Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc (trái) kiểm tra phòng lưu trữ bài thi và phòng chấm thi tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Theo kế hoạch nhiều nơi, các trường ĐH sẽ tiếp quản bài thi ngay sau kết thúc các môn thi. Thậm chí có đoàn cán bộ chấm thi trắc nghiệm đã có mặt tại địa phương từ hôm qua 26-6, sẵn sàng cho công tác chấm thi.
Ai giữ bài thi, người đó sắm khóa cửa
Không chỉ tập trung chấm thi, điều mà các trường được phân công chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại địa phương lo "ngay ngáy" trong kỳ thi năm nay còn là giữ an toàn cho bài thi.
Một số trường ĐH cho biết sẽ bố trí người... ngủ cạnh nơi chứa bài thi, nhất là trong thời gian việc quét bài thi chưa hoàn tất, để giữ sự an toàn cho bài thi, tránh những tình huống bất ngờ ngoài kiểm soát.
Bà Nguyễn Thị Hương Thủy - phó trưởng Ban khảo thí và quản lý chất lượng Học viện Tài chính - cho biết dù việc nhận bàn giao bài thi từ Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh đến 28-6 mới chính thức diễn ra nhưng chiều 26-6, khi kỳ thi còn chưa hoàn tất, 9 cán bộ trong tổ chấm thi trắc nghiệm do học viện chủ trì đã có mặt ở Hà Tĩnh.
"Trong quy định của bộ chưa có quy định cụ thể về việc ban chấm thi phải bảo quản bài thi thế nào trong buổi tối. Chỉ có phòng bảo quản bài thi có camera giám sát cùng sự bảo vệ của công an 24/24 giờ.
Tuy nhiên, khi đã nhận bàn giao bài thi nghĩa là trường ĐH đã phải chịu trách nhiệm về bài thi. Vì vậy, học viện đã dự phòng phương án cử cán bộ của tổ chấm thi luân phiên nhau bảo vệ bài thi vào buổi tối cùng lực lượng công an" - bà Thủy cho biết.
Ngoài ra, với phòng chứa bài thi, bà Thủy cho biết sẽ đề xuất với Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh dùng khóa cửa do học viện mua, không phải khóa do địa phương chuẩn bị. Các đề xuất này học viện sẽ trao đổi đầy đủ với sở để thống nhất phương án an toàn, hợp lý và thuận lợi nhất cho công tác chấm thi.
Bà Phạm Thị Hằng - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa - cho biết hội đồng chấm thi ở Thanh Hóa được bố trí tập trung tại một cơ sở, gồm cả chấm trắc nghiệm và tự luận. Phòng chấm và phòng bảo quản thùng đề thi liền kề đã được gia cố thêm cửa, niêm phong cửa sổ, cách ly hoàn toàn với bên ngoài.
Đặc biệt, phòng chứa đề thi được bố trí nhiều thiết bị phòng cháy chữa cháy, trong đó có những bình khí phòng hỏa được treo trên trần nhà do công an cung cấp. Thiết bị camera được gắn trong các phòng chứa bài thi, phòng chấm thi và giao cho cán bộ an ninh theo dõi.
Thí sinh sau khi hoàn thành tổ hợp môn thi khoa học tự nhiên tại điểm thi Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: THANH YẾN
Thời gian chấm thi dài hơn mọi năm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT - khẳng định thời gian chấm thi năm nay sẽ kéo dài hơn so với mọi năm.
Theo ông Trinh, về công tác chấm thi năm nay - nhất là chấm thi trắc nghiệm - có một số điều chỉnh với quy trình chặt chẽ, kỹ càng, chi tiết hơn, bổ sung khâu làm phách điện tử nên chắc chắn thời gian chấm thi sẽ lâu hơn, tiến độ chấm thi sẽ kéo dài hơn.
Từ đó, việc công bố điểm thi sẽ chậm hơn so với năm trước. Cụ thể, năm 2018 đến 11-7 là công bố điểm thi thì năm 2019 điểm thi sẽ được công bố vào ngày 14-7. Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian chấm thi này đã được Bộ GD-ĐT dự liệu từ trước và có phương án triển khai hợp lý, không làm ảnh hưởng đến lịch xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ ngay sau đó.
TS Lê Việt Thủy - giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT Trường ĐH Kinh tế quốc dân - cho biết sẽ có 15-17 cán bộ thuộc đoàn chấm thi của trường về Nam Định. Tuy nhiên trước đó, một số máy phục vụ cho công tác chấm thi cũng đã được chuyển từ Nam Định về Trường ĐH Kinh tế quốc dân - Hà Nội để chạy thử, kiểm tra độ an toàn. "Điều lo lắng nhất là phải đảm bảo tiến độ do bộ đề ra.
Tất nhiên, năm nay bộ đã giãn tiến độ thêm 2-3 ngày so với năm ngoái nhưng chúng tôi vẫn chỉ lo không kịp. Trường có kinh nghiệm chấm thi trắc nghiệm nhiều năm nhưng chúng tôi lo những bất thường phát sinh, vì với quy trình mới có những vấn đề mà mình không lường hết được" - ông Thủy chia sẻ.
Theo ông Thủy, việc chấm thi kéo dài còn do quy trình chấm năm nay được tiến hành chặt chẽ, kỹ lưỡng hơn. Ví dụ trước đây, các bài thi sau khi quét bài thi có thể phân lô, sau khi quét 5-7 túi sẽ dồn vào túi lớn hơn để niêm phong, thì năm nay việc kiểm đếm, quét bài thi rồi niêm phong sẽ được thực hiện với từng túi bài thi.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hương Thủy cho biết với khoảng 48.000 bài thi trắc nghiệm của thí sinh Hà Tĩnh, nếu chọn người làm chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung. "Chúng tôi đã tập huấn kỹ cho cán bộ nhưng để đảm bảo thời gian hoàn thành, có thể ngày chấm thi không dừng 8 tiếng như thông thường" - bà Hương nói.
"Đánh phách" điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm
Thay đổi cơ bản về khâu kỹ thuật trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay là phần mềm chấm trắc nghiệm, trong đó có việc "đánh phách" điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh. Sau khi quét bài thi trắc nghiệm sẽ được mã hóa, không còn nhìn thấy gì trên bài, nếu copy ra đĩa cũng là dữ liệu đã được mã hóa, phải có mật khẩu mới giải mật được.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết phải thực hiện đúng quy chế, chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra gian lận, làm sai lệch kết quả thi; đặc biệt, những bài thi có điểm cao bất thường thì cần chấm lại, đảm bảo tính chính xác. (TR.HUỲNH)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận