Chiều 20-12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị góp ý đối với 5 dự án BOT xây dựng, nâng cấp mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao theo nghị quyết 98 của Quốc hội.
Tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ sự đồng thuận với việc triển khai 5 dự án BOT để khơi thông cửa ngõ thành phố, đồng thời đóng góp thêm ý kiến về phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, hình thức thu phí, quá trình triển khai thực hiện...
5 trục đường chiến lược
Theo ông Trần Quang Lâm, quá trình nghiên cứu các dự án đã được ứng dụng khoa học công nghệ để khảo sát và đánh giá, đồng thời thận trọng tính toán sát chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
"Nếu thuận lợi, quý 1-2025 sẽ trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư các dự án. Đến quý 2 và 3 dự kiến hoàn thiện và duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, phấn đấu để khởi công các dự án vào cuối năm 2025 và đầu năm 2026", ông Lâm nói.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải nhấn mạnh đây là 5 trục đường chiến lược, đa phần nghiên cứu đi trên cao để giải quyết nhanh lưu lượng giao thông. Cho nên vấn đề thu phí, giá vé, giải pháp kết cấu, biện pháp thi công... thế nào để giảm tác động đến sinh hoạt của người dân là những vấn đề cần bàn rõ.
Cũng theo ông Lâm, vốn trung hạn TP giai đoạn 2026 - 2030 dành cho hạ tầng giao thông chiếm khoảng 73%, cho thấy TP đang tập trung nguồn lực rất lớn cho lĩnh vực này.
Hiện những điều kiện trong công tác chuẩn bị của TP cho 5 dự án BOT cửa ngõ đã sẵn sàng, nếu dự án nào đủ điều kiện thì sẽ triển khai nhanh.
Bồi thường hợp lý, đảm bảo trật tự giao thông
Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí cần thiết triển khai các dự án, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các chính sách bồi thường công bằng và hỗ trợ hợp lý, nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống khi các dự án được triển khai.
Đại biểu tại quận 7 cho biết họ đồng tình với phương án của Sở Giao thông vận tải TP đối với nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Phú Thọ. Đại biểu cũng nhấn mạnh sự quan trọng của việc khảo sát hệ thống hạ tầng khu vực này, đặc biệt là việc cập nhật tuyến metro số 4 qua khu vực, để tránh xung đột giao thông.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị xem xét mức bồi thường hợp lý, đặc biệt đối với những trường hợp đất thu hồi có diện tích nhỏ và những hộ dân kinh doanh, buôn bán hoặc cho thuê.
Góp ý tại hội nghị, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng dù làm đường trên cao hay dưới thấp thì cũng cần có sự chuẩn bị kỹ kế hoạch điều phối, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và đời sống của người dân không bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng cần hạn chế giải tỏa trong các dự án, chỉ giải tỏa phần cần thiết để giảm chi phí và thời gian thi công.
Ví dụ, đối với dự án quốc lộ 13, ông cho rằng việc giải tỏa 48m là đủ để làm đường trên cao 4 làn xe và nâng cao chất lượng giao thông, đồng thời hạn chế tối đa tác động đến cộng đồng dân cư và chi phí bồi thường.
Song song đó cần chú trọng đến việc phát triển các tuyến đường trên cao, song hành với các tuyến đường dưới mặt đất. Việc xây dựng đường cao tốc sẽ giúp giảm tắc nghẽn và tăng cường khả năng lưu thông, đặc biệt là các khu vực cửa ngõ.
60.000 tỉ đồng làm 5 dự án BOT khơi thông cửa ngõ
Dự án mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) dài khoảng 5,91km. Sau quá trình nghiên cứu, đơn vị đề xuất phương án đi trên cao bằng cầu cạn 4 làn xe, tổng mức đầu tư gần 19.967 tỉ đồng.
Dự án mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) dài 9,62km. Đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án đi thấp bằng cách mở rộng mặt đường, tổng mức đầu tư khoảng 15.546 tỉ đồng.
Dự án nâng cấp quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến vành đai 3) dài khoảng 8,7km, với tổng mức đầu tư 8.810 tỉ đồng (bao gồm lãi vay). Đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án đi thấp bằng cách mở rộng mặt đường và làm cầu vượt tại các nút giao.
Dự án đường trục Bắc - Nam (đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) có tổng chiều dài 8,6km, tổng mức đầu tư hơn 8.651 tỉ đồng. Đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án đi trên cao bằng cầu cạn lệch tim.
Dự án BOT xây cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến Nguyễn Văn Linh) có tổng chiều dài 3,66km, với tổng mức đầu tư hơn 6.863 tỉ đồng (bao gồm lãi vay) cũng được đề xuất đi trên cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận