Phóng to |
Xe Air Blade của Hãng Honda cháy trên đường Hai Bà Trưng, Hà Nội ngày 27-10-2011 - Ảnh: Nam Khánh |
Phóng to |
Buổi họp báo công bố tình hình, kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng chống cháy nổ xe cơ giới - Ảnh: Minh Quang |
Tại cuộc họp báo, đại diện các bộ ngành đã chỉ ra những nguyên nhân gây cháy nổ xe và các biện pháp phòng chống.
Theo đại tá Nguyễn Văn Tươi, phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an, trong hai năm 2011-2012, toàn quốc xảy ra 324 vụ cháy nổ ôtô, xe máy; trong đó 276 vụ cháy ôtô và 48 vụ cháy nổ xe máy.
Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã tiến hành điều tra, xác định làm rõ nguyên nhân số vụ cháy nổ trên. Qua đó, cục đã xác định nguyên nhân của 209 vụ cháy nổ, chiếm 64,5%. Theo đó, số 30,25% số vụ cháy nổ do chập điện, 15,1% số vụ do sự cố kỹ thuật, 9,8% do sơ suất, 4,63% do tai nạn giao thông và 4,32% do đốt. Hiện nay còn 115 vụ, chiếm 35,5%, chưa rõ nguyên nhân và đang tiếp tục được điều tra.
Cũng theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước xảy ra 115 vụ cháy ôtô, xe máy, làm bị thương ba người, thiệt hại tài sản trị giá trên 20 tỉ đồng. Trong số các vụ cháy nổ này, cơ quan công an điều tra làm rõ được 25 vụ, nguyên nhân đều do chập điện, sơ suất, sự cố kỹ thuật hoặc tai nạn giao thông, chỉ có một vụ xảy ra do đốt.
Nghiên cứu 439 vụ cháy nổ ôtô, xe máy trong thời gian từ năm 2010 đến nay, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ nhận định việc xảy ra cháy xe ở nhiều hãng sản xuất đã có thương hiệu như Hyundai, Daewoo, BMW, Mercedes, Ford, Mazda, Toyota, SYM, Honda...
Tuy nhiên, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cũng xác định một số vụ cháy có hiện tượng bất thường như dừng xe tắt máy tự nhiên xe nổ và cháy; xe chết máy tháo bugi phụt lửa gây cháy; xe đang chạy bị tắt máy, khởi động lại gây cháy nổ...
Theo đại tá Nguyễn Văn Tươi, dư luận nghi ngờ do xăng kém chất lượng gây nên hiện tượng cháy nổ nhưng chưa có cơ quan, đơn vị nào công bố nguyên nhân cháy ôtô, xe máy vừa qua do xăng dầu trực tiếp gây nên.
Tại buổi họp báo, ông Trần Văn Vinh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng, Bộ Khoa học & công nghệ, cho biết bộ này đã tổ chức các nhóm nghiên cứu tính khoa học gây ra nguyên nhân cháy xe.
Theo đó, có ba nhóm nghiên cứu bao gồm Viện Cơ khí động lực - Đại học Bách khoa Hà Nội; Phòng thí nghiệm trọng điểm hóa dầu - Viện Hóa công nghiệp; Đại học Bách khoa TP.HCM. Các nhóm này nghiên cứu tính khả thi về cháy nổ xuất phát từ các nguyên nhân do nhiên liệu (xăng, dầu, chất phụ gia…) và do động cơ gây ra hiện tượng cháy xe cơ giới và các biện pháp phòng chống. Kết quả nghiên cứu bước đầu xác định có 10 vấn đề.
Thứ nhất là nhiên liệu xăng và hỗn hợp nhiên liệu có pha thêm các alcohol (metanol và ethanol) với nồng độ dưới 30% không thể tự bốc cháy, không gây ra cháy ôtô và xe gắn máy, trừ trường hợp đặc biệt có sự rò rỉ nhiên liệu và có sự tiếp xúc với nguồn nhiệt nóng hơn 490 độ C.
Thứ hai, nhiên liệu xăng và hỗn hợp nhiên liệu xăng có pha hàm lượng ethanol hoặc methanol nhỏ hơn 30% chỉ bốc cháy trên động cơ, gây ra cháy xe khi bản thân nhiên liệu bị rò rỉ và đồng thời có tia lửa điện tại thời điểm đó (chập mạch hệ thống điện của động cơ hoặc do ma sát sinh ra).
Thứ ba, nhiên liệu xăng có pha hàm lượng ethanol hoặc methanol cao, gây lão hóa đường ống dẫn nhiên liệu, ron cao su dẫn đến bị rò rỉ nhiên liệu tạo ra khả năng cháy nổ khi có nguồn nhiệt cao...
Thứ tư, các nghiên cứu này cũng chưa đưa ra được ảnh hưởng tiêu cực của viên tiết kiệm xăng, dung dịch tiết kiệm xăng.
Đặc biệt, vấn đề thứ năm là xe máy hiện đại sử dụng nhiên liệu không phù hợp, đặc biệt chỉ số RON thấp như xăng A83 gây nóng động cơ hơn bình thường dẫn đến khả năng nóng chảy một số chi tiết và có thể gây ra chập điện, tạo ra nguồn nhiệt lớn và sẽ gây cháy nếu trường hợp vùng nhiệt nóng tiếp cận với vật liệu dễ cháy.
Thứ sáu, việc sử dụng cốp xe để chứa những vật dễ cháy, nổ (bật lửa, bình gas con…) sẽ gây cháy vì nhiệt độ trong cốp xe có thể cao hơn 60 độ C - nhiệt độ có thể làm cháy, phát nổ các thiết bị, bình hóa chất đựng trong cốp như điện thoại di động, máy tính xách tay, máy ảnh, nước hoa, keo xịt tóc...
Thứ bảy là việc sử dụng cầu chì nối bằng dây điện hoặc sử dụng cầu chì không đúng thiết kế, tăng khả năng chập, cháy điện khi công suất tiêu thụ cao hơn thiết kế cho phép (độ xe, lắp đặt thêm thiết bị như âm thanh, còi, bảo vệ…).
Thứ tám là các vật liệu dễ cháy cuốn vào gầm xe, tiếp xúc với bộ phận nóng như động cơ, ống xả khi xe đang chạy cũng sẽ gây ra cháy xe.
Việc sử dụng xe hiện đại không đồng bộ với yêu cầu xăng, dầu tại Việt Nam hiện nay dẫn đến hiện tượng nóng máy, ống xả bị nóng hơn khi tiếp xúc với các vật dễ cháy sẽ gây ra cháy xe là nguyên nhân thứ chín.
Cuối cùng là do tràn nhiên liệu ra ngoài trong quá trình nạp nhiên liệu hoặc nạp quá nhiều nhiên liệu hoặc bất cẩn không đậy nắp hoặc lắp không khít dẫn đến cháy, nổ khi có sự cố chập mạch về hệ thống điện.
Tại cuộc họp báo, thượng tá Nguyễn Viết Nội, phó trưởng phòng giám định âm thanh và sự cố kỹ thuật, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, cũng nhận định mọi vụ cháy đều được cơ quan giám định xác định nguyên nhân. Cơ bản các sự cố gây cháy xe có thể từ việc xe đang đi bị bó phanh gây sinh nhiệt từ ma sát gây cháy xe, vỡ ổ bi… Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa phát hiện vụ cháy nào có nguyên nhân trực tiếp do xăng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận