Phóng to |
Tiết dò bài môn lịch sử trước kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Theo thầy Tống Giang, tổ trưởng bộ môn lịch sử Trường THPT Phạm Thái Bường, Trà Vinh, sát ngày thi nên thả lỏng đầu óc, đừng quá hoang mang. Khi vào phòng thi, trong trạng thái hoàn toàn tập trung tự nhiên kiến thức sẽ được hồi tưởng.
Lập dàn ý để tránh lan man
Khi làm bài thi môn lịch sử, dứt khoát phải sử dụng giấy nháp và phải ghi ra dàn bài trên giấy nháp, làm bài bám sát dàn ý. Cách làm này giúp bài thi có ý rõ ràng, không sót ý. Theo kinh nghiệm chấm bài thi môn sử của các thầy cô, những bài làm không có dàn ý, HS viết tràn lan, giám khảo rất mệt khi tìm ý để cho điểm. Và vì thế, những bài này khó có điểm cao.
Một lời khuyên chung từ các thầy cô ba môn văn, sử, địa: thí sinh nên đọc kỹ yêu cầu của đề, gạch dưới những từ quan trọng để lập dàn ý và làm bài sát yêu cầu đề. Như vậy sẽ tránh viết lan man, lạc đề. Theo cô Nguyễn Kim Tường Vy, tổ trưởng tổ sử - địa - GDCD Trường THPT Nguyễn Hiền
(TP.HCM), lịch sử và địa lý là hai môn kiến thức nhiều nhưng không nên học vẹt, phải hệ thống hóa kiến thức. Ở môn lịch sử, cần nắm kỹ phần ý nghĩa lịch sử để trả lời được các câu hỏi suy luận. Với môn địa lý, trong những ngày còn lại nên tập trung rèn kỹ năng đọc biểu đồ, vẽ biều đồ, nắm kỹ các dạng biểu đồ và sử dụng hiệu quả Atlat địa lý VN. Nếu sử dụng Atlat tốt đỡ phải học bài và điểm thi sẽ không thấp.
Ở môn văn, đề thi có ba câu, trong đó phần nghị luận văn học chiếm phân nửa số điểm. Các thầy cô dạy văn nhận định: đề thi phần này thường không quá khó với HS. Tuy vậy, nhiều bài làm do dành nhiều thời gian cho hai câu đầu nên phần này có vẻ sơ sài. Cô Lê Thị Cẩm Hương, Trường THPT Nguyễn Trãi, TP.HCM, nhận định: Ở phần nghị luận văn học, nhiều HS không thể phân tích đúng yêu cầu đề, không xác định được hướng khai triển, dẫn đến bài làm văn lạc đề. Trước hết, hãy đọc thật kỹ đề, ghi nhận những từ ngữ then chốt để biết đề thuộc thể loại nào, có sẵn luận điểm chưa... Cần xác định rõ: đề yêu cầu phân tích nhân vật, phân tích tác phẩm hay phân tích tình huống, phân tích một khía cạnh giá trị tác phẩm, phân tích để chứng minh... Từ đó có dàn ý bám sát thể loại và nội dung kiến thức theo yêu cầu đề, tránh lối viết lan man dài dòng nhưng không nêu rõ ý. Không nên học thuộc lòng kiến thức và viết nguyên theo văn mẫu hoặc sách tham khảo.
Tự tin với các môn trắc nghiệm
Ở bộ môn tiếng Anh, cô Trần Thị Liễu, tổ trưởng tổ Anh văn Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM, khuyên các bạn thí sinh: “Nên giữ tâm lý ổn định. Cứ yên tâm vì đề thi tiếng Anh không quá khó, nếu học bám sát sách giáo khoa sẽ không quá khó có điểm trung bình. Những ngày cuối cùng này, HS nên xem lại những phần bài tập mình làm sai. Đề thi trắc nghiệm thường có các phương án trả lời gần đúng dễ gây nhầm lẫn. Đề thi tiếng Anh thường cũng không quá dài, nhiều HS làm dư giờ. Do vậy, nên dành thời gian đọc kỹ đề, nên đọc đề hai lần để tránh nhầm lẫn khi chọn câu trả lời. Khi làm bài tiếng Anh, các đoạn văn nên làm sau cùng. Khi đã chọn được câu trả lời nên tô đen ngay vào bài làm và đánh dấu vào đề thi (để kiểm tra lại vào cuối giờ).
Cô Trần Thu Hảo, tổ trưởng tổ hóa học Trường THPT Nguyễn Tất Thành - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: khi làm bài, trước tiên nên chọn những câu có tính chất thuộc lòng, dựa vào đáp án để làm trước. Sau đó, chọn những câu trên cơ sở suy luận về lý thuyết để làm bài tập lý thuyết (như là nhận biết điều chế...) và cuối cùng là những câu thuộc về bài tập tính toán. Đó là cách tận dụng được thời gian làm bài ngắn nhất, đem lại hiệu quả cao nhất trong bài thi môn này.
Còn thầy Trương Tiếu Hoàng, tổ trưởng tổ toán Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, khuyên các sĩ tử hãy tự tin với môn toán. Đề thi tốt nghiệp môn toán thường ra ở mức cơ bản. Khi làm bài, nên chọn những bài đơn giản làm trước, những dạng toán quen thuộc làm trước (như bài khảo sát hàm số chẳng hạn). Các bạn nên ăn uống điều độ, dành thời gian nghỉ ngơi, giờ giấc ổn định, tránh những sự cố đáng tiếc như trễ giờ thi. Quan trọng là nghe kỹ phần sinh hoạt quy chế trong buổi thi đầu tiên và thực hiện đúng quy chế.
Chỉ mang các vật dụng liên quan Theo quy chế, thí sinh chỉ được phép mang vào phòng thi các vật dụng liên quan đến việc làm bài thi: bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì (gôm), compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình; các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử; máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ và không soạn thảo được văn bản. Ở môn thi địa lý, thí sinh được mang theo Atlat địa lý VN (do Nhà xuất bản Giáo Dục VN ấn hành). Khi làm bài, thí sinh không được viết bằng bút chì (trừ vẽ đường tròn bằng compa và tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm), chỉ được viết bằng một thứ mực (không được dùng mực đỏ). Những phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo, không được tẩy, xóa bằng bất kỳ cách gì. Đối với đề thi có phần tự chọn, thí sinh chỉ được làm bài một trong hai phần tự chọn, nếu làm bài cả hai phần tự chọn thì không được chấm điểm cả hai phần tự chọn. Lịch thi tốt nghiệp THPT 2012
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận