uy tín quốc tế.

Tuy nhiên, quy chế mới có chữ "hoặc" bài báo khoa học trong nước, hay các hội thảo khoa học quốc tế trong nước, hoặc công trình khoa học trong nước... điều này rất phù hợp.

Các cơ sở giáo dục ĐH tùy theo năng lực của mình sẽ xác định mức độ tự chủ về đào tạo. Có thể, hai ĐH Quốc gia sẽ có quy chế riêng với quy định cao hơn một chút so với quy chế này. Trong khi quy chế cũ quy định chung cho tất cả các ngành như nhau như vậy là không phù hợp và vì thế đó chưa phải là tiến bộ mà còn làm hạn chế sự phát triển của đào tạo sau ĐH.

Do vậy, tôi khẳng định quy định trước đây về điều này chưa phải là một bước tiến mà là một mong muốn chủ quan chưa phù hợp. Do đó, quy chế mới càng không phải thụt lùi mà là sự điều chỉnh cần thiết, là bước đi phù hợp.

Đào tạo tiến sĩ ở các nước: 'Siết' đầu ra

đh swansea

Nghiên cứu sinh tại ĐH Swansea (Anh) - Ảnh: GETTY IMAGES

Tại các nước như Mỹ, Canada, Singapore hay Nhật thời gian đào tạo một tiến sĩ thường kéo dài 4-8 năm, thậm chí "ngốn" đến hơn 10 năm. Quy trình cho "ra lò" một tiến sĩ bắt đầu bằng 1-3 năm học chuyên sâu những học phần liên quan. Khối lượng kiến thức thường khá dày và nặng, đòi hỏi người học thường dành toàn bộ thời gian trong ngày.

Ngoài ra, người học phải trải qua các kỳ thi cam go để đạt chuẩn bước vào giai đoạn tiếp theo. Nhiều nghiên cứu sinh thậm chí phải học lại do không vượt qua được những yêu cầu từ trường. Nếu qua được, họ sẽ bước đến giai đoạn làm đề tài, thường mất từ 2-8 năm và được theo dõi tiến trình nghiêm ngặt. Để được công nhận, nghiên cứu sinh sẽ phải bảo vệ luận án trước hội đồng rất khắt khe, trong đó có các giáo sư từ trường hoặc nước khác.

Thông thường, chất lượng một tiến sĩ ảnh hưởng trực tiếp đến danh tiếng của nhà trường nên chuyện vị nể là khá ít. Theo báo The New York Times, ước tính chỉ có khoảng 60% nghiên cứu sinh hoàn thành được chương trình tiến sĩ ở Mỹ trong 10 năm. Đặc biệt, có đến 30% bỏ học hoặc bị đuổi học.

Ở các nước như Úc, Anh, New Zealand...nghiên cứu sinh tiến sĩ thường bắt tay vào làm đề tài mà không cần trải qua những học phần bắt buộc. Giáo sư hướng dẫn thường là người "chỉ đường" cho các nghiên cứu sinh đi học thêm nếu thấy họ có vẻ "hụt" kiến thức. Vì vậy, quy trình ở các nước này thường ngắn hơn khoảng 2-3 năm.

Tuy nhiên dù theo mô hình nào, chuyện đào tạo tiến sĩ ở các quốc gia phát triển đều được "siết" chặt đầu ra. Sự "siết" chặt này phần lớn do chính các trường đào tạo ý thức vì chỉ cần một vài tiến sĩ "dởm" cũng có thể phá hoại uy tín của trường. Vì vậy, các cơ quan quản lý giáo dục của quốc gia thường đưa ra những tiêu chuẩn vừa phải rồi sẽ được thêm thắt tùy từng trường.

Chẳng hạn với yêu cầu công bố quốc tế. Thông thường với những ngành khoa học tự nhiên, việc nghiên cứu sinh có tên trên các tạp chí trong đó có ISI/Scopus là bắt buộc. Sức ép công bố có thể đến ngay từ giáo sư hướng dẫn, họ "áp" số lượng cụ thể để tạo động lực cho nghiên cứu sinh.

Với những ngành khoa học xã hội, yêu cầu này thường "dễ thở" hơn. Khác với khoa học tự nhiên, những ngành xã hội thường đòi hỏi một thời gian rất dài khảo sát, phân tích đến báo cáo mới cho ra được một công bố chất lượng. Quá trình này thậm chí dài hơn cả thời gian đào tạo tiến sĩ.

Do đó, không ít người đã trở thành tiến sĩ một thời gian thì bài báo "chuẩn" quốc tế này mới được xuất bản. Thay vào đó, mỗi trường sẽ có một hướng dẫn chi tiết các tạp chí đạt chuẩn cho nghiên cứu sinh, vì rõ ràng không thể xem việc xuất hiện trên các tạp chí ISI/Scopus là tiêu chí duy nhất quyết định khả năng nghiên cứu của tiến sĩ.

TRỌNG NHÂN tổng hợp

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT trao đổi thêm về quy chế đào tạo tiến sĩ Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT trao đổi thêm về quy chế đào tạo tiến sĩ

TTO - Văn phòng Chính phủ vừa ra văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam xung quanh quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới được Bộ GD-ĐT ban hành.

TRẦN HUỲNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên