Năm 2023, nước ta có đến chín dự án đường cao tốc được hoàn thành đưa vào khai thác. Nhiều dự án đường cao tốc đang và sẽ triển khai, hứa hẹn tăng tốc trong năm 2024, với tổng mức đầu tư được phân bổ lên đến 422.000 tỉ đồng.
Điều này cho thấy ngành giao thông được kỳ vọng rất lớn, không chỉ tính bằng chiều dài cao tốc mà còn là hiệu quả kinh tế - xã hội cùng với thuận lợi di chuyển và an toàn giao thông.
Khắc phục những tồn tại
Thực tiễn thời gian qua cho thấy có các bất cập phải rút kinh nghiệm, sớm khắc phục tồn tại, làm tốt hơn với các dự án mới. Đúng là không ít sự cố, tai nạn xảy ra do ý thức tài xế còn quá kém, nhưng một phần cũng do hạ tầng giao thông chưa đạt chuẩn trên các đường cao tốc.
Các đường cao tốc này mỗi chiều chỉ có một làn đường. Có những nút thắt cổ chai khi nhập làn, không có dải phân cách cứng càng nguy hiểm, chưa có làn dừng khẩn cấp.
Xe hư hỏng chỉ dừng bên phải thì các xe phía sau đang lưu thông tốc độ nhanh khó xử lý kịp, hoặc khi có va chạm ảnh hưởng cứu nạn cứu hộ, sử dụng chưa bao lâu đã quá tải phương tiện và lại phải tiếp tục đề xuất mở rộng.
Nhiều đoạn đường mất sóng điện thoại, không đèn chiếu sáng ban đêm.
Thiếu trạm dừng nghỉ, cây xăng, nhà vệ sinh công cộng ở những đường cao tốc hàng trăm cây số.
Trong khi ngân sách còn khó khăn, cao tốc phải phân kỳ đầu tư là hợp lý, nhưng công tác an toàn cần được chú trọng đúng mức. Làn đường khẩn cấp cũng đã biết sự cần thiết đến mức nào rồi! Các công trình phụ trợ như sóng điện thoại, trạm dừng nghỉ nếu được quan tâm sớm vẫn có thể làm đồng bộ.
Dù phân kỳ đầu tư nhưng nên chuẩn hóa cao tốc tối thiểu ít nhất bốn làn đường và có làn dừng khẩn cấp, dải phân cách cứng, tốc độ lưu thông phải hơn quốc lộ. Triển khai và hoàn thành đồng bộ các công trình phụ trợ tiện ích, an toàn.
Nên chăng rà soát tổng thể, ưu tiên phân bổ kinh phí khắc phục các bất cập với cao tốc đã đưa vào khai thác thời gian qua. Những dự án mới cần có sự chuẩn bị và hoàn thành các công trình phụ trợ cùng lúc với cao tốc.
Việc khắc phục cao tốc hai làn xe không thể làm theo trình tự vì mất nhiều thời gian, cần cơ chế ưu tiên đặc biệt để kịp hoàn tất thủ tục và triển khai sớm.
Đồng thời, có thêm những giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trước mắt như hạ cấp đường cho phù hợp, xóa các nút thắt "cổ chai", nếu giữ tiêu chuẩn cao tốc thì tổ chức giao thông một chiều. Với cao tốc bốn làn đường trở lên cũng có thể quy định tốc độ khác nhau, giảm xung đột.
Cần cách làm mới và công nghệ mới
Cần có cảnh báo từ xa, khuyến cáo tài xế tuân thủ quy định khi tham gia giao thông, tập trung quan sát, xử lý tình huống một cách cẩn trọng, xử lý nghiêm các vi phạm.
Nên có một kênh radio riêng để cung cấp tin tức, tình hình giao thông, những đoạn ùn tắc hay kẹt xe để tài xế biết có thể chuyển hướng từ xa tại các vị trí kết nối.
Qua kênh radio này lồng ghép phổ biến thêm quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ năng lái xe trên cao tốc.
Hiện thực hóa mục tiêu cao tốc hẳn không thể làm theo cách cũ, ngoài phân cấp phân quyền, rút ngắn thủ tục, cần thu hút nguồn lực xã hội hóa.
Các cao tốc hoàn thành có thể nhượng quyền, đấu thầu ủy thác cho tư nhân tổ chức quản lý và khai thác để lấy vốn tái đầu tư. Hướng tới đa dạng hóa hình thức hợp tác, khai thác dịch vụ theo cao tốc.
Doanh nghiệp đầu tư không phải đóng tiền sử dụng đất mà còn được xây dựng nhà ở, khu dịch vụ thương mại trong phạm vi khai thác.
Giải phóng mặt bằng nên làm trước một bước, sẽ càng dễ thu hút kêu gọi xã hội hóa, khai thác trước các quỹ đất dọc tuyến. Đây là công việc trước sau gì cũng phải làm, trách nhiệm chính thuộc chính quyền.
Nếu làm tốt công tác quy hoạch, khai thác quỹ đất thì có thể thu về nguồn vốn lớn.
Mong đảm bảo dịch vụ cho "nhu cầu thiết yếu"
Cùng với mong muốn nhìn thấy cao tốc liền một dải đất nước, người dân cũng hy vọng một số khiếm khuyết sẽ được khắc phục để đường cao tốc thật sự hoàn chỉnh.
Một điểm dừng chân bên tuyến cao tốc ở Nam Trung Bộ phải bắc thang để hành khách trèo vào bên trong mới có thể sử dụng dịch vụ, chắc chắn là điều không ai muốn chứng kiến. Dĩ nhiên, cũng đừng để lặp lại sáng kiến "tự phát" và giải pháp tình thế bất đắc dĩ kia.
Có đường cao tốc bị ngập lúc mưa to. Một số đoạn cao tốc chưa có dải phân cách, camera giám sát, trạm dừng chân vẫn rất thiếu và thưa. Do yếu tố địa hình, thời tiết, vẫn nên cần trang bị đèn đường ở một vài địa bàn.
Rút ngắn quãng đường và thời gian di chuyển, tất nhiên các công ty du lịch cũng như du khách đều hài lòng. Du lịch "thắng lớn" có đóng góp không nhỏ từ các tuyến cao tốc.
Vì vậy, đã là đường cao tốc thì không thể thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kèm theo. Cần nhất là phải có đủ các trạm dừng chân để hành khách thư giãn, tài xế giải lao, các xe nạp nhiên liệu.
Xét về hiệu quả kinh tế, mô hình trạm nghỉ chân kết hợp dịch vụ ăn uống, mua hàng lưu niệm cũng rất nên áp dụng với đường cao tốc. Vậy chần chờ gì nữa mà không làm? Các hãng xe thương hiệu cần đi tiên phong lập trạm dừng nghỉ.
Xu hướng xe chạy điện thay thế xăng dầu sẽ trở thành tất yếu trong tương lai gần. Ngay từ bây giờ, các tuyến cao tốc đang xây dựng cần thiết lập các trạm sạc điện cho xe. Sau cùng, dù đường sá hay dịch vụ chất lượng thế nào, cũng cần đến ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người ngồi sau tay lái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận