TTCT - Theo ông Giang Thanh Long - viện trưởng Viện chính sách công và quản lý (ĐH Kinh tế quốc dân), chuyên gia nghiên cứu về cuộc sống của người già ở Việt Nam, Việt Nam đang chuẩn bị cuộc điều tra quốc gia lần thứ 2 về người cao tuổi (điều tra lần đầu thực hiện năm 2011). “Có rất nhiều thay đổi so với cách đây 10-20 năm trong đời sống của người cao tuổi Việt Nam” - ông Giang nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Ông Giang Thanh Long. -Ảnh: X.LongTrong số những thay đổi, ông thấy điểm nào là thay đổi đáng kể nhất?- Đời sống của người cao tuổi Việt Nam đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, tỉ lệ người già phải sống ở mức nghèo giảm rất mạnh, đời sống tinh thần tốt hơn. Nhưng đồng thời có một xu hướng không tốt: các bệnh không lây nhiễm mãn tính như xương khớp, tiểu đường, ung thư... tăng nhanh.Về an sinh xã hội, trước đây tỉ lệ người cao tuổi có lương hưu và trợ cấp xã hội rất thấp, chỉ hơn 20%. Nhưng 5-7 năm gần đây, gần 60% người cao tuổi có lương hưu hoặc các loại trợ cấp.Tuy thế, vẫn chưa bao phủ hết 12 triệu người cao tuổi Việt Nam, và gần 1/2 trong số này không có lương và hình thức trợ cấp nào. Đời sống người cao tuổi cũng khác nhau giữa các vùng miền, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, nông thôn vẫn rất nhiều người gặp khó khăn.Một khảo sát cho thấy tỉ lệ người cao tuổi vẫn phải làm việc (tạo ra thu nhập để kiếm sống) rất cao (44%), ông thấy chuyện này có gì bất thường?- Ở nhiều quốc gia có thị trường lao động cho người cao tuổi dựa trên nền tảng công nghệ, có tổ chức đứng ra bảo vệ, có thông tin minh bạch, và vì vậy dễ dàng cho người cao tuổi tham gia lao động hơn.Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng, chúng ta đang tiến đến mô hình như các nước phát triển: người già nhiều hơn, con cái ít sống gần bố mẹ hơn, người cao tuổi cũng chuyển dịch theo hướng sống gần chứ không sống cùng con cái, con cái quan tâm cha mẹ bằng cách gửi tiền (chi trả chi phí chăm sóc) hoặc gọi điện thăm hỏi, việc gặp mặt trực tiếp giảm đi.Đây là bài toán lớn và vai trò an sinh xã hội của Chính phủ cực kỳ quan trọng. Khi tỉ lệ người cao tuổi tăng, người cao tuổi cũng có nhu cầu làm việc, bởi làm việc cũng là cách giúp họ giảm chứng trầm cảm tuổi già. Tuy nhiên điều cần làm là tạo ra một thị trường lao động minh bạch, phù hợp sức khỏe và khả năng của người cao tuổi. Tuổi thọ bình quân đang tăng nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi Việt Nam lại thấp, điều đó cho thấy việc tăng thời gian làm việc chính thức so với hiện nay có thể là không hoàn toàn phù hợp. Ông nghĩ sao về điều này?- Dự báo của Tổng cục Thống kê và Liên Hiệp Quốc đều cho rằng Việt Nam là 1 trong 10 nước già hóa dân số nhanh nhất thế giới, trong hoàn cảnh thu nhập bình quân đang ở ngưỡng trung bình thấp.Tuổi thọ bình quân của Việt Nam tương tự Malaysia, Thái Lan, những nước có thu nhập bình quân cao hơn. Nhưng tuổi thọ khỏe mạnh (tuổi thọ trừ đi số năm sống không khỏe) ở các nước khác nhau. Ở Malaysia, những năm không khỏe của người cao tuổi là 6% so với tuổi thọ bình quân, Thái Lan là 10%, còn ở Việt Nam tới 15%.25% thời gian sống của người cao tuổi Việt Nam là sống chung với bệnh tật. Nếu nâng tuổi hưu như đề xuất từ 1-1-2021 thì còn rất nhiều việc phải làm, để một người trên 60 tuổi dễ dàng tìm việc mới, tiếp tục đóng góp phù hợp năng lực và nguyện vọng, chứ không phải là kéo dài tuổi hưu ở cơ quan hiện tại.Về chính sách dành cho người cao tuổi hiện nay, ông thấy có gì bất cập?- Chúng ta tự hào là chính sách gì cũng có, bộ ngành nào cũng có: Bộ Xây dựng có chính sách cho các công trình để phù hợp người khuyết tật, người cao tuổi; Bộ LĐ-TB&XH có chính sách trợ cấp cho người già; Bộ Y tế vừa có quy định về phát triển hệ thống lão khoa, có thông tư 35 yêu cầu kiểm tra sức khỏe cho người già; Bộ VH-TT&DL có chính sách mừng thọ, chúc thọ người cao tuổi...Như thế, có thể nói chúng ta có một hệ thống “lưới” về chính sách, nhưng thực hiện yếu. Chính sách nhiều và chồng chéo, hệ thống công nhiều chính sách, nhưng nhiều chính sách còn lỗ hổng. Với hệ thống tư thì nhiều chỉ tiêu khó thực hiện: mỗi người cao tuổi cần nhà bao nhiêu mét vuông dưỡng lão/bảo trợ xã hội, số mét vuông ấy đã bao gồm khu vệ sinh, khu vui chơi hay chưa... Tức là quy định có nhưng áp dụng khó.Tôi có nghe một số doanh nghiệp tư nhân tính: đầu tư một cơ sở dưỡng lão cho 50 cụ tốn 85-100 tỉ đồng. Trong khi các trung tâm bảo trợ xã hội của nhà nước đất mênh mông nhưng tỉ lệ sử dụng rất ít, nhưng nếu muốn hợp tác đối tác công - tư để xây nhà dưỡng lão thì lại... chưa có quy định.Cái nắm tay thân ái của một cụ bà với nhân viên nhà dưỡng lão. Ảnh: L.AnhTheo ông, nên sắp xếp lại các trung tâm trên sao cho hợp lý, khi tới đây số người cao tuổi tăng?- Chủ yếu là sắp xếp nguồn lực, đất đai hợp lý hơn. Tôi có lần đến huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình), chứng kiến trong cùng một khu dưỡng lão, một bên là cơ sở bảo trợ xã hội của nhà nước, một bên là khu vực dịch vụ với sự khác biệt rất rõ.Đó là sự khởi đầu nhen nhóm của mô hình hợp tác công - tư, dịch chuyển nguồn lực. Trước đây trại dưỡng lão này rệu rã, nay phòng ốc đã khác. Bên dịch vụ 24/24 giờ có y tá phục vụ, bên nhà nước chỉ có hai nhân viên nhưng có khi phải phục vụ hàng chục người cao tuổi, có cụ bị thương tật.Đang có hai hình ảnh tương phản: trung tâm của nhà nước rẻ nhưng cơ sở vật chất tệ, có trung tâm 500 người mà nguồn nước sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Thực tế đã có những kết hợp, có trung tâm tư đến hỗ trợ trung tâm bảo trợ xã hội nhà nước huấn luyện nghiệp vụ chăm sóc người cao tuổi, nhưng đó mới là cách hợp tác mang tính cá nhân.Chúng ta cần một chính sách kết hợp công - tư hợp lý. Đời sống của người cao tuổi trong vài chục năm tới sẽ như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào sự chuẩn bị của chúng ta hiện nay. Ở Nhật Bản, từ những năm 1960 đã có chính sách hỗ trợ/bảo trợ bảo hiểm sức khỏe cho người già. Hàn Quốc những năm 1980 cũng đã có chính sách này.■ Ông Nguyễn Văn Tân (nguyên phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế):Mỗi người nên chuẩn bị cho tuổi già của mìnhCó 6 yêu cầu quan trọng xung quanh công tác dân số, bao gồm: duy trì mức sinh thay thế, đưa tỉ số giới tính khi sinh trở về mức cân bằng, duy trì lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bổ dân số hợp lý (gia tăng tỉ lệ dân số sống ở đô thị), nâng cao chất lượng dân số. Thực hiện những yêu cầu này là rất khó.Có ý kiến cho rằng những năm qua việc giảm chênh lệch chỉ số giới tính khi sinh và một số chính sách thích ứng với già hóa dân số chúng ta làm chưa hiệu quả. Việc thích ứng với tình trạng dân số già phải nói thật là chúng ta đang thiếu cả về chính sách lẫn cơ sở vật chất. Ngay vỉa hè thiết kế cũng chưa phù hợp để người già có thể đi lại một mình, không cần con cháu dìu đỡ.Lợi thế của giai đoạn dân số vàng sẽ kéo dài đến khoảng năm 2037 - 2038. Những năm vừa qua, chúng ta đã tận dụng được lợi thế dân số. Có người nói là tận dụng vì mức lương thấp, nhưng nếu không có lợi thế ấy thì chúng ta cũng không thu hút được nhiều đầu tư như vậy, từ đó lao động có công ăn việc làm.Nhưng ở giai đoạn mới thì phải có những thay đổi để tận dụng hiệu quả giai đoạn này, không thể trông chờ mãi vào lợi thế lương thấp. Tôi cho rằng các mấu chốt phải là chăm sóc về sức khỏe, người dân, người lao động khỏe mạnh mới làm tốt được.Ngoài ra chính sách về đào tạo, người lao động phải được đào tạo nghề, có tay nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó là chính sách an sinh xã hội cho người lao động, đảm bảo lao động ở khu vực phi chính thức cũng có sự chuẩn bị cho tuổi già của mình, từng người có chuẩn bị cho cá nhân là cách bền vững nhất.L.Anh ghi Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Tuổi cao chí càng cao Tiếp theo Tags: Người cao tuổiTrung tâm dưỡng lãoGiang Thanh LongChuẩn bị từ bây giờ
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.