Đây là những vấn đề quan trọng, cần thực hiện trước ngày cưới để không bị động:
1- Có kế hoạch tiêm chủng trước khi mang thai
Nếu lỡ không may các bạn mắc một số bệnh nhiễm trùng trong 3 tháng đầu thai kỳ, thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi, có thể gây ra các dị tật bẩm sinh hoặc lây cho con mình trong lúc chuyển dạ. Do đó tiêm chủng là một biện pháp hữu hiệu.
Các bệnh lý nên tiêm ngừa bao gồm sởi, quai bị, Rubella, thủy đậu, cúm, viêm gan siêu vi B. Để tiêm viêm gan siêu vi B, bác sĩ sẽ cho các bạn xét nghiệm kháng thể trước khi tiêm. Tiêm chủng sẽ mất thời gian vì mỗi mũi tiêm cách nhau 1 tháng, do đó nên chuẩn bị thời gian cho việc này trước hoặc ngay sau đám cưới. Các bạn phải đợi 3 tháng sau khi hoàn tất tiêm chủng mới nên để có thai.
2-Có kế hoạch giảm cân, hoặc ít nhất là không tăng cân thêm.
Ngoài việc giảm cân để mặc áo cưới cho đẹp, thì giảm cân còn giúp hạn chế nguy cơ khó thụ thai. Nghiên cứu cho thấy người béo phì dễ có nguy cơ khó thụ thai do buồng trứng đa nang, kinh nguyệt không đều…Tình hình thừa cân béo phì hiện nay khá phổ biến và đó sẽ là một trở ngại cho thế hệ trẻ ngày nay.
Vô sinh được định nghĩa là bạn không thể thụ thai sau 1 năm không áp dụng biện pháp tránh thai nào (đối với người dưới 35 tuổi) và sau 6 tháng đối với người trên 35 tuổi (thời gian ngắn hơn để các bạn tìm sự hỗ trợ sớm hơn).
Hiện nay không có biện pháp, chế độ ăn giảm cân nào thần kỳ cả và cũng đừng tin vào những điều đó. Phương pháp giảm cân duy nhất là ăn uống lành mạnh và tăng cường vận động thể thao. Béo phì cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ và tăng huyết áp thai kỳ một khi bạn đã mang thai.
Tăng huyết áp thai kỳ là một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra sinh non, do phải chấm dứt thai kỳ sớm giúp ổn định sức khỏe cho mẹ. Đái tháo đường thai kỳ thì cần phải tiêm insulin cho mẹ trong thời gian mang thai.
Tăng cân trong thai kỳ cũng là một vấn đề các bạn phải lưu tâm. Không phải tất cả bà mẹ mang thai đều tăng theo một số lượng cân nhất định mà việc tăng cân trong thai kỳ phải tùy thuộc vào tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai.
Nói một cách khác, nếu trước khi mang thai bạn thừa cân thì tăng vừa phải (7 - 11,5kg), nếu trước mang thai béo phì thì nên tăng ít lại (5 - 9kg), ngược lại nếu trước khi mang thai bạn suy dinh dưỡng thì lại tăng nhiều hơn (12.5-18kg) và nếu trước khi mang thai bạn có tình trạng dinh dưỡng bình thường thì tăng trung bình (11.5-16kg).
Bạn nên tham khảo ý kiến tư vấn cụ thể của các chuyên gia về dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp. Để kiểm soát việc tăng cân thì thực đơn trong lúc mang thai cũng phải lưu ý đảm bảo cung cấp đủ các chất đạm, tinh bột, béo, thực phẩm giàu canxi, vitamin và khoáng chất và hạn chế thực phẩm chứa năng lượng rỗng chỉ làm tăng cân mà không cung cấp chất dinh dưỡng như đường và chất béo.
3-Thiếu vitamin và khoáng chất cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và thai nhi.
Do đó các bạn gái khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân và gia đình cũng nên có chế độ ăn đa dạng và cân đối. Các vitamin và khoáng chất dễ thiếu hụt gây ảnh hưởng bao gồm acid folic (vitamin B9), chất sắt, canxi, vitamin D, i-ốt. Theo khuyến cáo, các bạn nên uống bổ sung viên acid folic hàm lượng 400mcg mỗi ngày vài tháng trước khi dự kiến thụ thai và 3 tháng đầu thai kỳ để phòng ngừa dị tật ống thần kinh cho con. Một khi có thai, nên bổ sung sắt hàm lượng 50mg/ngày từ khi mang thai cho đến hết thai kỳ để đảm bảo một sức khỏe tốt cho cả mẹ và con. Ngoài ra trong chế biến thức ăn nên sử dụng muối i-ốt và gia vị mặn có bổ sung i-ốt (hạt nêm, nước mắm…).
4-Ở nam giới, một cơ thể khỏe mạnh, một thói quen ăn uống sinh hoạt điều độ, sẽ là tiền đề cho sức khỏe tình dục sung mãn, hạn chế nguy cơ rối loạn cương dương, và sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh. Nghiên cứu cho thấy những nam thanh niên hút thuốc lá, thừa cân béo phì, thiếu hoạt động thể lực, tăng cholesterol máu, không ăn rau và trái cây, lạm dụng rượu bia thì có nguy cơ rối loạn cương dương hơn những người khác.
5-Sau khi sinh con thì hai vấn đề phổ biến bà mẹ gặp phải là trục trặc trong việc nuôi con bằng sữa mẹ (ví dụ như cảm giác không đủ sữa, thích cho con bú sữa ngoài để bé bụ bẫm hơn, hoặc nghĩ là nhiều chất dinh dưỡng hơn, thiếu sự ủng hộ từ người thân, bị ảnh hưởng bởi quảng cáo sữa công thức…) và vấn đề biếng ăn ở trẻ nhỏ. Những vấn đề này phòng dễ hơn trị.
Do đó ngay từ thời gian mang thai, các bà mẹ trẻ nên chuẩn bị cho mình những kiến thức đúng về nuôi con bằng sữa mẹ, tìm sự hỗ trợ từ người thân và cho con ăn dặm đúng cách để tránh xảy ra những nguy cơ ngưng sữa mẹ sớm hoặc vật lộn với tình trạng biếng ăn của con. Nghiên cứu cho thấy bất đồng trong nuôi con cũng là nguyên nhân phát sinh những xung đột mâu thuẫn trong gia đình giữa hai vợ chồng và cha mẹ hai bên.
Hiện nay, điểm thuận lợi là kiến thức trên không gian mạng rất nhiều. Nhưng hạn chế là có nhiều kiến thức chưa đúng, chưa phù hợp. Do đó lời khuyên cho các bạn trẻ là phải biết chọn lọc nguồn kiến thức để đọc và áp dụng. Chọn những kiến thức chính thống từ các cơ quan, đơn vị y tế chuyên khoa, từ các nhân viên y tế viết trên những trang chính thống. Tránh áp dụng những kiến thức từ những nguồn chưa được kiểm chứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận