Cô Bùi Minh Tâm, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM (áo dài), trong một hoạt động ngoại khóa của trường - Ảnh: H.HG.
Trong đó, điểm mới là có các tiêu chí về năng lực quản trị nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục theo định hướng đổi mới giáo dục hiện nay.
Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến xung quanh quy định này.
Thúc ép làm việc
Bà Nguyễn Thị Nhiếp (hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội)
Nhìn vào quy định mới thì thấy rõ để đạt chuẩn, hiệu trưởng phải thực sự làm việc. Ví dụ hiệu trưởng phải chủ động, chủ trì trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục của trường mình, đổi mới tổ chức, bố trí, sắp xếp cán bộ giáo viên để thực hiện tốt các yêu cầu...
Hiệu trưởng có trực tiếp làm việc thì mới có các minh chứng để đánh giá chứ nếu chỉ điều hành, chỉ đạo chung chung sẽ khó chính xác.
Muốn thay đổi được những hạn chế, trì trệ thì hiệu trưởng là "đầu tàu" phải thay đổi trước. Vì thế tôi nghĩ quy định này rất cần thiết cho thời điểm thực hiện đổi mới giáo dục hiện nay.
Tôi cho rằng việc tự đánh giá, cấp dưới đánh giá cấp trên là việc bình thường trong một môi trường giáo dục dân chủ. Khi làm được điều đó, việc cấp trên đánh giá hiệu trưởng theo định kỳ cũng không phải áp lực gì ghê gớm như có người lo lắng.
Dĩ nhiên ai không muốn làm sẽ thấy khó, nhưng ai khi ngồi vào ghế hiệu trưởng thấy cần phải nỗ lực thay đổi trong nhiệm kỳ của mình để có những chuyển biến thật sự thì lại thấy quy định này hữu ích.
Bà NGUYỄN THỊ NHIẾP
Nên tổ chức 3 năm/lần
Bà Cao Tố Nga (hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, TP Hải Phòng)
Tôi ý thức rõ vai trò của hiệu trưởng trước các yêu cầu đổi mới hiện nay rất quan trọng, chi phối mọi hoạt động của một cơ sở giáo dục, đặc biệt là chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Vì phải tạo ra được một môi trường đoàn kết, đồng thuận, dân chủ, phát huy được năng lực của mỗi thành viên, kiềm chế, loại bỏ những vấn đề tiêu cực phát sinh thì đội ngũ cán bộ, giáo viên mới có chuyển động tốt được.
Nhưng hiệu trưởng điều hành, đánh giá cán bộ, giáo viên thì ngược lại cũng phải chấp nhận để cán bộ, giáo viên đánh giá mình, phải tự đánh giá nghiêm túc mới tạo được sự tin cậy.
Trên thực tế cũng có những người ngồi vào vị trí lãnh đạo rồi thì không muốn cố gắng, không thích đổi mới, chỉ cần an toàn. Việc đó cần phải thay đổi. Bộ GD-ĐT có chuẩn đánh giá giáo viên thì cũng phải có chuẩn đánh giá hiệu trưởng.
Vì thế quy định về chuẩn hiệu trưởng, theo tôi, là cần thiết. Nhưng theo tôi, chu kỳ cấp trên đánh giá hiệu trưởng hai năm/lần thì hơi ngắn.
Nên để ba năm/lần hợp lý hơn vì bằng thời gian một khóa học sinh vào trường và tốt nghiệp. Vì những nỗ lực của lãnh đạo trường áp dụng vào hoạt động giáo dục cũng cần có thời gian kiểm chứng, có thể nhìn vào sự chuyển biến của một khóa học sinh từ khi vào tới khi ra trường như thế nào.
Bà CAO TỐ NGA
Đưa "chuẩn" vào công việc
Ông Cao Huy Thảo (nguyên hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt - Úc, TP.HCM)
Việc đặt ra các chuẩn cho hiệu trưởng trường phổ thông hiện nay là rất cần thiết. Nhiều người cho rằng trong số 5 tiêu chuẩn thì nhiều hiệu trưởng hiện nay khó đạt được tiêu chuẩn thứ năm, đó là trình độ sử dụng ngoại ngữ và CNTT.
Tôi lại được biết đa số hiệu trưởng trường phổ thông đều có đầy đủ văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu, kể cả lĩnh vực ngoại ngữ và CNTT. Nhưng thực chất họ có sử dụng được ngoại ngữ và CNTT trong công việc hay không lại là chuyện khác.
Do đó, tôi đề nghị ngành giáo dục nên thiết lập một cơ chế thực hiện chuẩn hiệu trưởng một cách hiệu quả, đồng thời cải tổ nề nếp làm việc để tạo động lực cho các hiệu trưởng đạt được chuẩn một cách thực chất.
Nếu hiệu trưởng đạt được 5 tiêu chuẩn như Bộ GD-ĐT quy định, chắc chắn sẽ vận hành tốt mọi hoạt động của nhà trường.
Cơ chế để tạo động lực có thể là: tạo môi trường sử dụng CNTT trong nhà trường (giảm thiểu họp hành, thay vào đó là làm việc qua mạng, ứng dụng CNTT trong dạy và học...); những đợt đi học tập ở nước ngoài sẽ không có phiên dịch, chỉ những hiệu trưởng biết tiếng Anh mới được đi, đưa ra thời hạn ba năm hoặc năm năm hay nhiều hơn để hiệu trưởng đi học cho đạt chuẩn...
Ông CAO HUY THẢO
Xây dựng lộ trình để đạt chuẩn Việc Bộ
GD-ĐT đưa ra chuẩn hiệu trưởng giai đoạn hiện nay sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ quản lý trực tiếp tại các trường phổ thông, đồng thời giúp cho đội ngũ quản lý nhìn vào chuẩn đó mà phấn đấu vươn lên. Nhưng tôi quan tâm đến việc sau khi đưa ra chuẩn thì việc thực hiện sẽ như thế nào? Việc đánh giá hiệu trưởng có thực sự dựa vào chuẩn hay không.
Điều quan trọng nhất là sau khi áp dụng chuẩn hiệu trưởng, những hiệu trưởng đương nhiệm không đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì phải tự xây dựng lộ trình nhất định để đạt chuẩn. Nếu sau lộ trình đó mà không đạt chuẩn thì cần tự động xin từ chức để bổ nhiệm người đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, những người nằm trong diện quy hoạch lên hiệu trưởng cũng cần phải phấn đấu theo chuẩn, đảm bảo điều kiện khi bổ nhiệm nhất định hiệu trưởng phải đạt chuẩn hoặc trên chuẩn.
Là một giáo viên, tôi mong muốn hiệu trưởng nhà trường sẽ tạo nên một môi trường giáo dục tốt không chỉ cho học sinh mà cả giáo viên.
Một môi trường thân thiện và gắn kết - trong đó hiệu trưởng đóng vai trò như một "bà đỡ" cho những sáng kiến, sáng tạo của giáo viên sẽ thúc đẩy giáo viên không ngừng đổi mới và khao khát cống hiến cho nghề nghiệp.
Ông HOÀNG LONG TRỌNG (giáo viên môn văn tại TP.HCM)
5 tiêu chuẩn, 18 tiêu chí đánh giá hiệu trưởng
1. "Phẩm chất nghề nghiệp" gồm ba tiêu chí: đạo đức nghề nghiệp; tư tưởng đổi mới trong lãnh đạo, quản trị nhà trường; năng lực phát triển chuyên môn, nghiệp vụ bản thân. Mỗi tiêu chí có ba mức đánh giá theo cấp độ tăng dần: đạt, khá và tốt.
2. "Quản trị nhà trường" gồm bảy tiêu chí: tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường; quản trị hoạt động dạy học, giáo dục học sinh; quản trị nhân sự nhà trường; quản trị tổ chức, hành chính nhà trường; quản trị tài chính nhà trường; quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục học sinh của nhà trường; quản trị chất lượng giáo dục ở nhà trường.
3. "Xây dựng môi trường giáo dục" gồm ba tiêu chí: xây dựng văn hóa nhà trường; thực hiện dân chủ cơ sở trong nhà trường; xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường.
4. "Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội" gồm ba tiêu chí: phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện hoạt động dạy học cho học sinh; phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong huy động và sử dụng nguồn lực để phát triển nhà trường.
5. Sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng CNTT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận